Thoát nghèo nhờ… chuối già lùn

Thứ Hai, 29/05/2023, 07:12

Nhiều năm qua, người dân ở các xã miền núi thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây chuối già lùn lên đến hàng trăm hécta. Từ cây trồng xóa nghèo này, sản phẩm chuối già lùn trở thành nông sản sạch, an toàn có thương hiệu trên thị trường và là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhiều hộ dân trồng chuối già lùn dần thoát nghèo vươn lên và có cuộc sống ổn định.

Cuối tháng 5/2023, dưới cái nắng như đổ lửa nhưng những vườn chuối già lùn của người dân ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới vẫn tươi xanh, cây trĩu quả chuẩn bị cho thu hoạch. Ít ai ngờ rằng, cách đây hơn 3 năm về trước, vùng đất này vẫn còn hoang hóa bởi nhiều loại cây trồng không chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Thoát nghèo nhờ… chuối già lùn -0
Sản phẩm chuối già lùn A Lưới đạt chất lượng OCOP 3 sao của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo chân cán bộ xã Quảng Nhâm, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Hải Teo ở thôn Pi Ây 2 với vườn chuối già lùn được trồng trải dài hơn 1ha. Anh Teo kể, từ năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, anh đã mạnh dạn bỏ số vốn 500 triệu đồng để mua giống chuối, làm vườn để trồng loại chuối này.

Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ nên chỉ sau 10 tháng, vườn chuối của gia đình anh Teo đã cho thu hoạch với trái chín to, đều với giá bán mỗi buồng 100 nghìn đồng. Từ vụ chuối đầu tiên, anh Teo mở rộng trồng thêm hàng trăm gốc chuối già lùn. Đến nay sau hơn 4 năm, vườn chuối của gia đình mỗi mùa cho thu hoạch lãi hơn 100 triệu đồng.

Từ mô hình trồng chuối già lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Nguyễn Hải Teo, nhiều nông dân ở xã Quảng Nhâm và các hộ dân là người đồng bào dân tộc Pa Cô ở các xã Phú Vinh, Hồng Bắc, Hồng Thủy, Hồng Vân, thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) đã vay vốn mở rộng diện tích trồng chuối già lùn. Nhiều vườn chuối già lùn của người dân A Lưới sau gần 1 năm chăm sóc đều cho thu hoạch. Trừ tiền giống, công chăm sóc, bình quân mỗi hécta chuối già lùn đã mang lại thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng cho các hộ dân.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, chỉ tính trong hơn 1 năm qua, toàn huyện trồng được hơn 337ha chuối già lùn, trong đó trồng tập trung 94ha giống chuối nuôi cấy mô; có 242ha chuối đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 280 tạ/ha, thu nhập bình quân trên dưới 100 triệu/1ha. Nhờ trồng chuối già lùn mà đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, từ năm 2019, nông sản chuối già lùn mang thương hiệu A Lưới đã được đưa lên kệ hàng của các siêu thị với khoảng 15 tấn tiêu thụ mỗi tháng, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng chuối già lùn ở A Lưới.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, để sản phẩm nông sản chuối già lùn có chỗ đứng trên thị trường thì những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với trường Đại học Nông lâm Huế và các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối già lùn để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và năng suất cao.

Người trồng chuối đã áp dụng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật từ trồng, chăm sóc, không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh cũng như thực hiện tốt khâu bảo quản sản phẩm. Nhờ đó mà sản phẩm chuối già lùn A Lưới được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP và đạt chất lượng OCOP 3 sao.

“Sản phẩm chuối già lùn được quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất cho đến tận tay người tiêu thụ, được các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu phân tích để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Với quy trình này, sản phẩm nông sản chuối già lùn do nông dân địa phương trồng đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước, được một số trường học tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sử dụng vào bữa ăn của học sinh bán trú”, ông Văn Lập cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới khẳng định, chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa và khẳng định được thương hiệu trên thị trường, là bước đi đúng của huyện trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và trong thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên hiện diện tích trồng loại cây này còn manh mún, trình độ thâm canh của bà con đồng bào dân tộc chưa cao và đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự ổn định.

Do đó, để phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn huyện A Lưới, tạo thu nhập cho người nông dân, thời gian tới, huyện sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho ngành nông nghiệp thực hiện triển khai dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt sẽ tăng cường liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tập trung thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, sàn giao dịch điện tử hàng nông sản để thương hiệu chuối già lùn A Lưới vươn xa hơn ra thị trường cả nước, giúp người trồng chuối có đầu ra tiêu thụ ổn định.

Anh Khoa
.
.
.