Ám ảnh ngôi làng gần nửa thế kỷ dùng nước nhiễm xăng

Thứ Bảy, 28/07/2018, 16:02
Múc nước chạy xe máy, cháy nhà vì nước, lấy nước để thắp đèn… chuyện thật như đùa ấy đang diễn ra tại thôn Yên Ninh (xã Công Bình, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) gần nửa thế kỷ nay.


Số người chết vì ung thư gia tăng, đất đai cằn cỗi, cây cối không phát triển, người dân bỏ làng đi biệt xứ không phải là hiếm. Đơn thư kêu cứu được gửi đi khắp nơi nhưng người Yên Ninh vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn chưa có câu trả lời.

Đã nghèo khó lại còn phải dùng nước nhiễm xăng

Thôn Yên Ninh nằm xơ xác bên những vạt đồi khô cong, nắng cháy da thịt càng khiến nơi đây tiều tụy hơn. Những đứa trẻ với nước da xám xịt ngơ ngác nhìn người lạ, còn người lớn thì uể oải chờ đợi những trận mưa hè. Bởi, trong 1 năm họ chỉ có chờ mùa mưa để hứng nước dùng cho cả năm.

Giếng ở đây được đào sâu cả trăm mét nhưng cũng không có được nguồn nước sạch.

Anh Nguyễn Khắc Linh (người trong thôn) ngán ngẩm: "Mấy chục năm nay mạch nước ở đây nhiễm xăng, thiếu nước nghiêm trọng. Anh thấy đấy, nắng nóng thế này mùi xăng bốc lên không chịu nổi. Chúng tôi chỉ trông chờ vào nước mưa, nhà nào có bể to thì hứng được dùng cho cả năm, bể bé thì dùng vài tháng là hết".

Yên Ninh là một trong những thôn nghèo nhất huyện Nông Cống, hộ nghèo chiếm số đông. Người dân ở đây gần như bế tắc khi mà nguồn nước nhiễm xăng ngày càng lan rộng. Việc các hộ bỏ xứ đi nơi khác để làm ăn sinh sống là chuyện không thiếu.

Qua tìm hiểu, hơn 40 năm qua, thôn Yên Ninh đã phải chịu dựng cảnh nguồn nước nhiễm xăng. Nguyên nhân là vì những năm 70 của thế kỷ trước, nơi đây là trạm trung chuyển thuộc đơn vị H10 của tổng kho xăng dầu quân đội, với tổng trữ lượng lưu trữ trung chuyển lên tới cả trăm nghìn khối, cùng các hệ thống dẫn từ trạm này tới trạm khác.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư chi bộ thôn Yên Ninh nhớ lại: "Năm 1972 quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng máy bay B52 đã khiến một trong những téc chứa xăng có trữ lượng khoảng 100 khối (tương đương 100 nghìn lít) bị đánh bom, đường ống bị hư hại.

Từ đó một trữ lượng lớn xăng bị loang tràn ra diện rộng, tác động trực tiếp tới môi trường của các thôn Tân Bình, Yên Hà, Yên Phú, Yên Hưng, Yên Ninh… Trong đó, thôn Yên Ninh là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hệ luỵ nhiễm xăng".

Rất nhiều thửa ruộng ở đây bị nhiễm xăng khiến người dân không có đất canh tác.

Tại Yên Ninh có khoảng 50 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, trong đó có 12 hộ ở chính giữa khu vực Đồi Xăng, Cống Đá (nơi nhiễm xăng dầu nặng nhất). Còn những hộ khác, nguồn nước cũng bị ô nhiễm nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Anh Linh buồn bã đưa chúng tôi tới khu bãi đất bỏ hoang không thể canh tác được của gia đình mình, anh bảo: "Yên Ninh là thôn sống chủ yếu bằng nông nghiệp, kinh tế còn rất khó khăn nhưng hằng năm diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều khiến nhân dân gặp khó khăn, nguồn nước ô nhiễm không thể sản xuất được, các hộ dân nơi đây hằng ngày phải đi chở nước ở các thôn khác, cả những quả đồi cũng trơ trọi vì… xăng.

Đất không canh tác được nên nhiều hộ trong thôn đã chuyển sang đào ao thả cá. Thế nhưng, khi đánh bắt cá dưới hồ lên, nấu chín, ăn thấy hôi mùi xăng. Vì vậy họ cũng bỏ hẳn việc nuôi cá và bỏ xứ đi nơi khác làm ăn".

Múc xăng lên thắp đèn, múc nước nhiễm xăng đổ vào xe máy… là những chuyện tưởng như đùa nhưng ở đây lại là chuyện thường ngày. Anh Bùi Văn Tinh kể: "Ngày trước, một số gia đình đang sử dụng loại xe máy cũ của Nhật, họ múc nước mặt ở vũng nước đọng đổ vào bình xăng mà xe vẫn chạy bình thường.

Cái ngày còn chưa có điện, người dân còn hớt xăng bỏ vào đèn để thắp. Chính vì xăng dầu khắp nơi nên rất nhiều nhà đã cháy, lúc đó chỉ có chờ cháy hết chứ múc nước đổ vào có mà cháy to thêm".

