Kiến tạo động lực phục hồi tăng trưởng năm 2022

Thứ Hai, 13/12/2021, 08:35

Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, nhóm nghiên cứu đến từ Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam sẽ là: Đầu tư; xuất khẩu; tiêu dùng trong nước. Trong đó đầu tư là yếu tố nền tảng nhất.

Trụ cột: Đầu tư - Xuất khẩu - Tiêu dùng trong nước

Ông Nguyễn Thành Phong- Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài không chỉ về quy mô vốn đầu tư và thị trường, mà các yếu tố này còn đóng vai trò neo giữ kỳ vọng cho các nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Bên cạnh đó, với chiến lược hướng ngoại của nền kinh tế thì giới hạn tăng trưởng chủ yếu đến từ phía cung. Khả năng tăng cung sẽ đóng vai trò quyết định. Vì vậy, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam sẽ là: Đầu tư để vừa tăng cầu nhưng cũng để tăng sản lượng tiềm năng (tăng khả năng tăng cung); xuất khẩu (XK); tiêu dùng trong nước. Trong đó đầu tư là điều kiện cần và XK là điều kiện đủ còn tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm.

Tuy nhiên, “động lực đầu tư là yếu tố nền tảng nhất. Động lực XK chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố thuận lợi của thị trường bên ngoài và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước. Hiện nay, thị trường bên ngoài rất thuận lợi cho XK khi hầu hết các nước đều thực hiện các gói kích cầu hào phóng làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Chúng ta có tận dụng được nhu cầu này không phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của DN. Mà năng lực cạnh tranh của DN phụ thuộc rất lớn vào đầu tư”, ông Phong nhấn mạnh.

1.jpg -0
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Ảnh: Chu Kiều.

Trong khi đó, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khai thác thị trường nội địa sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh. Do quy mô thị trường nội địa nhỏ và tăng chậm vì vậy muốn tăng nhanh thì phải khai thác thị trường thế giới. Theo kinh nghiệm của các nền kinh tế đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc thì tăng trưởng nhanh đều phải dựa vào tăng trưởng XK, và tăng tiết kiệm để tăng đầu tư. Thêm vào đó tăng tiêu dùng nội địa quá mức sẽ làm giảm tiết kiệm qua đó giảm đầu tư hoặc phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (như trường hợp Mexico). Vì vậy, đối với nước như Việt Nam thì chỉ nên khuyến khích tiêu dùng nội địa vừa phải mà chủ yếu là nên khuyến khích đầu tư.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là cần nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh về trạng thái bình thường mới. Tình hình thu hút vốn FDI trong năm 2022 dự báo sẽ khả quan hơn nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh của Việt Nam, sự phục hồi của đầu tư trực tiếp toàn cầu và triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, nhiều FTA với các khu vực và đối tác chiến lược (như EVFTA, RCEP) sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nhiều dự án và các nhà đầu tư từ các châu lục khác đầu tư vào nhiều lĩnh vực, cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra.

Năm 2022, dự báo xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức 13- 15%, trong đó XK tăng khoảng 13-15%, nhập khẩu tăng 11-13%, chủ yếu do: Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, độ phủ vaccine trên phạm vi toàn cầu và trong nước tiếp tục tăng cao, sự phục hồi tốt hơn của kinh tế và nhu cầu của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Theo WB, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022. Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực DN và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Phục hồi động lực tăng trưởng

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI; khai thác thế mạnh các hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh XK; tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.

Cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, vấn đề quan trọng nhất của việc phục hồi kinh tế đó chính là đảm bảo cho sản xuất và tiêu dùng có thể hoạt động bình thường trở lại. Các chính sách kích cầu chỉ hiệu quả khi các điều này được đảm bảo do đó các gói hỗ trợ nên tập trung cho các chi phí đảm bảo sản xuất và tiêu dùng an toàn. Gói kích thích kinh tế (tăng chi tiêu từ ngân sách) của Việt Nam nếu thực hiện khoảng 3% GDP thì có thể đảm bảo trong trung hạn các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô có thể quay lai mức bình thường.

Trong trung và dài hạn, cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, đô thị hóa, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Lưu Hiệp
.
.
.