Được mùa lại lo vụ sau

Thứ Ba, 30/12/2014, 09:12
Niềm vui của “một vụ mùa bội thu” không hẳn đã xóa nhòa nỗi lo về nghịch lý: Tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp, nhưng đời sống nông dân vẫn nghèo? Và cụm từ “tăng trưởng bền vững” hẳn sẽ phải được diễn dịch theo hướng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, vừa tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo công bố sơ bộ, tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành Nông nghiệp năm 2014 đạt 3,6% (so với mức 3% của năm 2013), tốc độ tăng giá trị GDP toàn ngành ước đạt 3,31% (năm 2013 là 2,67%) và vượt mục tiêu chính phủ đề ra. Theo tính toán, với tỷ trọng khoảng 18% trong GDP, riêng ngành Nông nghiệp đóng góp gần 1/3 tổng số % tăng thêm của GDP của nền kinh tế nước nhà. “Đây là năm hồi phục có nhiều ý nghĩa của nông nghiệp, chặn đứng đà suy giảm trong giai đoạn vừa qua với mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 2,6-2,7%. Nông nghiệp có đóng góp quan trọng trong kết quả duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đà tăng trưởng kinh tế-xã hội ổn định của đất nước đạt được trong năm qua”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá.

Phó Thủ tướng cũng đặc biệt ấn tượng với những kết quả về kim ngạch, cũng như giá trị gia tăng trong xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp... Cụ thể, năm 2014, trong tổng số 30,86 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, có 10 mặt hàng đóng góp kim ngạch trên 1 tỷ USD, đó là: gạo với khối lượng 6,52 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu là 3,04 tỷ USD; cà phê ước đạt 3,62 tỷ USD, cao su 1,8 tỷ USD, điều 2 tỷ USD, tiêu 1,2 tỷ USD, sắn 1,12 tỷ USD, rau quả khoảng 1,47 tỷ USD, tôm gần 4,0 tỷ USD, cá tra khoảng 1,47 tỷ USD, lâm sản ước đạt 6,54 tỷ USD...

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả năm 2014 của Việt Nam tăng 34,9% so với năm 2013, đạt mốc 1,5 tỷ USD, vượt xa so với kỳ vọng. Đây là điều bất ngờ khi mà dự báo mới “dụt dè” đặt kế hoạch đến năm 2015, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 1 tỷ USD.

Ở một khía cạnh khác, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, mặc dù ngành Nông nghiệp tăng trưởng 3,31% trong năm 2014 nhưng thu nhập trong khu vực nông nghiệp còn rất thấp. Theo tính toán, thu nhập trên 1ha gieo trồng ở nước ta hiện nay chỉ đạt 3.100 USD, tương đương hơn 60 triệu đồng.

Mức thu nhập này còn rất thấp so với các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan (12.000 USD/ha) hay Hà Lan (40.000 USD/ha). Kèm theo, thu nhập của người nông dân Việt Nam cũng còn rất thấp. Hiện Việt Nam có hơn 47 triệu lao động là nông dân và mức thu nhập bình quân là 25-26 triệu đồng/người/năm.

Để tăng thu nhập cho người nông dân, Phó Thủ tướng yêu cầu quyết liệt loại bỏ “tư duy giá rẻ”. “Tư duy giá rẻ, bao cấp là điều vô cùng nguy hiểm. Cái gì cũng muốn rẻ… Hàng hóa rẻ lấy đâu ra chất lượng và cạnh tranh. Do đó, giá cả phải theo thị trường và tương ứng với chất lượng dịch vụ, nâng tầm giá trị hàng hóa Việt”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiều lần nhắc đến “nền nông nghiệp chất lượng cao”, “tăng trưởng chất lượng”, “tăng trưởng bền vũng” và coi đây là kim chỉ nam của ngành Nông nghiệp trong năm 2015. Cụ thể hơn, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải xây dựng chất lượng để khẳng định thương hiệu (nông sản Việt Nam) theo tinh thần “bám sát thị trường, thị trường cần gì thì ta làm và làm ở mức đạt giá trị gia tăng tối ưu”. Muốn vậy, ngành Nông nghiệp cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, nhất là nâng cao tỷ lệ chế biến nông sản...

Như vậy, niềm vui của “một vụ mùa bội thu” không hẳn đã xóa nhòa nỗi lo về nghịch lý: Tăng trưởng xuất khẩu nông nghiệp, nhưng đời sống nông dân vẫn nghèo? Và cụm từ “tăng trưởng bền vững” hẳn sẽ phải được diễn dịch theo hướng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp, vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Đó mới chính là “đích đến” của nền Nông nghiệp Việt Nam.

Chi Linh
.
.
.