Nhiều giải pháp chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” trong đánh bắt thuỷ sản

Thứ Sáu, 05/05/2023, 07:23

Thực hiện Quyết định 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023.

Là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản tương đối lớn, tỉnh Quảng Bình đang quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp, những cách làm hay để thực hiện chủ trương chung, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong đánh bắt thuỷ hải sản.

Nhiều giải pháp, cách làm mới góp phần gỡ thẻ vàng của EC

Là địa phương có bờ biển dài, tỉnh Quảng Bình hiện có 6.792 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên khai thác xa bờ là 1.207 chiếc. Số lao động tham gia khai thác thủy sản là 24.100 người với sản lượng hàng năm lên đến trên 76.000 tấn. Để phổ biến các quy định về chống khai thác IUU cho bà con ngư dân để nắm và tuân thủ thực hiện, tỉnh Quảng Bình đã thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU. Hàng tháng, hàng quý, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tổ chức họp với tất cả các ngành, các địa phương liên quan, đồng thời đến thực tế tại từng địa phương để động viên bà con, đồng thời tổ chức tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Từ sự động viên, hướng dẫn của các cơ quan nhà nước, đến nay tất cả các chủ tàu cá ở Quảng Bình đều tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU: tàu cá dưới 6m bắt buộc phải đăng kí vào sổ đăng ký tàu cá của xã/phường; tàu cá từ 6m trở lên bắt buộc có đủ giấy đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản, danh bạ thuyền viên; tàu cá từ 12m trở lên phải được đăng kiểm, tàu từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Thuyền trưởng phải thông báo ít nhất 1h trước khi tàu cập cảng, rời bến; hoạt động đúng nghề, vùng ghi trong giấy phép, không sử dụng chất nổ, xung điện để đánh cá; ghi, nộp nhật ký khai thác thuỷ sản cho Ban quản lý cảng cá; duy trì liên tục kết nối thiết bị VMS suốt chuyến biển, không để tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, không vượt sang vùng biển nước ngoài KTTS. Tàu cá phải được đánh dấu, có đủ trang thiết bị an toàn theo quy định, lao động có chứng chỉ phù hợp, tuyệt đối không sử dụng lao động chưa đủ tuổi theo quy định.

Nhiều giải pháp chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” trong đánh bắt thuỷ sản -0
Hàng ngàn tàu cá ở tỉnh Quảng Bình được đăng ký, đăng kiểm, giám sát hành trình đánh bắt thuỷ hải sản trên biển.

Để chống khai thác IUU, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, sở phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tàu cá xuất bến, cập cảng theo quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại cảng cá, giám sát sản lượng bốc dỡ thủy sản qua cảng, thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu EU đúng quy định.

Ngư dân Trần Đình Thanh ở Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết, chính sự có mặt của cơ quan chức năng đối với tàu cá ngư dân trước khi xuất bến và khi cập cảng, giờ đây tạo tâm lý cho ngư dân không phải chỉ là việc kiểm tra mà đó còn là sự quan tâm, động viên, hỏi han, chia sẻ. Bạn tàu đánh cá vẫn thường nhắc nhở nhau thực hiện đúng chủ trương chung của tỉnh không đánh bắt vi phạm, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản.

Để thực hiện hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023, tỉnh Quảng Bình đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Coi đây là một trong nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Lãnh đạo tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Các mô hình hay của ngư dân trong khai thác thủy sản

Hiện nay, để động viên, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023, ngư dân Quảng Bình đang có nhiều mô hình hoạt động rất đáng được nhân rộng, triển khai như mô hình hoạt động theo hình thức Tổ đoàn kết, Tổ hợp tác, Tổ biển xa. Các tàu hoạt động trong tổ hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác, tìm kiếm ngư trường, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra. Mô hình thu gom rác thải trên tàu cá xa bờ. Các tàu tham gia mô hình có các túi đựng rác treo sau tàu để thu gom rác thải sinh hoạt của tàu mình và thu gom các ngư lưới cụ trôi nổi trên biển do ngư cụ bị hỏng trong quá trình khai thác, sau đó mang về bờ xử lý, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ các loài thủy sinh quý hiếm không bị vướng vào các lưới trôi nổi trên biển...

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Bình cho biết, tại thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thuỷ hải sản. Để kịp thời động viên, hỗ trợ như dân bám biển, tỉnh Quảng Bình đang có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân. UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Luật Thuỷ sản và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai các quy định về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh tổ chức 3 hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác thủy sản. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương cũng đã có nhiều văn bản nhằm tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hỗ trợ ngư dân.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hàng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng liên quan tại địa phương, trong năm qua, Quảng Bình không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tỉnh luôn động viên, khuyến khích đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dương Sông Lam
.
.
.