15 năm đánh đàn nuôi vợ và lời thề cuối cùng với bạn đời

Thứ Bảy, 05/09/2015, 10:00
Trong căn nhà gỗ nhỏ nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang, cao lớn của những người hàng xóm, hai cụ già lặng lẽ sống với nhau bao nhiêu năm tháng. Người vợ bị mù hai mắt hơn chục năm trời, đôi chân cũng không thể đi được nữa, chỉ lết quanh nhà. Một mình cụ ông tuổi cao sức yếu, không biết làm gì hơn ngoài việc mang cây đàn ghi ta ra đường đàn hát kiếm sống qua ngày. Nhìn người đàn ông dáng vóc gầy còm và có khuôn mặt khắc khổ ấy, không ai có thể ngờ được ông lại có một quá khứ “huy hoàng” và tội lỗi như vậy.

Cuộc đào thoát khỏi cuộc hôn nhân định sẵn vào ngày cưới

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đáng (76 tuổi, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) vào một ngày nắng nóng. Khi chúng tôi đến, hai ông bà vẫn đang đóng kín cửa để tránh cái nắng hắt vào. Cụ bà Trịnh Thị Mọn (79 tuổi, vợ ông Đáng) ngồi co cụm giữa nền nhà kể rằng, bản thân bà quê gốc ở Nam Định, cha mẹ đều chết từ khi bà Mọn còn nhỏ. Năm 1954, họ hàng chạy sơ tán hết, bỏ lại bà bơ vơ một mình, không nơi nương tựa. Từ đó một mình bà làm lụng đủ thứ để kiếm sống qua ngày. Đến tháng 3 năm 1955, nghe người ta đồn đại vào Nam làm cao su, bà cũng đi theo. “Lúc mới vào đến Cẩm Mỹ, thấy người ta đi cạo mủ cao su, tôi cũng xin đi, thấy người ta làm gì thì tôi làm nấy”, bà Mọn kể.

Kể về gia đình mình, bà Mọn cho biết, bà và ông Đáng chính thức về ở với nhau năm 1969, đến nay hai người có với nhau ba người con, hai trai một gái. Người con trai đầu năm nay đã ngoài 40 tuổi, còn người con trai út cũng đã hơn 30. Tất cả họ đều rời bỏ gia đình đi kiếm sống tứ phương gần mười năm nay. Cũng vì hoàn cảnh nghèo khó, nên những người con của ông Đáng, bà Mọn không giúp được gì cho cha mẹ của mình. 

Vợ chồng ông Đáng.

“Tôi cũng không dám trông mong gì ở chúng nó, mình sinh chúng nó ra mà không cho chúng nó ăn học đàng hoàng được, bây giờ chúng nó nghèo khổ cũng là cái tội của mình...”, bà Mọn kể, giọng có chút buồn.

Hoàn cảnh của ông Đáng cũng không khá hơn bà Mọn là bao. Bố ông chết khi ông chưa đầy mười tuổi, ít năm sau mẹ ông bỏ đi lấy chồng khác. Chưa đầy 15 tuổi, ông Đáng đã bị bọn đồn điền làm tay sai cho Pháp đẩy lên xe chở đi cạo cao su.

Ông kể: “Khi đó tôi đang học ở trường dòng với các sơ ở ấp thì một chiếc xe thùng tới, cứ đứa con trai nào to lớn là chúng túm cổ lôi lên xe, không cần biết tuổi tác”. 

Tại nông trường cao su, ông Đáng đã gặp bà Mọn, người con gái hơn ông 3 tuổi, xinh đẹp. Mặc dù biết bà hơn tuổi, đã có một đời chồng ở Bắc nhưng ông vẫn một mực theo đuổi. Đến năm 19 tuổi, trong một lần gánh mủ cao su, bị trắc ra ngoài, ông bị một tên lính Pháp tát vào mặt. Bực tức, ông đã cầm đòn gánh đánh lại, sau đó bị đuổi việc. 

Bị đuổi khỏi nông trường, bơ vơ một thời gian, rồi ông bị gọi gia nhập vào lính của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Làm lính không lâu, ông đào ngũ. Lúc này, ông Đáng đã là chàng thanh niên 25 tuổi. Với mong muốn đứa con trai sớm tu chí làm ăn, mẹ của ông đã nhắm cho ông một người con gái trong làng và định sẵn ngày cưới.

Ông Đáng cười, nhớ lại: “Ông bố vợ đó hứa nếu tôi lấy con gái ông thì ông sẽ cho tôi hai mẫu rẫy. Nhưng trưa hôm chuẩn bị giờ đi sang nhà gái thì tôi bỏ trốn. Mẹ tôi phải quỳ lạy họ. Tôi không biết làm cách gì hơn để trốn thoát, đành vào đồn gần đó thừa nhận việc mình đào ngũ. Hai năm sau tôi mới quay về”.

