10.800 tỷ và tự sự của một diễn viên chèo

Thứ Hai, 04/02/2013, 16:25

Em là một diễn viên chèo, và em muốn viết những dòng tự sự này để nói lên những suy nghĩ cá nhân về cái đề án mới được thông qua liên quan tới việc sẽ có 10.800 tỉ sắp được "xuất kho" để xây dựng 51 nhà hát trên toàn quốc.

Những ngày vừa qua, nhiều đồng nghiệp của em đã phản ứng dữ dội đề án này, với lý do là hiện nay ở nhiều thành phố lớn có nhiều nhà hát vẫn không được hoạt động hết công suất (nếu không muốn nói là hoạt động kiểu ế chỏng ế chơ), bây giờ lại mất tới 10.800 tỉ để xây những 51 cái nhà hát mới thì phí phạm quá.

Đồng nghiệp của em còn nói, chỉ cần lấy một nửa số tiền 10.800 tỷ để nâng cao đời sống và chất lượng diễn viên - những người đang sống thiếu sống thốn, sống đau sống đớn, sống bằng cách nương tựa vào "tình yêu nghệ thuật" (dù cái tình yêu ấy không mài ra mà ăn được) thì nền nghệ thuật cổ điển của chúng ta (bao gồm nhiều bộ môn như tuồng, chèo, cải lương…) sẽ được nâng cấp tức. Và khi thấy đời sống tụi em được nâng cấp, số lượng những sinh viên nghệ thuật dám dấn thân cho những loại hình nghệ thuật bị đánh giá là "đói nhăn răng" này chắc chắn sẽ đông lên, chứ không manh mún, hẻo lánh như suốt thời gian qua.

Mấy đồng nghiệp em còn ví von hình ảnh rằng khi đời sống diễn viên quá khó khăn, khi các hoạt động nghệ thuật cổ điển quá manh mún, nghĩa là khi cái ruột đang bị ung thư mà lại đổ những 10.800 tỷ để xây tới 51 cái nhà hát thì cũng có nghĩa người ta chả đoái hoài gì tới ruột, mà chỉ nhăm nhăm nghĩ tới việc phải tạo ra một cái vỏ thật là hoành tráng. Mà một cái vỏ hoành tráng bao bọc trong nó một cái ruột ung thư tất lẽ dĩ ngẫu sẽ tạo ra một cơ thể nghệ thuật đầy… bệnh hoạn.

Nói thật, cá nhân em không nghĩ thế. Nói theo ngôn ngữ của mấy bác triết học thì giữa cái ruột với cái vỏ có quan hệ biện chứng, qua lại với nhau. Một cái vỏ hoành tráng chắc chắn sẽ tác động tích cực tới một cái ruột bệnh tật, và khi đó khả năng lành bệnh của cái ruột là một khả năng lớn. Mặt khác, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, em đã được dạy rằng làm nghệ sĩ nhất thiết phải biết hy sinh. Vậy thì hy sinh mình- hy sinh cái ruột của mình để nhất tề tạo ra một cái vỏ mà bạn bè quốc tế thoạt nhìn, ai cũng phải trầm trồ thán phục - đấy chẳng phải là một sứ mệnh cao cả đó sao?

À, lại có kẻ độc mồm nào đó nói rằng phải lấy những 10.800 tỷ để xây hơn 50 cái nhà hát (thay vì nâng chất đời sống của 500, 5000, hay 50.000 diễn viên) thì người ta mới có những cái phết cái phẩy mà nhờ nó một nhóm người sẽ… bội thu. Em chợt nhớ, ở bên thể thao, khi người ta xin đăng cai Đại hội thể thao châu Á (Asiad) cũng đã có dư luận rằng phải nhờ đăng cai Asiad thì những ai đó, ở những vị trí đặc biệt nào đó mới có thể bội thu từ những cái phết cái phẩy. Rồi nhìn ra xã  hội, cứ khi nào một công trình to tát được xây dựng, chẳng hạn như một cây cầu, một đường hầm, hay một tượng đài… là y như rằng người ta lại nói tới những cái phết cái phẩy đại loại thế. Nói một cách suy diễn, chứ chẳng có chứng cớ, chứng lý thuyết phục nào.

Là một diễn viên, em tự nhủ mình phải sống có niềm tin. Trước hết là tin vào ngôi đền thiêng nghệ thuật, và sau nữa là tin vào những chứng cứ, chứng lý của một xã hội pháp quyền. Thế nên suốt những năm qua, dù chồng em hơi thiếu ăn chút chút, con em hơi thiếu mặc chút chút, còn em hơi thiếu son phấn, nước hoa chút chút (vì nghèo mà) nhưng em luôn tin tưởng vào những gì em đang chứng kiến.

Em tin, 10.800 tỉ rồi sẽ tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại cho nền nghệ thuật vĩ đại của chúng ta!

Vâng, em tin. Em tin vô cùng. Em tin dữ dội.

Phan Đăng
Ngày tin, tháng tìm, năm tim tím

.
.
.