1.500 người Pháp thiệt mạng vì nắng nóng

Thứ Ba, 10/09/2019, 14:54
Bộ trưởng Y tế Pháp Agnes Buzyn trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 8-9 cho biết, đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa hè vừa qua là nguyên nhân khiến 1.500 người tử vong.


Theo bà Buzyn, tổng cộng đã có “18 ngày nóng cực đoan” ở Pháp trong năm nay và không phải bất cứ ai cũng có sự chuẩn bị đầy đủ để sống sót qua đợt nắng nóng. Nhiệt độ cao vượt ngưỡng 40 độ C vào khoảng tháng 6 và tháng 7 đã phá mọi kỷ lục từng thống kê trước đó tại khắp 50 thành phố của Pháp. 

Thậm chí, tại khu vực phía nam Gallargues-le-Montueux, hệ thống nhiệt kế đã đo được nhiệt độ nóng kỷ lục trong lịch sử của Pháp ở ngưỡng 46 độ C. Sức nóng khủng khiếp biến Pháp và nhiều nước châu Âu giống như nằm trong chảo nóng. Đây cũng là lúc cao điểm mùa du lịch và dã ngoại.

Tại Paris và các vùng lân cận, nhiều đơn vị từ thiện tổ chức chiến dịch cung cấp nước cho người vô gia cư, lắp đặt điều hòa ở nơi công cộng để du khách và người dân có nơi nghỉ chân. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer quyết định cho học sinh tiểu học nghỉ học và dời lịch cho các kỳ thi quốc gia khi trời quá nóng. 

Vào mùa hè vừa qua, 8 hồ bơi lớn trong thành phố Paris đã mở cửa sau 22h đêm và cho phép người dân bơi tại hồ Bassin de la Villette. Thành phố cũng lập thêm ba hồ bơi ngoài trời tạm thời tại những khu vực thu nhập thấp để người dân bơi miễn phí. Ngoài ra, 13 công viên lớn cũng mở cửa vào ban đêm trong đợt nóng và mở thêm 5 công viên nữa nếu thời tiết nóng kéo dài. 

Với những người vô gia cư, gồm những người nhập cư sống theo nhóm bên dưới các cây cầu hoặc bên đường, Paris đã cung cấp khoảng 5.000 bình nước và lắp đặt thêm 1.000 vòi nước uống tại thành phố. Các nhân viên của thành phố cũng tăng cường kiểm tra khắp Paris để hỗ trợ người vô gia cư.

Người Pháp tránh nóng ở khu vực trước tháp Eiffel (Ảnh: Reuters).

Theo bà Buzyn, một nửa trong số người tử vong ở độ tuổi trên 75. Nhìn tổng thể, đợt nóng đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của 20 triệu người Pháp. Đài phát thanh France Info cung cấp con số chi tiết hơn là 1.425 người, trong đó 567 người chết trong đợt nắng nóng đầu tiên vào cuối tháng 6 và 858 người thiệt mạng trong đợt thời tiết cực đoan vào cuối tháng 7. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Agnes Buzyn cho biết 1.500 ca tử vong năm nay chỉ bằng 1/10 so với số ca tử vong trong đợt nắng nóng kinh hoàng năm 2003 khi có đến 15.000 người thiệt mạng. "Chúng tôi đã thành công trong việc phòng chống, hạn chế tình trạng chết vì nóng tại Pháp nhờ vào các thông điệp mạnh mẽ và kịp thời", Bộ trưởng Agnes Buzyn nói.

Không chỉ Pháp, nhiều nước châu Âu trong mùa hè năm nay đã hứng chịu đợt nắng nóng cực đoan. Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh đều đạt tới ngưỡng nóng nhất trong lịch sử vào cuối tháng 7.

Tại Hà Lan, nhiệt độ đo được gần căn cứ không quân Gilze-Rijen lên đến 39,2 độ C vào ngày 24-7 giờ địa phương, thậm chí cao hơn mức kỷ lục 38,6 độ C đo được năm 1944 tại nước này. Đợt nắng nóng khủng khiếp hồi tháng 7 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.900 người Hà Lan, trong đó có khoảng 300 người từ 80 tuổi trở lên. Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra tại miền đông Hà Lan, nơi có nhiệt độ tăng cao hơn và đợt nắng nóng kéo dài hơn so với các vùng khác. 

Nhiệt độ tại Hà Lan có lúc cao hơn 40 độ C vào ngày 25-7. Số người thiệt mạng vì nắng nóng tại Hà Lan lần này tương đương với số người thiệt mạng trong 2 đợt nắng nóng xảy ra năm 2006, vốn được cho là đợt nắng nóng kéo dài nhất tại nước này. Các chuyên gia thời tiết cảnh báo những đợt nắng nóng tương tự như vậy sẽ xuất hiện thường xuyên hơn do Trái đất đang ấm lên bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tại Đức, nơi nóng nhất được xác định là thị trấn Geilenkirchen gần biên giới với Hà Lan và Bỉ, lên đến 40,5 độ C. Tại Bỉ, mức nhiệt độ cao nhất là 39,9 độ C được ghi nhận tại căn cứ quân sự Kleine-Brogel, cách thủ đô Brussels 100km về phía Đông Bắc, gần biên giới Hà Lan. Đây là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi mốc nhiệt độ cao nhất tại Bỉ được lưu lại vào năm 1833. 

Nhiều tuyến đường sắt của Bỉ đã rơi vào tình trạng rối loạn do nắng nóng gây ra. Ngày 24-7, một đoàn tàu cao tốc Eurostar đi London (Anh) và một tàu cao tốc khác là Thalys đi Pháp đã phải dừng giữa đường do một đoạn cáp điện bị đứt ngay bên ngoài thủ đô Brussels.

Nắng nóng trên 40 độ C cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy tại miền Nam nước Bỉ. Đặc biệt, thời điểm nắng nóng và khô hạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nông nghiệp khi hạn hán cùng mức nhiệt cao đã gây cháy tại một số cánh đồng và trang trại.

Theo chương trình giám sát Trái đất có tên Copernicus của Liên minh châu Âu, tháng 7-2019 là tháng nóng kỷ lục từng được ghi nhận. Báo cáo của Copernicus cho thấy nhiệt độ trung bình trong tháng 7 chạm mốc cao nhất so với các mốc từ năm 1981 đến 2010 ở các khu vực Alaska, Greenland, Siberia, Trung Á, Iran và một vùng rộng lớn ở Nam Cực.  

Minh Khuê
.
.
.