20 năm làm đẹp ngõ nhỏ

Thứ Hai, 28/08/2017, 10:47
Có những người lặng lẽ sống, lặng lẽ làm việc và lặng lẽ hiến dâng cho cuộc đời. Có những việc người ta làm không vì danh, không vì lợi, mà chỉ đơn giản để làm đẹp cho cuộc sống.


Rồi đến một ngày nào đó, cuối cùng người ta cũng nhìn thấy được sự cao cả trong cái bình dị của họ, nét đẹp tuyệt vời trong việc làm đơn sơ của họ. Có lẽ đó là trường hợp của cụ ông đã “cửu thập cổ lai hi” Cao Trí Thịnh, ở ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Câu chuyện của ông bắt đầu cách đây hơn 20 năm. Khi ấy ông đã về hưu, không có nhiều việc để làm nên cảm thấy “buồn tay buồn chân”.

Nhiều lần đi qua những con ngõ gần nhà, ông cảm thấy vô cùng khó chịu trước những bức tường xám ngoét bị vẽ nhăng vẽ cuội và dán đầy giấy quảng cáo nham nhở.

Với những người gắn bó với Hà Nội như ông, những con ngõ chính là những “góc hoài niệm”, nơi lưu dấu những kỷ niệm từ thời đầu còn để chỏm. Dường như có một nhà văn nào đó từng nói rằng ngõ hẻm là một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, là “nốt trầm” an nhiên giữa thành phố vốn ồn ào, náo nhiệt.

Ông cũng nghĩ vậy, và cảm thấy đau xót khi những góc hoài niệm của người thủ đô trở nên nhếch nhác, xấu xí. Từ trong tim, ông cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó để thay đổi thực tế này. Vậy là vào một ngày đẹp trời, ông gom tiền để dành đi mua sơn, cọ, quyết định làm “họa sĩ đường phố”, cải tạo lại những con hẻm.

Chủ nhân của những bức tranh tường đầy màu sắc - cụ ông Cao Trí Thịnh.

Lúc đầu, nhiều người không hiểu ông làm gì, có người thậm chí cười nhạo ông già mà không lo ở nhà nghỉ ngơi, chơi với con cháu. Thế nhưng, ông vẫn kiên trì, đội nắng đội mưa để tô điểm cho những bức tường rêu phong, cũ kỹ và nhếch nhác tại những con ngõ gần nhà.

Chẳng bao lâu, nhờ có cụ Thịnh mà những bức tường xám ngoét và nham nhở ngày nào đã “lột xác” thành những tác phẩm nghệ thuật. Từ cổng ngõ Ao Dài đến các con hẻm đều là những bức tranh bắt mắt.

Rồi việc làm của cụ Thịnh đã khiến nhiều người thích thú và ủng hộ. Một số người còn nhờ cụ vẽ giúp cánh cổng nhà mình sao cho thật đẹp và độc đáo. “Cụ vẽ đẹp lắm! Đôi khi cụ tỉ mỉ đến mức vẽ một cái cây mà thay đổi đến cả chục lọ màu. Từ lúc cụ vẽ những bức tranh này không còn tình trạng dán tờ rơi quảng cáo, viết chữ bậy lên tường nữa. Ai cũng mừng”, một người dân cho biết.

Tranh tường của cụ tập trung tái hiện cảnh ấm cúng gia đình, tình làng nghĩa xóm, cảnh người dân nô nức lao động, cảnh đạo hiếu hay những khẩu hiệu… Bên cạnh đó việc vẽ tường còn giúp mọi người ý thức được rằng phải giữ gìn vệ sinh nơi mình sinh sống, không viết bậy, dán bậy lên tường gây mất mỹ quan đô thị và  ảnh hưởng đến sự lành mạnh của môi trường sống.

“Tôi luôn vẽ những điều tốt đẹp, qua đó để mọi người nhắc nhở nhau sống tốt hơn. Tôi biến những khẩu hiệu khô khan thành những bức tranh tường giản dị nhưng dễ truyền tải thông điệp”, cụ Thịnh bộc bạch.

Một số người ở ngõ Ao Dài cho biết cụ Thịnh vẽ tranh tường bất kể nắng mưa. Cụ vẽ miệt mài như vẽ cuộc đời mình vậy. Nhiều hôm trời nắng chang chang nhưng cụ lại mang đồ nghề của mình ra để… “múa cọ”. Ở cái tuổi “cửu thập cổ lai hi” nhưng cụ vẫn muốn hiến công sức của mình, làm đẹp ngõ phố.

“Còn sức tôi còn làm, miễn sao được mọi người hoan nghênh. Tôi yêu vẽ lắm! Tôi cũng yêu con phố của mình nữa”, cụ Thinh tâm sự. Có lẽ đó là lý do khiến cụ không muốn xa nơi này, dù con gái của cụ - chị Hồng đã nhiều lần ngỏ ý mời cụ về sống cùng.

“Tôi sống ở đây quen rồi, không thể xa nó được. Nơi đây là tâm huyết mấy mươi năm của tôi. Tôi đang ở gần cuối quãng thời gian tươi đẹp của cuộc đời, cái khoảng thời gian vô lo vô nghĩ về tất cả mọi thứ”, vị “họa sĩ” sinh năm 1923 tâm sự.

Khi được nhiều người biết đến, báo chí cũng tìm tới phỏng vấn. Được nhiều người ủng hộ ngợi khen, cụ Thịnh rất vui, nhưng vẫn khiêm tốn không nhận phần công lao về mình. Cụ cho biết thích vẽ tranh từ nhỏ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải tạm gác lại đam mê, theo học ngành ngoại thương. Giờ đã nghỉ hưu, nên có thời gian để theo đuổi sở thích của mình.

Đến nay, không chỉ người dân quanh ngõ Ao Dài, mà cả nước đã có nhiều người biết đến cụ thông qua những bài báo.

Như Sơn
.
.
.