Tăng trưởng xanh - cứu cánh của nền kinh tế: Không chỉ là xu thế (Bài 1)

Chủ Nhật, 24/12/2023, 07:14

Báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam được KPMG Việt Nam công bố cho thấy, có tới 93% khách hàng tại Việt Nam sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG (sản phẩm từ công ty có cam kết mạnh mẽ cho các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị DN).

Nhưng người tiêu dùng vẫn chật vật để cân bằng giữa việc phải trả cao hơn thường lệ cho các sản phẩm thân thiện và bền vững với môi trường, với việc tối ưu hóa giỏ hàng của mình. Còn về phía doanh nghiệp, để thực hiện kinh tế xanh, sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn, chấp nhận lợi nhuận ít hơn.

Tuy nhiên, Công nghệ xanh là một xu thế tất yếu cho sự phát triển bền vững của DN. Bằng cách ứng dụng Công nghệ xanh, DN không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động công nghệ thông tin lên môi trường, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự hài lòng của khách hàng, thu hút nhân tài và góp phần hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi xanh và trung hoà carbon của Chính phủ.

Nhu cầu tất yếu

Thực ra, đối với mỗi người, kinh tế xanh không phải là cái gì xa lạ, mà nó hiện diện ngay bên cạnh, trong từng hành động cụ thể khi tiêu dùng. Việc hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng các đồ dùng, ống hút giấy thay cho ống hút nhựa, đồ nhựa dùng 1 lần, hay giảm tiêu thụ điện, nước, chuyển sang sử dụng các vật liệu, phương tiện thân thiện với môi trường… cũng là một cách góp sức xây dựng kinh tế xanh.

tín chỉ cảbon.jpg -0
Tín chỉ carbon là cơ hội tài chính lớn cho Việt Nam.

Tiêu dùng xanh nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người. Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới đang dần dần hướng tới các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và coi đó như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững.

Tại Việt Nam, theo báo cáo Trải nghiệm khách hàng xuất sắc (CEE) 2022 của Việt Nam được KPMG Việt Nam công bố cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có nhận thức cao hơn về các ảnh hưởng từ việc tiêu thụ của mình lên môi trường và sức khỏe. Với sức mua đang tăng lên, người tiêu dùng sẵn lòng trả thêm cho tính bền vững, trách nhiệm xã hội và cho một phong cách sống lành mạnh hơn.

Với các DN, kinh tế xanh từ lâu đã được cộng đồng doanh nhân chú ý xây dựng. Câu chuyện Quảng Ninh, từ một “nền kinh tế nâu” - phụ thuộc vào than đá, đã dần chuyển sang xanh với dịch vụ du lịch và công nghiệp công nghệ cao và đã bắt đầu từ nhiều năm trước là một ví dụ điển hình. Hay năng lượng điện tái tạo của Việt Nam có tổng sản lượng phát điện trên toàn quốc tăng từ 27% năm 2010 lên gần 50% vào năm 2022 – đây cũng là một con số làm sửng sốt với thế giới.

Với từng DN, từ 20 năm trước, khi mà kinh tế xanh vẫn còn xa lạ, Tập đoàn Ecopark đã kiên trì với chiến lược bất động sản Xanh, bắt đầu đơn giản là GREEN ZONE - Khu đô thị nhiều cây xanh và bây giờ đã tiến tới chiến lược BLUE ZONE - Vùng xanh có môi trường sống trong lành, nhiều ion âm, xây dựng môi trường sống trong lành thuần khiết để giúp cư dân nâng cao tuổi thọ. Trong khi đó, Gamuda Land là DN bất động sản có chiến lược đặc biệt là biến những bãi rác, rốn nước thải thành những khu đô thị xanh bậc nhất; đi kèm với đó là khu đô thị có quy trình chất thải 6R để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường bên ngoài…

Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhiều DN tại Việt Nam đã tiên phong trong việc không sử dụng bao bì nilon hoặc dùng nilon tự phân huỷ. Một số DN như Nhựa Duy Tân đã đầu tư khoản kinh phí lớn để xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, phục vụ tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới. Còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một số ngân hàng đã đi tiên phong tìm hiểu và là nhà tài trợ lớn cho các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, với sự tiên phong từ ACB, HSBC Việt Nam, SHB, BIDV, MB, HDBank, Nam A Bank… Đây chính là một động lực quan trọng giúp cho công suất và tỷ lệ phát điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam có bước nhảy vọt trong vài năm gần đây.

Cùng với đó, cho vay các dự án xanh, thân thiện với môi trường đang được các ngân hàng ráo riết đẩy mạnh. Thậm chí, tín dụng xanh đang là một thuật ngữ “thần chú” đối với nhiều DN khi muốn vay vốn ngân hàng. Bằng cách ứng dụng Công nghệ xanh, DN không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động công nghệ thông tin lên môi trường, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự hài lòng của khách hàng, thu hút nhân tài và góp phần hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi xanh và trung hoà carbon của Chính phủ. Để làm được điều này, DN cần có một lộ trình chuyển đổi rõ ràng cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực và quyết tâm mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo.