Từ bỏ giang hồ bởi Đại Cathay

Trở lại làm lính, cũng là lúc ông bước vào con đường giang hồ, tham gia vào băng người nhái, trùm trưởng là võ sư Ngô Châu Dị, cận vệ của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Dị nhờ vào đó mà phô bày thanh thế, thu nạp hàng trăm đệ tử, chuyên đi thu tiền bảo kê các nhà hàng, quán bar... Ông Đáng vẫn nhớ, người này cao 1m8, có một xe Jeep màu trắng, có thẻ đặc biệt của tướng Kỳ cung cấp, hễ đi đến nhà hàng, quán bar nào là không cần trả tiền. Vì thế, những đệ tử như ông cũng được hưởng phúc, sống đời sống sung sướng, xa hoa.

“Lúc đó chúng tôi ăn uống, phá phách không có giới hạn, tôm hùm thậm chí không thèm ăn. Lúc đó biệt danh của tôi là Ba Dao, bởi tôi có biệt tài phóng một lúc 3 dao mà vẫn trúng mục tiêu. Chủ trương của tôi lúc đó là không chém chết người, chỉ chém để dọa, đặc biệt là không bao giờ đánh phụ nữ”, ông Đáng kể lại. Nhưng không may, mùa đông năm 1967, trong một lần đụng độ với băng nhóm của Đại Cathay, băng người nhái của ông đã thất thế, rồi chịu thua. Ông chia sẻ: “Hai băng giành nhau địa bàn thu thuế. Băng bên kia nó bắn chết thằng trùm trưởng, kế tiếp nó bắn thằng trùm phó, cuối cùng thấy mạnh quá, chúng tôi giải tán”.

Kể từ đó, kết thúc cuộc sống gần 10 năm trời vừa làm lính, vừa làm giang hồ. Năm 1968, trong một đêm, tiểu đội của ông có 10 người thì bị chết 8 người, quá sợ hãi ông ấp ủ kế hoạch bỏ trốn. Khoảng tháng 5/1968, ông được nghỉ 3 ngày phép. Nhân cơ hội này, ông bỏ về ở Hố Nai (TP Biên Hòa), rồi nhờ bà Mọn làm thẻ căn cước giả để trốn sự truy bắt của quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Ông kể: “Tôi về đi làm ở nhà máy cưa, nhờ bà ấy lo cho cái thẻ căn cước (bây giờ là chứng minh thư) giả, cũng chỉ giả tuổi, giả tên để khói đi lính chứ thực ra là căn cước thật. Sau đó, vì sợ ở lại người quen biết mình đào ngũ nên tôi mua máy cưa đi nơi khác làm. Đến năm 1972 thì tôi về, dọc đường đụng phải mấy ông cảnh sát, họ biết tôi dùng căn cước giả nên đem súng bắn dọa tôi để bắt. Tôi liền lao tới bên đường túm một cái cây lao vào một thằng giật cây súng của hắn bắn bị thương 2, 3 thằng. Tôi bắn hết băng đạn thì bắt đầu nó kêu tiếp viện đến. Nó bắt tôi, cột vào một cái ghế, cứ nửa đêm về nó xỉn, dùng cây sắt đánh, sút tôi đã đời rồi mới giải ra tòa. Có khi một tháng kêu 2, 3 lần, có khi 2, 3 tháng kêu một lần. Cuối cùng, nó xử tôi 10 năm tù, phải đi Côn Đảo. Nhưng mới ở khám Chí Hòa được 3 năm, chúng chưa kịp đưa tôi ra đảo thì giải phóng đến”.

Cuộc đời khốn khổ vì tính đào hoa

Nói về bản thân mình, ông Đáng thừa nhận, mình là người lãng tử, đào hoa và có nhiều tài lẻ. Chính vì thế khi còn trẻ, có rất nhiều phụ nữ tỏ lòng yêu mến. Dù hiện tại, ông dùng đàn ghita để đàn hát, kiếm tiền nuôi sống bản thân và người vợ bệnh tật. Thế nhưng ông cho biết, đàn ghita là ông tự học lỏm từ người khác, chứ không qua trường lớp nào cả. Khi mới hơn 10 tuổi, ông được học đàn mandolin từ một ông thầy người Pháp ở trường dòng, và trở thành một trong những tay chơi kỳ khôi ở Cẩm Mỹ. Một người hàng xóm của ông kể: “Dù đã già nhưng ông ấy đàn hát còn hay. Ở đây mọi người gọi ông ấy là nghệ sỹ lang thang”.

Đưa mắt nhìn như vô định, ông kể, dù trải qua ba đời vợ, thế nhưng người mà ông yêu và mang ơn nhất chính là bà Mọn, người vợ thứ 2. Ông có tình cảm với bà từ khi còn là chàng trai tuổi 19. Sau khi đi lính về, rồi trải qua bao nhiêu sóng gió cuộc đời, thời gian cách xa cả chục năm trời nhưng bà vẫn chưa chịu lấy ai. Thế rồi năm 1969, hai con người cùng khổ, cùng cảnh ngộ như có một mối duyên tiền định, tự nguyện đến với nhau, không hôn thú, không lễ cưới. Hai ông bà cùng cười, kể rằng, cách đây 2 năm những người bên đạo Công giáo mới đưa hai người vào nhà thờ để làm lễ hôn phối, gọi là hợp thức hóa.

