Người dân vùng cao bắt tay nhau làm du lịch

Thứ Ba, 31/10/2023, 08:24

Thời gian gần đây, du lịch vùng cao ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế) dần trở thành điểm dừng chân cuốn hút du khách trong và ngoài nước trên bản đồ du lịch của vùng đất Cố đô Huế. Đã không ít sản phẩm du lịch do người dân tộc: Pa Cô, Cơ Tu… đã tạo nên thương hiệu riêng, để lại dấu ấn trong lòng du khách.

Đã hơn nửa năm nay, người dân trong tỉnh cùng như du khách trong và ngoài nước rất ấn tượng khi đến với chợ phiên Nam Đông được tổ chức vào dịp cuối tuần.

Chị Nguyễn Thị Thùy Thanh (trú TP Đà Nẵng) cho biết: Qua mạng xã hội, tôi biết thông tin tổ chức chợ phiên Nam Đông nên gia đình tôi cùng gia đình nhóm bạn thân quyết định chọn Nam Đông làm nơi "đổi gió" vào dịp cuối tuần. Địa điểm này chỉ cách TP Đà Nẵng chưa đầy 1 giờ đồng hồ di chuyển trên tuyến giao thông thuận lợi. "Đến với chợ phiên này, các cháu nhỏ được trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, được tự tay làm các loại bánh của người bản địa nên rất thích thú", chị Thanh chia sẻ.

3.jpg -0
Một gian hàng thổ cẩm tại chợ phiên Nam Đông (Thừa Thiên Huế).

 Chợ phiên Nam Đông bày bán từ gà nướng, cá suối, cơm lam ống tre, bánh nậm, bánh bèo; các loại rau quả tươi xanh như: dưa lưới, thơm, mật ong, thảo dược từ rừng; các mặt hàng mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, hàng lưu niệm đặc trưng của các địa phương.

Chị Hồ Thị Non, xã viên HTX du lịch thác Kazan thuộc thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông phấn khởi cho biết được tham gia phiên chợ, chị rất vui mừng và phấn khởi khi được giới thiệu đến người dân và du khách gần xa ẩm thực đặc trưng của đồng bào Cơ Tu như: rượu nếp than, các loại cá, ếch sấy khô, bắp chuối, các loại rau rừng.

"Tôi mong muốn có thật nhiều phiên chợ ý nghĩa như thế này được tổ chức để cho bà con được giới thiệu đến người dân cũng như du khách gần xa biết đến nông sản và những đặc sản của bà con dân tộc Cơ Tu, Nam Đông", chị Non bộc bạch.

Ngoài các hoạt động phục vụ mua bán, quảng bá sản phẩm, chợ phiên Nam Đông còn tổ chức giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, tạo không khí tươi vui cho điểm đến, tăng sức thu hút du khách. Đây cũng là dịp tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh về quê hương, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, UBND huyện Nam Đông phối hợp với dự án "Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam" tổ chức đợt tập huấn, hỗ trợ người dân Cơ Tu ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) làm du lịch. Đây là lần đầu tiên cả thôn được hướng dẫn để cùng bắt tay nhau làm du lịch, thay vì chỉ riêng lẻ một vài hộ như trước đây.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Nam Đông cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã nhiều lần phối hợp với một số cơ quan, ngành du lịch trong và ngoại tỉnh tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động nhằm truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch hiện có tại Nam Đông để kích cầu du lịch; đánh giá thực trạng, chất lượng sản phẩm; định hình lại tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện Nam Đông; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

"Trong 10 tháng đầu năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đón hơn 26.102 khách, trong đó khách lưu trú 5.069, doanh thu gần 4,7 tỷ đồng (tăng hơn 24.000 lượt khách và hơn 4 tỷ đồng so với năm 2021). Nhờ đó, đời sống của đồng bào Cơ Tu tham gia làm du lịch ngày càng được nâng lên", ông Lê Nhữ Sữu, Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Đông thông tin thêm.

Cũng tương tự như Nam Đông, huyện A Lưới có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh tuyệt đẹp, thời tiết mát mẻ. Vùng đất này là nơi hội tụ những phong tục tập quán, các lễ hội tồn tại lâu năm, các ngành nghề thủ công truyền thống, các món ăn truyền thống, các loại dược liệu chữa bệnh… của đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ.

Chị Chu Thị Minh (trú tỉnh Nghệ An) cho biết, chị cùng nhóm bạn vào TP Huế, rồi lên A Lưới đi du lịch, hào hứng trải nghiệm dịch vụ gội đầu bằng thảo dược ở suối A Nôr, xã Hồng Kim. Ngoài tắm dưới làn suối mát, dịch vụ này khá mới mẻ và rất hấp dẫn khách nữ. Sau 15 phút thư thái, chị Minh chia sẻ thêm: "Để chuẩn bị theo yêu cầu khách, trước đó, nhóm chị em HTX du lịch cộng đồng A Nôr lên rừng hái một số loài thảo dược chuẩn bị cho buổi gội đầu. Việc kiếm các loại lá rừng tốn nhiều công sức, thậm chí cả nguy hiểm. Dược liệu mang về phải nấu chừng 40 phút mới ra loại nước gội đầu truyền thống của đồng bào Pa Cô.

Chị Lê Thị Xoài, xã viên HTX du lịch A Nôr cho biết, có 3 nguyên liệu chính tạo nên loại nước gội đầu làm mượt, đen tóc, giúp tóc chắc khỏe là Aring, Aampeel, Đum. Đây là bài thuốc có tác dụng làm đẹp trong đời sống của người Pa Cô. Giá mỗi lượt gội 40 ngàn đồng/khách.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, theo định hướng chiến lược của huyện, giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 2 vườn nông sản, 2 vườn hoa, 1 vườn thảo dược truyền thống được đưa vào phục vụ du lịch. Đây là hướng đi được hiện thực hóa, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển và quảng bá du lịch vùng đất phía Tây Huế còn nhiều mới lạ…

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với 2 huyện Nam Đông và A Lưới tổ chức tập huấn du lịch quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch. Hoạt động này nằm trong "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh". Tại đây, các chuyên gia  đã cung cấp nhiều kiến thức mới để cán bộ địa phương và người dân đồng bào dân tộc thiểu số cập nhật, áp dụng vào việc phát triển du lịch.

Hải Lan
.
.
.