Cơ hội từ tín chỉ carbon

Trong nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, một thuật ngữ mới nổi lên và thu hút sự quan tâm của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực, đó là tín chỉ carbon. Về cơ bản, 1 tín chỉ carbon là thuật ngữ thể hiện 1 tấn khí thải carbon có thể được giảm thiểu hoặc hấp thụ khỏi bầu khí quyển, thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng hoặc thực hiện các dự án cải thiện môi trường. Với công nghệ và các kỹ thuật hiện đại, chính phủ các quốc gia cũng như các tổ chức kiểm định quốc tế có đủ thẩm quyền, có thể hiện thực hóa khả năng đo lường lượng carbon tiêu thụ của mỗi dự án, công ty.

Theo đó, các dự án được đánh giá bởi các cơ quan kiểm định về khả năng tiết kiệm và hấp thụ khí thải và được trao cho một lượng tín chỉ carbon tương ứng. Cùng với những quyết tâm trong việc đặt ra giới hạn cho lượng phát thải theo từng ngành của các chính phủ, điều này đã tạo ra nhu cầu về một thị trường mà tại đó, các công ty không thể giảm thiểu lượng phát thải của mình có thể tìm mua các tín chỉ carbon để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, trong khi các công ty có mức phát thải thấp có thể kiếm được lợi nhuận từ việc bán tín chỉ carbon dư thừa.

ecp.jpg -0
Vùng xanh với môi trường sống thuần khiết nâng cao tuổi thọ.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng và nhóm tác giả đến từ Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), việc thành lập thị trường tín chỉ carbon tạo ra những tác động tích cực tới cả hai khía cạnh là môi trường và kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiềm năng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon thông qua một số dự án như Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM), Cơ chế tín chỉ chung (Joint Credit Mechnism – JCM) với Nhật Bản và Chương trình giảm phát thải thông qua giảm suy thoái rừng (REDD+). Tính đến tháng 2/2022, Việt Nam đứng thứ 4 về số lượng dự án CDM trên toàn thế giới. Với chương trình JCM, đã có khoảng 10 triệu tín chỉ carbon đã được tạo ra với 28 dự án triển khai, với chương trình REDD+, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho nỗ lực giảm phát vào năm 2018 (WTO centre, 2023)...

Sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam như nâng cao uy tín và đạt được các mục tiêu về môi trường; cơ hội tài chính từ việc bán tín chỉ carbon; cũng như cơ hội phát triển khoa học kỹ thuật; cơ hội thu hút nguồn tài chính xanh. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, tín chỉ carbon cũng tạo ra những thách thức không nhỏ nếu chúng ta không chuẩn bị sẵn sàng. Những thách thức này bao gồm thách thức về việc cải thiện chất lượng môi trường. Để đạt được những lợi ích từ thị trường tín chỉ carbon, các công ty và quốc gia cần đạt được các hiệu quả về mặt môi trường.

Đối với Việt Nam, dù là một nước nông nghiệp, nhưng hiệu quả về mặt môi trường lại không cao. Thứ hai, thách thức về việc xác định, đo lường hiệu quả môi trường của các dự án. Hiện nay, các dự án carbon tại Việt Nam còn tương đối mới, chưa có nhiều đơn vị có khả năng tư vấn, kiểm định, cũng như hướng dẫn đăng ký tín chỉ carbon cho các dự án tại Việt Nam.

Ngoài ra, những thách thức về chất lượng dữ liệu, độ tin cậy của dữ liệu, cũng như khoảng cách về mặt kiến thức, cũng đặt ra những khó khăn cho việc triển khai tín chỉ carbon tại Việt Nam. “Rõ ràng, thị trường tín chỉ carbon mở ra những cơ hội rộng cho Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững, nhưng bên cạnh đó cũng là những thách thức không nhỏ. Để đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, các giải pháp quan trọng cần được triển khai sẽ bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường carbon, nâng cao nguồn tài trợ cho các dự án xanh và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển liên quan tới lĩnh vực môi trường”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Thỏa thuận xanh châu Âu của Liên minh Châu Âu (EU) đã được ban hành với các quy định về Mua sắm công xanh (GPP), trong đó tiêu chí Công nghệ xanh sẽ áp dụng cho cả các gói đấu thầu công và tư. Thỏa thuận xanh châu Âu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và ASEAN vì nó thể hiện cam kết và quyết tâm của EU trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải. Những DN đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thay đổi và định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ thông tin với việc ứng dụng công nghệ thông tin xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hoá các mục tiêu chuyển đổi xanh và trung hoà carbon vào năm 2050 của Chính phủ cũng như các DN.

Hà An
.
.
.