Dự án nghiên cứu tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông vừa được Bộ TN&MT nghiệm thu

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:52
Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (gọi tắt là MDS) do Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam đại diện cho Bộ TN&MT thuê Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện có tổng kinh phí khoảng 4,3 triệu USD (từ nguồn của Chính phủ Việt Nam và viện trợ ODA của một số nước tài trợ) thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 6-2013 đến tháng 1-2016) và vừa được Bộ TN&MT nghiệm thu.


Người dân ĐBSCL đang… trông ngày, trông đêm nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông do động thái xả đập thủy điện Cảnh Hồng từ phía Trung Quốc (và tới đây là Nhà máy Thủy điện Năm Ngừm 1 của Lào). Nếu đúng như dự báo của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vào sáng 26-3 vừa qua, đến ngày 4-4 tới  lượng nước này sẽ về đến biên giới Việt Nam và sẽ đủ sức đẩy mặn ra phía biển khoảng 20km, các tỉnh dọc sông Tiền và sông Hậu sẽ được hưởng lợi trực tiếp...

Cũng liên quan đến dòng Mê Kông, nhiều nhà khoa học đang đặc biệt quan tâm đến Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (gọi tắt là MDS) do Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam đại diện cho Bộ TN&MT thuê Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện…

Dự án có tổng kinh phí khoảng 4,3 triệu USD (từ nguồn của Chính phủ Việt Nam và viện trợ ODA của một số nước tài trợ) thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 6-2013 đến tháng 1-2016) và vừa được Bộ TN&MT nghiệm thu. 

Cùng quan tâm đến Dự án MDS này, trong khuôn khổ cuộc Hội thảo “Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông” vừa được Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GREENID) tổ chức, nhiều nhà khoa học đã cùng trao đổi, mổ xẻ, phân tích những nội dung có liên quan mà Dự án MDS chưa nêu ra hết, hoặc nêu ra chưa sát với tình hình thực tế của ĐBSCL. 

Hạn, mặn đang gây thiệt hại nghiêm trọng ở ĐBSCL là do sự tác động chủ yếu của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Và các nhà khoa học đã gặp nhau trong cùng đánh giá: Báo cáo MDS của các nhà khoa học nước ngoài tại dự án này vô cùng hời hợt. Những số liệu mà họ đưa ra và đánh giá xem nhẹ các tác động tiêu cực của đập thuỷ điện từ thượng nguồn sông Mê Kông đến châu thổ sông Cửu Long và cả 14 tỉnh của Campuchia. 

Nhìn nhận tính đa dạng sinh học, chuyên gia sinh học - môi trường khu vực ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, về nông nghiệp nghiên cứu này chỉ mới xem xét đến ảnh hưởng của giảm lượng phù sa, dinh dưỡng đối với cây lúa và bắp mà không tính đến các loại cây màu và vườn cây ăn trái trong khi diện tích vườn cây ăn trái của ĐBSCL với sản lượng hằng năm chiếm 80% của cả nước nhưng lại không đưa vào sản phẩm để đánh giá tác động. Cách phân vùng và chọn điểm khảo sát của MDS cũng lạ đến mức khó hiểu khi xếp Tam Bình (Vĩnh Long) vào vùng ngập lũ sâu - chung với Hồng Ngự (Đồng Tháp) và An Phú (An Giang). 

“Kết luận về tổn thất kinh tế của MDS là không đáng tin cậy khi cho rằng các đập thuỷ điện sẽ gây tổn thất tổng cộng 2,2% GDP cho ĐBSCL và 0,3% GDP cả nước và tương đương 85 triệu USD xuất khẩu gạo không dựa trên kết quả tính toán có tính thuyết phục” - ông Thiện nhận định và chỉ ra: Nghiên cứu của nhóm chuyên gia bị hạn hẹp, thiếu xem xét tác động toàn cảnh và đơn giản hóa vấn đề. Bản thân khung nghiên cứu chung đã không chặt chẽ, nhiều mối liên hệ bị bỏ sót; những nghiên cứu theo từng tiểu nhóm, không kết nối với nhau; được tiến hành bởi các chuyên gia thiếu am hiểu sâu sắc về ĐBSCL với phương pháp chủ yếu là chạy mô hình máy tính, dựa trên kịch bản giả định về sự vận hành các đập thủy điện, do đó, kết quả nghiên cứu chắc chắn sẽ khác rất nhiều so với thực tế.

Cũng là nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với ĐBSCL, TS Dương Văn Ni - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cho rằng báo cáo MDS rất rời rạc, một chiều và 3 không (gồm không đầy đủ, không có tính toán quy đổi và không có cơ sở dữ liệu tổng hợp). Kết quả nêu ra trong MDS nhỏ và xa thực tế hơn rất nhiều.

Đồng tình với nhận định của nhiều nhà khoa học, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng: “MDS có nhiều bất cập và thiếu tin cậy”. 

PGS. TS Lê Anh Tuấn nhận thấy, báo cáo chưa có dẫn liệu về các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc, điều này dẫn đến khó dự đoán được việc xả nước về hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước, song các nhà tư vấn đã bỏ qua nhân tố này trong tính toán. 

Về số liệu đầu vào của công trình, TS Tuấn cho rằng, nhiều số liệu cũ (từ năm 2008), không đúng với thực tế và những công trình nghiên cứu gần đây. Đặc biệt dẫn liệu về bùn cát cho tính toán đầu vào chưa đồng nhất với báo cáo của các tác giả khác. Do số liệu cũ không chuẩn xác và có sự khác biệt dẫn đến kết quả đưa ra thiếu khách quan dễ dẫn đến sai lệch trong kết luận về đánh giá tác động. 

“Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam và Bộ TN&MT cần cầu thị với tất cả các phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo cho hợp lý với tình hình thực tế lưu vực sông Mê Kông” - TS Tuấn kiến nghị.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội), người đã nhiều năm chủ trì Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho biết ông nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong báo cáo cần được trao đổi, làm rõ; bởi mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu thể hiện không cao. Cho dù việc lựa chọn nhà tư vấn, thực hiện nghiên cứu đã được đấu thầu quốc tế nhưng với chất lượng này, kết quả của Báo cáo là “một kết luận nguy hiểm”. Nguy hiểm bởi nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở ĐBSCL. 

Mặt khác, đây là dự án giao cho Bộ TN&MT thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam điều hành. Kết luận của dự án nếu được công bố ra quốc tế gián tiếp có thể hiểu là Chính phủ Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Thái Bình
.
.
.