Bóc gỡ 2 "mắt xích" trong đường dây lừa đảo trên mạng

Chủ Nhật, 24/09/2023, 07:35

Hồng Văn Tuấn làm phiên dịch cho một công ty của người Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Kampot, Campuchia. Công ty này chuyên tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam qua mạng Internet. Khi công ty có nhu cầu mua tài khoản ngân hàng của người Việt Nam, Hồng Văn Tuấn liên lạc thuê Nguyễn Văn Sơn mở tài khoản ngân hàng, rồi bán lại cho công ty để phục vụ hoạt động lừa đảo.

Mất gần 5,7 tỷ đồng vì dính chiêu lừa "thả con săn sắt, bắt con cá rô"

Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã khởi tố 2 đối tượng Hồng Văn Tuấn (SN 1993, trú tại: Thôn Chấu, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, trú tại: thôn An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 BLHS.  Hai đối tượng này được xác định là hai "mắt xích" liên quan đến đường dây lừa đảo trên mạng với hình thức "nhận nhiệm vụ, thưởng hoa hồng" quy mô xuyên quốc gia, có liên quan tới cả đối tượng người nước ngoài, đầu mối ở  Campuchia.

cán bộ điều tra lấy lời khai đt hồng văn tuấn (1).jpg -0
Cán bộ điều tra lấy lời khai của đối tượng Hồng Văn Tuấn.

Một nạn nhân bị đường dây lừa đảo trên mạng này chiếm đoạt gần 5,7 tỷ đồng, là bà Bế Thị D, 44 tuổi, trú tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Theo tài liệu điều tra, quá trình vào mạng xã hội Facebook, bà D tò mò khi thấy tài khoản facebook "Yodyy quà tặng 07" quảng cáo về chương trình làm nhiệm vụ nhận quà với lời hứa nhận thưởng "hoa hồng" cao. Lúc đầu, khi thực hiện nhiệm vụ xem video clip trên mạng xã hội Youtube nhấn "Like" rồi chụp lại màn hình gửi theo hướng dẫn, bà D đã rất nhanh chóng được nhận 120.000 đồng tiền thưởng.

Sau đó, tài khoản mạng này đã dẫn dụ bà D tham gia nhóm Telegram "Quà tặng phúc lợi" để được nhận tỷ lệ thưởng lớn hơn. Nghe dụ dỗ ngon ngọt, lại hám lợi khi thấy các đối tượng hứa thưởng hoa hồng cao, nên bà D đã nhiều lần chuyển tiền vào 6 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận nhiệm vụ. Sau mỗi lần chuyển tiền, bà D đều yêu cầu được nhận thưởng và hoàn trả số tiền đã nộp, nhưng các đối tượng nại ra nhiều lý do như: "Cần nâng cấp tài khoản", "cần làm thêm nhiệm vụ" để không hoàn trả lại số tiền bà D đã chuyển vào tài khoản của chúng.

Với tâm lý "đâm lao phải theo lao", để nhận lại số tiền của mình đã chuyển khoản trước đó và được nhận tiền thưởng, nên chỉ trong một buổi chiều, bà D đã bị các đối tượng dẫn dụ chuyển tiền vào 6 tài khoản các đối tượng đã cho, với tổng số tiền lên đến gần 5,7 tỷ đồng mà cuối cùng vẫn không thể rút được số tiền đã nộp và số tiền thưởng mà các đối tượng hứa hẹn. Nghi mình bị lừa, bà D đã đến cơ quan Công an trình báo.

Từ trình báo của bà D, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xác định một phần trong tổng số tiền gần 5,7 tỷ đồng của bà D được chuyển vào số tài khoản của một ngân hàng với chủ tài khoản mang tên Nguyen Van Son, sau đó tiếp tục được chuyển đến các tài khoản ngân hàng khác.

Xác minh về chủ tài khoản này, cơ quan Công an xác định người đăng ký tài khoản chính là Nguyễn Văn Sơn (SN 1985, trú tại thôn An Biên, xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn khẩn trương tiến hành xác minh, triệu tập Nguyễn Văn Sơn để làm rõ.

