Nông dân Lâm Đồng liên kết vượt qua khó khăn

Thứ Bảy, 13/08/2022, 08:35

Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua kết hợp với những biến động mạnh của tình hình thế giới đã khiến các loại phân bón, vật tư nông nghiệp tăng vọt, đẩy người nông dân vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến nguy cơ "thu không đủ chi".

Để đối phó với thực trạng trên, nông dân ở Lâm Đồng đang đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) để ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo kinh doanh vẫn có lời dù chi phí sản xuất tăng vọt.

4-4.jpg -0
Nông dân Lâm Đồng tăng cường liên kết hợp tác nỗ lực vượt qua "bão giá".

"Bão giá" gây khó nông dân

Dịp lễ Vu Lan (Rằm tháng Bảy) năm nay, giá các loại hoa cúc ở TP Đà Lạt đồng loạt tăng mạnh, cao nhất lên tới 52.000 đồng/bó 10 cành. Nếu đem so sánh với dịp lễ này những năm trước, giá như vậy là cao hơn hẳn. Thế nhưng, không ít gia đình trồng hoa cúc không vui vì lợi nhuận kém hơn nhiều do chi phí đầu tư năm nay tăng vọt. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đây.

Điều này đã đẩy giá thành đầu vào tăng vọt. Nếu không bán được với giá cao, người sản xuất chỉ còn biết "lấy công làm lãi", thậm chí thua lỗ nặng nếu giá cả xuống thấp. Đây cũng là tình trạng chung của người nông dân đang canh tác các loại hoa màu, vật nuôi khác tại Lâm Đồng.

Vụ rau vừa qua, mặc dù được mùa nhưng ông Phan Tùng Châu (thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương) vẫn không vui vì nguồn thu nhập bị giảm đáng kể so với trước. Sở dĩ là do giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang, chi phí đầu tư sản xuất tăng vọt trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, thiếu tính liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Nhiều thời điểm, dù giá các loại nông sản được thương lái thu mua tại vườn rất thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao ngất ngưởng. Nhiều nông dân ở Lâm Đồng vẫn thường chua chát véo von: "Chúng tôi làm việc quần quật để vỗ béo cho thương lái mà thôi!..".

Dù biết rất rõ như vậy nhưng do thói quen, tập quán sản xuất và cách tiêu thụ sản phẩm theo kiểu truyền thống, phần lớn nông dân ở Lâm Đồng vẫn chưa chịu thay đổi phương thức tiêu thụ cho đầu ra.

Liên kết để vượt qua khó khăn

Ngược lại với ông Phan Tùng Châu và nhiều gia đình khác, tuy có ảnh hưởng đáng kể bởi chi phí đầu vào tăng cao nhưng nhờ giá cả và đầu ra sản phẩm ổn định thông qua các liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng, nhiều nông dân khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đảm bảo đạt doanh thu trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Tại vùng trồng sầu riêng chất lượng cao thuộc xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, nhiều năm qua, nhờ triển khai có hiệu quả đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng trăm nông dân trồng sầu riêng nơi đây đã ổn định được đầu ra, nâng cao thu nhập.

Theo ông Võ Hữu Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, từ năm 2014 đến nay, thị trường và đầu ra cho trái sầu riêng trên địa bàn khá ổn định. Chưa có năm nào giá sầu riêng giảm xuống mức dưới 40.000 đồng/kg hay rơi vào tình trạng phải giải cứu vì thị trường tiêu thụ chậm, ngay cả thời điểm cả nước bước vào cao điểm dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, nhờ thực hiện liên kết sản xuất bền vững, hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân, sầu riêng nơi đây còn nhiều triển vọng để tiếp tục phát triển khi đã được xuất khẩu chính ngạch.

Hiện Lâm Đồng đã xây dựng và phát triển được 182 chuỗi liên kết, với gần 16.000 hộ trồng trọt và 2.445 hộ chăn nuôi. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi liên kết trong năm 2021 đạt 14.378 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Riêng rau, củ quả tươi sau khi tham gia chuỗi liên kết đã tăng từ 20 - 25% giá trị sản phẩm so với sản xuất bình thường.

Trước những kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi từ việc tham gia chuỗi liên kết, nhất là ở giai đoạn xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp "leo thang" khiến người nông dân gặp không ít khó khăn như hiện nay, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục bố trí một phần kinh phí để mở rộng và phát triển thêm các chuỗi liên kết sản xuất mới. 

Khắc Lịch
.
.
.