Đẩy mạnh kết nối việc làm cho người lao động dịp cuối năm

Thứ Sáu, 17/12/2021, 08:20

Theo thống kê tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành: gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương ngày 16/12, các doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển dụng đến gần 20 nghìn vị trí việc làm, cho thấy nhu cầu tuyển dụng cuối năm là rất lớn.

Những phiên giao dịch việc làm trực tuyến như thế này thực sự là cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm sau một giai đoạn thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, có một thực tế là dù nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng số lượng lao động đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn chưa cao.

Cơ hội việc làm cho người lao động

Sau gần 2 tháng tìm kiếm việc làm mới, chị Phùng Thúy Vân (Hoài Đức, Hà Nội) phấn khởi cho biết, mục tiêu tìm kiếm việc làm trước Tết của chị đã hoàn thành. Chị Vân cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống cửa hàng thể thao trước đây chị làm kế toán buộc phải thu hẹp quy mô. Từ chỗ có gần 20 cửa hàng kinh doanh trên khắp địa bàn Hà Nội, nay chủ cửa hàng buộc phải trả mặt bằng, đóng cửa 15 điểm bán hàng. Dù nhân viên kế toán như chị không bị mất việc nhưng thu nhập bị giảm rất sâu, khó có thể đảm bảo cuộc sống gia đình, chính vì thế giữa tháng 8/2021, chị đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm việc làm mới.

“Có gia đình và con nhỏ nên áp lực tìm việc làm mới với tôi rất lớn. Đây là lần thứ 3 tôi tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. May mắn lần này tôi gặp được một doanh nghiệp kinh doanh hàng gia dụng đang có nhu cầu cần tuyển kế toán mà địa chỉ lại ngay khu vực Nhổn, rất phù hợp. Tôi tham gia ứng tuyển và phỏng vấn trực tuyến, ngay lập tức được thông báo đã trúng tuyển”, chị Vân phấn khởi chia sẻ.

Cũng áp lực tìm kiếm việc làm mới, anh Nguyễn Trường Giang (Thường Tín, Hà Nội) không ngại đường sá xa xôi đi gần 20km đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến ngày 16/12. Anh Giang cho hay, cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà anh phải nghỉ việc từ đầu tháng 8 đến nay, tuy nhiên do công việc của anh là kỹ thuật viên hàn nhiệt, khá đặc thù nên việc tìm kiếm việc làm mới là không dễ. Thời gian qua, anh cũng đã đi “rải” hồ sơ ở rất nhiều nơi nhưng không có hồi âm.

“Được đào tạo bài bản, lại có kinh nghiệm làm việc mà ngồi chơi suốt mấy tháng nay thực sự là nỗi khổ với mình. Mình không ngại đi xa, không ngại khổ nhưng thực tế ngành của mình nhu cầu tuyển dụng không lớn như các ngành khác nên cơ hội việc làm không nhiều. Cũng may hôm nay đã tìm được việc làm mới. Trong bối cảnh hiện nay có công ăn việc làm đã là hạnh phúc rồi”, anh Giang chia sẻ.

Tiếp nối kết quả đã đạt được qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối giữa các tỉnh thành trong thời gian qua, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố.

Thống kê tuyển dụng 116 doanh nghiệp cho thấy, phân theo trình độ, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị cần tuyển trên 7.200 vị trí lao động phổ thông; trên 4.500 vị trí trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và gần 6.000 vị trí trình độ cao đẳng, đại học. Kết thúc phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố, hơn 6.000 lao động đã được tuyển dụng.

2.jpg -0
Các trung tâm dịch vụ việc làm đang đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động.

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ nhu cầu

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phục vụ kinh doanh cuối năm rất lớn, số lượng lao động tham gia tuyển dụng cũng không ít, tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng có thể tuyển được đủ số người. Nguyên nhân là số lao động đáp ứng được yêu cầu chưa cao. Bà Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên nhân sự hệ thống siêu thị "Mẹ và bé con cưng" cho biết, đơn vị cần tuyển gần 100 vị trí lao động cho các cửa hàng trên hệ thống tại các tỉnh, thành, mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng. “Người có thể đáp ứng được yêu cầu chuyên môn thì lại thiếu các kỹ năng khác, chính vì thế, chúng tôi sẽ còn phải tuyển thêm thông qua các kênh tuyển dụng khác”, bà Vân Anh cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức, Công ty cổ phần Vang Thăng Long, Công ty cần tuyển 30-40 lao động thời vụ với mức tiền công 200.000 đồng/ngày và 1 bữa trưa. “Các năm trước chỉ cần đăng tuyển trên mạng xã hội đã có rất nhiều ứng viên, năm nay đăng ký tuyển qua sàn, vị trí tham gia ứng tuyển ít. Doanh nghiệp khó khăn tìm lao động phổ thông”, ông Vinh than thở.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bên cạnh kết nối với 6 sàn của các tỉnh, thành khác thì từ sàn Trung tâm của Hà Nội cũng kết nối với 14 điểm sàn vệ tinh tại các quận, huyện trên địa bàn. Riêng tại sàn Hà Nội có 35 đơn vị tham gia tuyển dụng trên 1.200 vị trí. Vào dịp cuối năm, lĩnh vực tuyển dụng nhiều nhất là thương mại dịch vụ chiếm gần 40%; tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, siêu thị, may mặc, bảo hiểm, y tế… Trong số này, đến gần một nửa là làm thời vụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tập trung chủ yếu là vị trí góp giỏ quà Tết, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân…

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Do đó, bên cạnh kết nối trực tuyến giữa các tỉnh thành, Trung tâm tiếp tục kết nối thường xuyên lao động làm bảo hiểm thất nghiệp, lao động đăng ký tìm việc làm mới để kết nối cung cầu việc làm cuối năm”, ông Thành cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.