Thuê mở tài khoản ngân hàng để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo trên mạng

Tại cơ quan Công an, đối tượng Sơn thừa nhận số tài khoản trên do mình đăng ký, nhưng Sơn không sử dụng mà được Hồng Văn Tuấn thuê mở tài khoản. Sau khi biết số tài khoản của mình bị cơ quan Công an xác minh, Sơn đã liên lạc với Hồng Văn Tuấn đề nghị khóa tài khoản ngân hàng nói trên. Tuy nhiên, trước khi cùng Tuấn làm thủ tục khóa tài khoản, thấy trong tài khoản có 200 triệu đồng vừa được chuyển vào.

Biết đây là số tiền phi pháp do lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có, vẫn chưa bị công ty lừa đảo bên Campuchia rút hết, nên Tuấn và Sơn bàn nhau chiếm đoạt, rút 200 triệu đồng nói trên chia nhau, mỗi người 100 triệu đồng. Đấu tranh mở rộng, Hồng Văn Tuấn khai nhận: Tháng 9/2022, Tuấn làm phiên dịch cho một công ty của người Trung Quốc chuyên hoạt động tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam qua mạng Internet có trụ sở tại tỉnh Kampot, Campuchia. Quá trình làm việc, công ty có nhu cầu mua tài khoản ngân hàng của người Việt Nam để phục vụ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên Tuấn đã liên lạc và thuê Sơn mở tài khoản ngân hàng cho công ty sử dụng. Sau khi hoàn tất đăng ký, Sơn được hưởng 5 triệu đồng, còn Tuấn được hưởng 100 USD do phía công ty chi trả.

 Tiến hành xác minh nguồn gốc 200 triệu đồng trong tài khoản nói trên của Sơn, cơ quan Công an xác định, số tiền này do bà Đặng Việt T (SN 1968, trú tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển đến tài khoản nói trên vào ngày 3/3/2023. Công an tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi với Công an huyện U Minh để kịp thời làm việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Đặng Việt T.

Theo Thượng tá Hoàng Gia Định, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, hình thức lừa đảo kiểm tiền online với lời quảng cáo hấp dẫn "việc nhẹ, lương cao, thưởng hoa hồng lớn" mặc dù đã được lực lượng Công an nhiều lần cảnh báo, thế nhưng những vụ lừa đảo trên mạng vẫn liên tục xảy ra trên nhiều địa phương trong cả nước. Với chiêu trò “thả con săn sắt, bắt con cá rô", kẻ gian đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng thường đưa ra các nhiệm vụ thực hiện vô cùng đơn giản, điển hình như: thả tim TikTok, nghe nhạc mp3, xem video, nhấn "like" trên Youtube, đánh giá sản phẩm trên các website… Lúc đầu, kẻ gian có thể gửi những đường link thật từ các website thương hiệu nổi tiếng để người dùng tin tưởng đang làm việc cho những thương hiệu này. Sau đó, đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, bị hại sẽ được bọn chúng thanh toán đẩy đủ kèm hoa hồng như đã hứa, nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham.

Sau khi có được lòng tin của bị hại, những lần tiếp theo, các đối tượng sẽ yêu cầu bị hại nạp tiền để được nhận thêm nhiệm vụ hoặc làm nhiệm vụ khác với số lượng đơn hàng lớn hơn, nạp số tiền lớn hơn, và hưởng hoa hồng cao hơn. Sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản của chúng, các đối tượng sẽ viện ra nhiều lý do như "cú pháp soạn tin bị sai", "hệ thống bị lỗi" hay "cần nâng cấp tài khoản", "cần làm thêm nhiệm vụ"… để không hoàn tiền và trả thưởng.

Khi đó, các bị hại với tâm lý "đâm lao, phải theo lao", muốn nhận lại tiền thì lại phải tiếp tục chuyển khoản thêm tiền để thực hiện nhiệm vụ, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền trước đó, nên liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả. Trong đó, bà Bế Thị D và bà Đặng Việt T chỉ là hai trong số rất nhiều các bị hại đã sa bẫy bởi chiêu trò tinh vi của những nhóm đối tượng lừa đảo trên mạng kiểu này.

                              

P. Tâm
.
.
.