128 căn cứ quân sự của Mỹ trước nguy cơ bị biển nhấn chìm

Thứ Tư, 22/03/2017, 17:24
Nước biển dâng có thể nuốt chửng nhiều khu vực trong căn cứ hải quân lớn nhất thế giới của Mỹ vào cuối thế kỷ XXI. Điều này có nghĩa, Chính phủ Mỹ sẽ phải tốn hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở vật chất nhằm ứng phó với nguy cơ này.


Theo Hiệp hội các nhà khoa học của Mỹ (Union of Concerned Scientists - UCS), Trạm Hải quân Norfolk ở bang Virginia cùng với 16 căn cứ quân sự khác của Mỹ, vốn chịu ảnh hưởng của hàng trăm trận lụt mỗi năm đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2100.

Chín trong số các căn cứ quân sự kể trên là những trung tâm hải quân lớn của Mỹ, trong đó, ngoài căn cứ Norfolk, lũ lụt đang đe dọa đến căn cứ hải quân Mayport, căn cứ tàu ngầm tại vịnh Kings ở bang Georgia hay Học viện Hải quân ở Maryland, nơi từng chịu ảnh hưởng rất nặng nề của cơn bão Isabel năm 2003.

Norfolk là căn cứ Hải quân lớn nhất thế giới, tập trung lực lượng Hải quân của Mỹ với 75 tàu các loại, 14 bến tàu lớn nhỏ và 134 máy bay. Cơ sở hải quân này được đặt tại khu vực cửa sông Elizaberth, thành phố Norfolk với tổng diện tích hơn 16km².

Tuy nhiên, không chỉ có các căn cứ hải quân bị đe dọa. Theo một báo cáo mới được công bố hồi cuối tháng 2, 3 cơ sở của Thủy quân lục chiến, 2 căn cứ quân sự chung, 1 căn cứ không quân và 1 đồn cảnh sát biển cũng đang phải đối mặt với vấn đề ngập lụt diễn ra mỗi ngày.

Trận bão Isabel năm 2003 làm ngập nhiều phòng học và phòng thí nghiệm của Học viện Hải quân ở Maryland. Ảnh AP.

Ngoài ra, 128 cơ sở quân sự khác ở khu vực ven biển trên khắp nước Mỹ sẽ bị đe dọa nếu các kịch bản về mực nước biển dâng diễn ra đúng như dự đoán, nghĩa là  trước năm 2100.

Nước biển dâng cũng là mối đe dọa lớn với các khu vực ven biển của Mỹ cũng như tại các nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Singapore. Theo báo cáo được hãng AP công bố, một trung tâm radar của lực lượng không quân Mỹ nhằm giúp theo dõi rác vũ trụ, được xây dựng trên một đảo san hô ở quần đảo Marshall với chi phí 1 tỷ USD sẽ nằm dưới đáy biển trong vòng 20 năm tới.

Trung tá Không quân Eric Badger, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, người tham gia đánh giá về nghiên cứu của UCS nói: "Chúng tôi hoan nghênh báo cáo và những phát hiện của UCS. Tất cả chúng ta đều biết về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những mối đe dọa đó khiến chúng ta phải cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào đối với các cơ sở quân sự, từ cấu trúc đến hệ thống vũ khí và trên hết chính là sự an toàn cho con người".

Trên thực tế, từ hơn một thập kỷ qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên nhiều kế hoạch để đối phó với việc biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không phải kế hoạch nào cũng được lưỡng viện xem xét hoặc thông qua do ngốn một nguồn chi phí khổng lồ.

Từ năm 2014 đến 2016, mặc dù đảng Cộng hòa vốn chiếm đa số tại Hạ viện đã quyết bổ sung cho Lầu Năm Góc một khoản tiền ngoài ngân sách để đối phó với với việc mực nước biển ngày càng dâng cao và có thể nhấn chìm nhiều căn cứ quân sự nhưng những đề nghị trên đều bị Thượng viện bãi bỏ. Lý do được đưa ra là có lo ngại rằng khoản tiền bổ sung là quá lớn và Bộ Quốc phòng sẽ không sử dụng khoản chi tiêu kia đúng mực.

Theo Văn phòng Tín nhiệm Chính phủ của Mỹ (GAO), Bộ Quốc phòng Mỹ có tổng cộng khoảng 555.000 cơ sở đang hoạt động, trên diện tích khoảng 113 ngàn km2 với trị giá thay thế vào khoảng 850 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 1.200 căn cứ quân sự đóng trên lãnh thổ Mỹ.

Tại các vùng giáp Bắc Cực, nơi mà những hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu đang hiện hữu rõ ràng nhất, hiện tượng băng tan và mực nước biển dâng làm xói mòn bờ biển Alaska một cách nghiêm trọng, đe dọa các hệ thống radar cảnh báo và nhiều căn cứ không quân. Tại một căn cứ không quân, một nửa đường băng đã bị xói mòn, khiến những máy bay cỡ lớn không thể di chuyển và vận hành trên nó.

Tại một số căn cứ khác, nhiều tuyến đê chắn sóng đã bị hư hại, để sóng tràn lên đường băng và nhiều khu vực luyện tập khác. Trong khi đó, ở khu vực miền Tây, thời tiết thay đổi thất thường và hạn hán lại làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và đe dọa gây thiệt hại cho đường sá, đường băng và nhiều tòa nhà tại các căn cứ gần đó.

Cụ thể, cháy rừng ở Alaska đã làm gián đoạn quá trình luyện tập của nhiều trung tâm quân sự. Năm ngoái, hỏa hoạn ở California đã đe dọa đến trung tâm Camp Pendleton, căn cứ quân sự lớn ở Bờ biển phía Tây của Thủy quân lục chiến Mỹ, cách San Diego khoảng 77 km và căn cứ không quân Vandenberg, cách Santa Barbara hơn 100km.

Một lượng mưa khổng lồ, tương ứng với lượng mưa của cả năm, bỗng chốc trút xuống trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ tại Fort Irwin, giữa sa mạc Mojave của California, gây hư hại hơn 160 tòa nhà, gồm nhiều doanh trại, đường sá, cầu và hơn 3 cây số hàng rào chắn quân sự...

Duy Tiến
.
.
.