Khi “tín dụng đen” câu kết với cán bộ ngân hàng…

Thứ Sáu, 03/11/2023, 08:03

Tỉnh Bình Dương, nơi công nghiệp phát triển mạnh, số lượng nhà máy, xí nghiệp; số lượng công nhân thuộc hàng cao nhất nước luôn là điểm đến của các đối tượng cho vay nặng lãi từ khắp mọi miền đất nước.

Nguyễn Hoàng Anh (SN 1986), Trần Văn Phúc (SN 1998) và Lưu Quốc Phong (SN 1990) cùng quê Hải Phòng muốn vào Nam lập nghiệp. Không có trình độ, tay nghề nhưng lại thừa sự liều lĩnh nên cả ba bàn tính sẽ vào Bình Dương để cho vay lãi nặng mà con mồi nhắm đến là các công nhân, người lao động. Cả 3 đem chuyện này để nhờ đối tượng Quang, một người hàng xóm với Hoàng Anh hỗ trợ. Quang đồng ý cấp 300 triệu đồng cho nhóm này làm vốn và thỏa thuận tiền lợi nhuận sẽ chia cho Quang 30% sau khi đã trừ tiền thuê nhà, tiền ăn uống, tiền tiêu xài chung.

Khi “tín dụng đen” câu kết với cán bộ ngân hàng… -0
Ba đối tượng từ Hải Phòng vào Bình Dương cho vay nặng lãi.

Tháng 2/2023, cả 3 đối tượng vào địa bàn phường An Phú, TP Thuận An (Bình Dương) và bắt tay ngay vào việc in phát tờ rơi cho vay. Theo đó, nếu vay trả góp theo ngày sẽ cho vay từ 2-10 triệu đồng, mỗi ngày góp từ 200-500 ngàn đồng trong 25 ngày, tính ra lãi suất là 432%/năm. Còn “vay đứng”, vay 10 triệu đồng thì mỗi ngày đóng 200.000 đồng tiền lãi, thu trước 5 ngày, thu phí dịch vụ 500.000 đồng. Tính ra người vay nhận được số tiền thực tế là 8,5 triệu đồng nhưng phải đóng lãi 6 triệu đồng/tháng, tức lãi vay trên 70%/tháng. Tính đến lúc bị bắt, chỉ sau gần 4 tháng hành nghề các đối tượng này đã bỏ túi 280 triệu đồng tiền lãi….

Theo Phòng CSHS, Công an tỉnh Bình Dương, để thu hút người vay, các đối tượng dán quảng cáo, phát tờ rơi, chạy quảng cáo trên mạng xã hội và giao dịch thông qua điện thoại. Khi có khách hàng, đối tượng không yêu cầu cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ, mà chỉ yêu cầu cung cấp địa chỉ nơi ở, hình ảnh nhạy cảm cá nhân, số điện thoại của người thân. Đối tượng vay là các tiểu thương buôn bán nhỏ tại các chợ trời, chợ tạm, công nhân, các đối tượng cờ bạc nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, kiểu cho vay trên được đánh giá chỉ là “cò con”, còn cho vay núp bóng dưới hình thức “hợp đồng giả cách” mới thật sự “tàn bạo”, bóp nghẹt con nợ. Cho vay kiểu này thường với số tiền lớn, kẻ cho vay núp bóng với vỏ bọc là doanh nhân, chủ cơ sở, câu kết với nhân viên ngân hàng hoạt động dưới các hình thức vay "đáo hạn ngân hàng", "vay vốn làm ăn" bằng các hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản là bất động sản (hay hợp đồng giả cách). Người vay là các chủ công ty, doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc sang Campuchia đánh bạc…

Trần Viết Kiều (SN 1980) là Phó Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng nằm trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) có mối quan hệ bạn bè với anh Nh. Do có nhu cầu vay tiền, tháng 11/2022 anh Nh. chuyển hồ sơ cho Kiều đề nghị vay số tiền 8 tỷ đồng bằng hình thức thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Đến ngày 18/11/2022, anh Nh. liên hệ Kiều mong được giải ngân sớm số tiền 500 triệu đồng. Kiều đồng ý. Một lúc sau, tài khoản của anh Nh. nhận được 500 triệu đồng.

Mười ngày sau, Kiều cùng với Nguyễn Khắc Việt (SN 1985, quê Hà Nội) đến nhà của anh Nh. thông báo ngân hàng không đồng ý giải chấp cho anh Nh. vay 8 tỷ đồng, số tiền 500 triệu đồng mà anh Nh. nhận là tiền vay “nóng” của Việt với lãi suất 0,5%/1 ngày (15%/tháng). Sau đó, Kiều và Việt yêu cầu anh Nh. phải giao chiếc xe ôtô hiệu Hyundai Kona cho Kiều để làm tin. Vì sợ ảnh hưởng đến gia đình nên anh Nh. đồng ý giao xe ôtô cho Kiều.

Bốn tháng sau, Kiều hẹn anh Nh. đến quán cà phê và yêu cầu anh Nh. ký vào giấy mượn tiền của Việt 500 triệu đồng, cam kết trả trước 100 triệu đồng, số còn lại sẽ trả trong tháng 4/2023. Sau khi anh Nh. viết giấy nợ, Kiều liền điện thoại thông báo cho Việt biết. Việt cùng 2 người nữa đến gặp anh Nh. tại quán cà phê. Tại đây, các đối tượng đe dọa yêu cầu anh Nh. phải viết giấy nhận tiền đặt cọc bán thửa đất nơi anh Nh. đang sinh sống cho Kiều và thể hiện đã nhận cọc của Kiều số tiền là 817 triệu đồng (bao gồm vốn và tiền lãi của số tiền vay 500 triệu đồng). Sau khi anh Nh. đã ký giấy mượn tiền, giấy nhận cọc, các đối tượng đi về.

Một thời gian sau, khi các đối tượng hẹn anh Nh. đến quán cà phê để tiếp tục gây sức ép đòi nợ thì bị cơ quan Công an mời về làm việc. Qua quá trình điều tra, Cơ quan Công an thu giữ một số giấy tờ đất tại nhà Kiều đều được làm giả để phục vụ cho mục đích bất chính nên đã bắt tạm giam Kiều. Qua tài liệu thu giữ được thể hiện Kiều cùng đồng bọn dùng thủ đoạn cho vay đáo nạn, cho vay bằng hợp đồng giả cách với số tiền hàng tỷ đồng và đã thu lợi số tiền bất chính rất lớn.

Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa 15 vụ, khởi tố 22 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra hành chính 23/24 điểm giao dịch của Công ty cổ phần F88… 

Đại tá Trần Văn Chính cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tập trung đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tổ chức đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các băng nhóm, đường dây, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” nói chung và thủ đoạn lợi dụng các ứng dụng trên điện thoại để hoạt động “tín dụng đen” biến tướng nói riêng.

Mã Hải
.
.
.