Lao động tự do cần được gỡ vướng để nhận hỗ trợ

Chủ Nhật, 15/08/2021, 08:03

Phải nghỉ việc hoặc không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát, cuộc sống rất nhiều lao động tự do hiện đang gặp không ít khó khăn. 

 

Mặc dù chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được TP Hà Nội triển khai từ cuối tháng 7 nhưng đến nay không ít đối tượng lao động tự do vẫn chưa thể nhận được khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người do vướng mắc về thủ tục.  

Thủ tục vẫn khó

Bán quần áo thuê ở đường Trương Định, anh Vũ Thái Hòa đã phải nghỉ việc từ ngày 24/7, khi TP Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Gần 20 ngày ở nhà trọ tại phường Thanh Xuân Trung, không có thu nhập anh Vũ Thái Hòa quyết định ra UBND phường hỏi về thủ tục để được nhận hỗ trợ lao động tự do. Cán bộ phường hướng dẫn anh về nộp đơn kèm hồ sơ cho tổ trưởng tổ dân phố.

ht.jpg -0
 Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương cần linh hoạt, triển khai nhanh hơn chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Sau đó tổ trưởng tổ dân phố sẽ xét duyệt dưới khu dân cư, danh sách người được hưởng sẽ được niêm yết công khai. Tiếp đó, phường sẽ tổng hợp gửi lên quận, khi được quận xét duyệt mới có quyết định được nhận. Tuy nhiên, do lao động tự do như anh Hòa đang là đối tượng tạm trú nên muốn được nhận hỗ trợ tại đây phải xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú (ở quê).

“Trong thời điểm toàn thành phố đang thực hiện giãn cách, việc đi lại ở đây còn phải hạn chế tối đa nữa là về quê để xin giấy xác nhận. Thủ tục như thế thì khó với lao động tự do, đặc biệt là những người có quê ở xa”, anh Hòa cho biết.

Vướng mắc của anh Hòa là một trong những vướng mắc mà rất nhiều lao động tự do gặp phải khi làm đơn xin nhận hỗ trợ theo quyết định của UBND TP Hà Nội hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo con số của Sở LĐTB&XH TP Hà Nội, đến ngày 12/8, thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với kinh phí 7,75 tỷ đồng. Tuy nhiên con số hơn 5 nghìn người đã có quyết định hỗ trợ là con số nhỏ với các đối tượng lao động tự do trên toàn địa bàn thành phố. Như vậy, thời gian tới sẽ còn hàng chục nghìn lao động tự do ở Hà Nội trong diện xem xét hỗ trợ, nhưng với quy định phải có xác nhận ở quê thì họ sẽ gặp khó khăn khi TP Hà Nội đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Nói về vấn đề này, đại diện Sở LĐTB&XH TP Hà Nội cho biết, với các nhóm đối tượng khác thì ít vướng mắc về thủ tục nhưng với nhóm lao động tự do thì phản ánh từ cơ sở gặp nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận cư trú và xác nhận không lĩnh trợ cấp tại nơi thường trú để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

Với trường hợp xác nhận cư trú và tạm trú, lao đông xin xác nhận từ Công an phường xã bởi theo Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2021 cư dân có thẻ căn cước công dân có gắn chip không cần phải xuất trình hộ khẩu, giấy tạm trú mà việc xác nhận này sẽ do Công an phường, xã thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, với người tạm trú có giấy xác nhận không lĩnh tiền hỗ trợ tại nơi thường trú để tránh việc hưởng 2 lần, trục lợi chính sách. Quy trình xét duyệt thì tại phường xã cũng phải có Hội đồng xét duyệt, công khai danh sách nơi xét duyệt.

Cần linh hoạt trong triển khai

Bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng (LIGHT) cho rằng việc chống trục lợi chính sách là điều cần thiết. Không thể để xảy ra tình trạng một lao động lại nhận hỗ trợ ở cả hai nơi thường trú và tạm trú. Song đây là thời điểm rất khó khăn đối với những lao động tự do này, nên cần được hỗ trợ ngay.

“Không có tiền tích lũy, nhiều người phải sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện. Nếu không được hỗ trợ ngay thì không ít người sẽ khó trụ được. Trong khi Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thì để hoàn thành được thủ tục xin xác nhận với lao động tự do là rất khó. Do đó, chúng ta có thể linh hoạt trong công tác triển khai hỗ trợ như khi lao động tự do nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể làm cam kết (kèm giấy tờ tùy thân) chỉ nhận một lần, nếu nhận hai lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xã, phường ở Hà Nội chi tiền hỗ trợ, sau đó gửi xác nhận về quê lao động để chính quyền địa phương nắm thông tin, không chi trả thêm lần nữa. Việc này chính quyền có thể chủ động thực hiện được”, bà Giang cho hay.

Trong khi đó, tại tọa đàm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng LĐTB&XH, quận Cầu Giấy cũng đã đóng góp một ý kiến triển khai được đánh giá cao.

Theo ông Quang, việc xin giấy xác nhận từ nơi thường trú để chỉ nhận hỗ trợ nơi tạm trú khiến nhiều lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ, vì đang trong thời gian giãn cách. Vì vậy, các phường trên địa bàn quận linh động chấp nhận hình thức xác nhận qua zalo, mail… Do đó, để giải quyết tình trạng thủ tục này, hệ thống dữ liệu kết nối, chỉ cần nhập dữ liệu đối tượng nhận hỗ trợ vào hệ thống, nếu trùng sẽ cảnh báo để cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hà Nội thì thành phố đã đôn đốc các quận, huyện nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, một số nơi báo cáo lại là thành phố đang giãn cách xã hội nên người lao động chưa ra khỏi nhà để làm hồ sơ. Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh về vướng mắc khi triển khai hỗ trợ cho nhóm lao động tự do.

“Những vướng mắc như do giãn cách nên lao động khó về quê xin xác nhận hay những vướng mắc khác trong quá trình triển khai Sở LĐTB&XH chúng tôi cũng đã nắm được. Chính sách triển khai trên diện rộng với rất nhiều đối tượng nên khi triển khai gặp một số vướng mắc sẽ vừa làm vừa điều chỉnh. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên UBND TP Hà Nội, đồng thời đề xuất phương thức giải quyết để kịp thời tháo gỡ”, ông Khánh cho biết.

Các địa phương đôn đốc, triển khai quyết liệt hơn nữa hỗ trợ người lao động

Bộ LĐTB&XH cho hay, thời gian qua, việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 gặp phải một vài khó khăn, vướng mắc. Người dân chưa hiểu rõ thủ tục hồ sơ, người thực thi chính sách ở địa phương cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ về các quy định của chính sách, dẫn đến việc xử lý chưa được linh hoạt.

Do đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng ở địa phương hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động đăng ký hồ sơ, thủ tục trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của bộ và các địa phương để việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ dễ dàng và thuận lợi nhất.

Bộ LĐTB&XH cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

 Người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 có thể làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng cách truy cập vào địa chỉ https://ncovi.dichvucong.gov.vn. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp có thể tham khảo các video hướng dẫn đăng ký, đăng nhập và làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Phan Hoạt
.
.
.