Kể về người vợ đầu, ông cho biết bà tên là Nguyễn Thị Ngãi, người Quảng Trị. Hai người ở với nhau được hai năm, có với nhau một người con trai thì ông phải đi lính. 4 năm sau ông trở về thì bà đã lấy chồng khác. Người con trai đó nay cũng đã hơn 50 tuổi, cũng đã từng là dân giang hồ, nay đã vào chùa quy y cửa phật. Lần gặp gần nhất giữa ông Đáng và người con trai này đã cách đây hơn 10 năm.

“Năm 1976, Hội Cao su Đồng Nai tổ chức cuộc thi 2 giỏi (vừa cạo nhanh, vừa cạo kỹ thuật tốt), tôi đi thi giật giải nhất. Năm 1977, tôi được lên làm tổ trưởng, dạy cho hai trăm mấy chục người cạo mủ, từ bên xã Cẩm Đường, An Biển gửi qua... Dạy một tháng trời xong hết thì tôi về coi cao su non. Xong tôi mới qua lại với bà góa phụ trong tổ tôi, cũng đẹp, ở có một mình. Đáng lẽ tôi lên đội phó rồi, nhưng ông bí thư cao su Đồng Nai đến để đưa tôi lên làm đội phó thì nghe tin tôi lấy vợ ba, ông mới nói với tôi, thôi vô phương rồi, thấy em có tài, muốn giúp đỡ em mà em lại làm như vậy, sai với chính sách nhà nước...”, ông kể về người vợ thứ ba, tên Nguyễn Thị Xinh. Hai người lấy nhau, có với nhau được một người con gái nay đã 25 tuổi, và người con gái này chưa từng bao giờ thừa nhận ông là cha.

15 năm đánh đàn nuôi vợ và lời thề cuối cùng với bạn đời

Thời gian ông gắn bó với Nông trường Ông Quế cho đến khi nghỉ hưu là 19 năm. Đáng lẽ nay ông đã có lương hưu, mà như ông tính thì chắc là tháng 2 triệu. Thế nhưng ngay khi có quyết định nghỉ hưu, năm 1998, người con trai út của ông và bà Mọn đánh nhau, bị bắt đi tù một năm rưỡi. Một lần ông vào thăm, thấy người con trai của mình bị tù trưởng đánh bầm dập. Thương con, ông đã quyết định về xin lãnh lương hưu tất cả một lần, được gần 8 triệu vào lo lót cho cán bộ coi trại, nhằm trông nom cho con trai ông khỏi bị đánh.

Cũng trong thời gian đó, bà Mọn đột nhiên mù mắt bên trái. Đến khoảng 2 năm sau thì mắt còn lại cũng mù nốt. Từ đó, gia đình đã nghèo khổ càng trở nên túng quẫn hơn. Những đứa con của ông bà cũng lần lượt bỏ xứ ra đi kiếm sống, không màng gì đến cha mẹ già. Vài năm sau, bà Mọn lại mắc thêm bệnh, không đi lại được, chỉ có thể lết quanh nhà làm lặt vặt.

“Từ đó đến nay, tôi mang đàn ra chợ, và cây xăng gần nhà vừa đánh vừa hát, để một cái nón đằng trước, người nào có lòng thương thì họ cho ít. Có ngày tôi kiếm được 5 chục, có ngày mười mấy nghìn. Khi kiếm đủ ăn 2, 3 ngày, tôi lại nghỉ. Khi hết, thì lại đi đánh tiếp”, ông Đáng ngậm ngùi. 

Khi được hỏi hai ông bà có nguyện vọng gì không, thì ông Đáng kể, mơ ước của bà Mọn là khi chết có một cái hòm tốt tốt. Đáp lại nguyện vọng đó của bà Mọn, ông khẳng định, tôi đã hứa với bà ấy, nếu bà ấy chết trước thì bất cứ giá nào tôi cũng thực hiện bằng được nguyện vọng của bà ấy. Còn nếu tôi chết trước thì chỉ cần cho tôi cái hòm vừa vừa, rồi lấp đất là được. Nếu có thể thì bỏ cái đàn ghita vào hòm cho tôi là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Chia tay với chúng tôi, ông nói, điều mà đến nay ông hối hận nhất chính là khoảng thời gian làm giang hồ đã gây ra bao nhiêu tội lỗi. Nếu ông biết tu chí làm ăn, không trăng hoa, không bè bạn ăn chơi thì có lẽ giờ đây cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác.

Nam Dương
.
.
.