Gỡ khó để giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Chủ Nhật, 02/07/2023, 07:14

Chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài không chỉ là căn bệnh trầm kha ở các bộ, ngành mà tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ở các địa phương cũng ì ạch không kém. Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn này, thời gian 6 tháng cuối năm sẽ rất vất vả.

Số liệu từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2023, các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn từ nguồn vốn nước ngoài là 34.512,5 tỷ đồng, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương 16.117,7 tỷ đồng (50/63 địa phương); vốn vay lại là 18.394,8 tỷ đồng (57/63 địa phương). Kết quả giải ngân tính đến ngày 27/6/2023 vẫn rất thấp, chỉ đạt 7,6% kế hoạch vốn năm 2023 được giao, tính cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại.

Hiện mới có 8/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, bao gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Lào Cai, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Bình Định, Kon Tum; 13/50 địa phương chưa giải ngân vốn ngân sách trung ương cấp phát bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Trà Vinh, Kiên Giang.

4-1.jpg -0
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn thấp.

Như vậy, so với tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành thì tiến độ giải ngân nguồn vốn này tại các địa phương còn bết bát hơn. Trước đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng công bố tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành 6 tháng đầu năm đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng). Có 6/11 bộ, ngành chưa có giải ngân trong suốt cả 6 tháng.

Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn không quá thấp nhưng cũng chưa đạt được mức kỳ vọng. Bà Nguyễn Hồng Lê, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết, kế hoạch vốn được giao năm 2023 cho 5 dự án ODA của TP Hà Nội là 3.371,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA cấp phát là hơn 2.260,8 tỷ đồng; vốn ODA cho vay lại là hơn 1.110 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/6/2023, TP Hà Nội đã giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài hơn 940,813 tỷ đồng, đạt 27,91%.

"Hiện TP Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc tác động đến tiến độ giải ngân các dự án, như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; dự án Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá...", bà Lê cho biết.

Tổng kết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, qua quá trình làm việc với các địa phương, các chủ dự án và theo dõi số liệu giải ngân của các dự án cho thấy, có 3 nhóm vướng mắc chủ yếu là: Vướng mắc liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư; vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện và giải ngân; vướng mắc về thể chế chính sách.

Còn ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, các địa phương đã có những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của các bộ, nhất là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai bộ sẽ tiếp thu và phối hợp với các địa phương để triển khai hiệu quả. Theo ông Long, để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đề ra thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm rất lớn, cần sự quyết tâm, quyết liệt, cần những giải pháp khả thi, sát thực tế. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay.

Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 1/9/2022 để phối hợp thực hiện.

Hà An
.
.
.