Công ty tài chính: Nợ xấu tăng lên 9-10%

Chủ Nhật, 31/10/2021, 08:14

Đây là số liệu công bố tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2021 nhóm hội viên công ty tài chính, được Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 29/10. Nhóm hội viên là các công ty tài chính gồm 12 công ty trong đó 8 công ty là hội viên chính thức, 4 công ty là hội viên liên kết.

Trong những năm qua, nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các công ty tài chính tiêu dùng đã chú trọng việc mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

image001.jpg -0
Công ty tài chính tiêu dùng giúp người dân tiếp cận được tín dụng tốt hơn.

Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân và hạn chế tín dụng đen.

Tính đến nay, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính, trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là Fe Credit (10.928 tỷ).

Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân là 9-10%, trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 khoảng 6% và tỉ lệ này dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Giải thích nguyên nhân về việc nợ xấu tăng cao, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đối với các công ty tài chính tiêu dùng, phân khúc khách hàng là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID- 19.

Trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị và quyết định của từng địa phương, nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,... (do khách hàng phải hạn chế đi lại, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa).

“Những yếu tố này vừa tác động lớn đến kết quả doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc (theo TT01,03,14) rất lớn và hiện đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp, điều đó rất khó khăn cho cán bộ và khó tránh khỏi việc xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng”, Hiệp hội ngân hàng phân giải và cho biết, để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các công ty tài chính cùng với các tổ chức tín dụng luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện cơ cấu lại nợ, không ngừng nỗ lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, lãi suất ngày một giảm và rất nhiều khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi của các công ty.

Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2021, Công ty tài chính Fe Credit đã có tới 400 nghìn khoản vay, trị giá khoảng 2 ngàn tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Tại Lotte Finance, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng.

Tại Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi đã được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 45 tỷ đồng…

B.K
.
.
.