Đất đai bạc màu, xăng dầu lan khắp nơi, cây cối không thể sống được, lại không có nghề phụ nên nhiều thanh niên phải bỏ quê để mưu sinh. Có những người đi xa rồi lấy chồng, lấy vợ cũng chẳng về quê.

Bà Nguyễn Thị Sen nói như muốn khóc: "Tôi già rồi chả làm được gì cho con cháu nên cố mà bám trụ mảnh đất của tổ tiên để lại. Gần 40 năm nay chúng tôi phải sống thiếu nước sinh hoạt, ngày nào cũng phải đi xin nước ở xã bên về uống. Vào mùa mưa còn đỡ, mùa khô, nước giếng ở thôn khác bị cạn, chúng tôi phải mua nước bình về sử dụng. Xăng có lẫn trong không khí, chỉ cần sơ ý một chút là cháy liền. Sống ở đây không khác gì sống trên một quả bom nổ chậm. Trong người lúc nào cũng thấy buồn nôn, choáng váng, khó thở, không thiết ăn uống gì".

Ăn nước nhiễm xăng và chờ mưa

Nhiều người than thở, sống ở đây mùa nào cũng khổ, mùa khô thì thiếu nước còn mùa mưa thì cả làng lại như một trạm bơm xăng khổng lồ. Nước tràn đến đâu là ở đó có xăng, là có mùi nồng nặc.

Từ người già để trẻ nhỏ vừa ăn vào bụng, vừa hít không khí mùi xăng, đó là lúc người dân quay cuồng vì chóng mặt, buồn nôn. Cây cối, hoa màu có sống được cũng cồi cọc, vàng úa, đến độ nào đó rồi cũng chết.

Khắp nơi nơi là những vũng nước nổi lềnh bềnh váng xăng. Đã nhiều lần các hộ ở đây khoan tìm mạch nước ngầm sạch, có những chiếc giếng sâu gần 100 mét nhưng vẫn đậm đặc xăng. Chưa dừng lại, có gia đình còn dùng cả mũi khoan kim cương xuyên đá sâu đến hơn 100 mét nhưng cũng đành bất lực.

"Việc xin nước sạch đâu có gần, các làng lân cận có nước sạch cũng cả cây số, thậm chí cả vài cây. Mà đến xin có khi người ta không cho vì sợ bị hết, đi mua nước thì không có tiền. Nhiều người đành tặc lưỡi dùng nước nhiễm xăng chờ mùa mưa" - bà Sen chia sẻ.

Đã nhiều lần người dân thôn Yên Ninh kiến nghị lên xã, huyện, các ban, ngành  để kiểm tra xử lý, rồi cả những cuộc họp tiếp xúc cử tri nhưng đến nay tình trạng vẫn chưa được giải quyết. Người dân đã quá quen với các đoàn, sở, ban, ngành về lấy mẫu nước, đo đạc rồi lại đi. Mỗi lần như thế họ lại lo lắng, hoang mang bởi căn bệnh ung thư quái ác bắt đầu là nỗi ám ảnh.

Bà Sen ngậm ngùi kể lại việc người dân phải dùng nước nhiễm xăng.

Trẻ con thì còi cọc, da xanh, xám xịt, rồi các bệnh liên quan đến gan, dạ dàu, tiêu hóa… ngày càng gia tăng. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn N (SN 1940) có đến ba thành viên trong gia đình bị mắc các bệnh lý về gan và dạ dày. Đặc biệt hơn, một người anh trai của của ông D mới qua đời vì bệnh ung thư gan, con trai ông cũng mất vì ung thu dạ dày khi mới ngoài 40 tuổi.

Ông N thở dài: "Tôi cũng thấy chán nản lắm rồi, cứ sống thế này chẳng mấy mà chết hết vì ung thư. Bản thân tôi đây cũng đang phải gồng mình chiến đấu với bệnh xơ gan. Chúng tôi tha thiết mong các cấp chính quyền có biện pháp gì đó cải tạo khu vực này, nếu không thể cả tạo thì có chính sách di dân. Tôi cũng không dám khẳng định là người chết vì ung thư ở đây là do nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Nhưng những người chết vì ung thư ở làng tôi ngày càng nhiều hơn".

Số người chết vì ung thư ngày càng gia tăng, liệu có phải là do nguồn nước ô nhiễm hay không? Nguồn nước họ đang dùng có những độc tố gì? Cũng là những câu hỏi của người dân mà chưa có câu trả lời. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để tìm hướng giải quyết dứt điểm và lâu dài. Để người dân ổn định cuộc sống, không còn nỗi ám ảnh về nguồn nước.

Ông Nguyễn Tuấn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Công Bình cho biết:

"Tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn xăng đã ở mức báo động, người dân phải chịu đựng nhiều năm nay. Chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị lên trên để xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm, chúng tôi đành tuyên truyền cho người dân xây bể lấy nước mưa và đi xin nước ở thôn khác về dùng để giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe".

Song Anh
.
.
.