20 triệu dân New Delhi “tắc thở” vì khói mù

Thứ Năm, 07/11/2019, 15:13
Ngày 3-11, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bị bao phủ trong lớp khói mù độc hại dày đặc ở mức tồi tệ nhất trong nhiều năm qua khiến nhiều chuyến bay phải đổi hướng hoặc bị hủy; ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thường nhật của người dân.


Trường học đóng cửa, hàng không hủy bay vì khói mù

Hàng năm, mỗi khi mùa Đông về, thủ đô 20 triệu dân này lại chìm trong một màn khói mù độc hại do khói ôtô, khí thải công nghiệp và khói từ hoạt động đốt nương rẫy ở các bang lân cận. Nông dân tại các bang Haryana và Punjap gần thủ đô đốt rơm rạ tiếp tục là mối đe dọa lớn nhất đến chất lượng không khí tại thủ đô New Delhi và các khu vực lân cận.

Trên mạng Twitter, Thống đốc New Delhi, ông Arvind Kejriwal viết: "Ô nhiễm đã đến mức không thể chịu nổi". Ông Kejriwal mô tả New Delhi giống như một "phòng hơi ngạt" - tên gọi dành cho những căn phòng mà phát xít Đức sử dụng để giết tập thể người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ 2. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương đã than phiền về đau mắt và viêm họng, nhiều người đã phải dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Hôm 1-11, Ủy ban về môi trường do chính phủ thành lập đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí ở New Delhi, báo động cho sức khỏe của cộng đồng. 

"Đây là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hiểm và sẽ có tác động xấu đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ em", thông báo từ cơ quan kiểm soát ô nhiễm môi trường cho hay. 

Các chỉ số về chất lượng không khí tại các trạm đo lường do chính phủ giám sát đã ghi nhận ở mức 500 tại một số địa điểm trong thành phố, đây là mức tối đa được ghi nhận bởi ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương. Trong khi chỉ số ô nhiễm ở mức trên 400 đã là rất nghiêm trọng, ở mức độ này những người có phổi khỏe mạnh cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp.

Tầm nhìn rất kém khiến các hãng hàng không Air India và Vistara thông báo hủy hoặc chuyển hướng các chuyến bay đến và đi từ sân bay New Delhi trong ngày 3-11. Nhiều trường học tại thủ đô đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 5-11 và hoạt động xây dựng phải dừng từ ngày 4-11; trong khi chính quyền Delhi bắt đầu phân phát hàng triệu khẩu trang chống ô nhiễm cho trẻ em.

Khói bụi bao trùm Thủ đô New Delhi.

Khủng hoảng không khí ngày càng nghiêm trọng

Chỉ số ô nhiễm trung bình ở New Delhi từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm thường nằm trong ngưỡng 100-200, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, chất lượng không khí sẽ giảm đi nghiêm trọng và chỉ số ô nhiễm có thể vượt mốc 500. 

Một trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất là lúc diễn ra lễ hội Diwali của các tín đồ đạo Hindu, lễ hội truyền thống lớn nhất ở Ấn Độ. 

Trong thời gian diễn ra lễ hội, khói bụi từ việc đốt hàng triệu quả pháo hòa cùng khói xe, khí thải nhà máy, bụi từ công trường xây dựng và khói đốt rơm rạ tạo ra một đám mây khói bụi khổng lồ bao trùm thành phố 20 triệu dân. Các chỉ số ô nhiễm lúc này thậm chí có thể nhảy vọt lên mức cao không có trên các thiết bị đo đạc khoa học.

Báo cáo mang tên “Tình hình môi trường của Ấn Độ” do Trung tâm Khoa học và Môi trường của nước này thực hiện, cho biết ô nhiễm không khí là thủ phạm gây ra 12,5% số trường hợp tử vong tại Ấn Độ. 

Trung bình mỗi năm New Delhi có khoảng 10.000 người thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Năm ngoái, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết 14 trong số 15 thành phố ô nhiễm nhất thế giới đều ở Ấn Độ, trong khi một nghiên cứu của Mỹ cho biết tình trạng ô nhiễm này khiến 1 triệu người chết sớm mỗi năm.

Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Delhi đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục ô nhiễm như chuyển đổi phương tiện sang nhiên liệu sạch hơn, hạn chế lưu lượng giao thông vào các thời điểm cụ thể, cấm sử dụng nhiên liệu công nghiệp gây ô nhiễm và đóng cửa một số nhà máy điện. 

Các biện pháp cấp chính phủ cũng được áp dụng để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm như đưa ra các tiêu chuẩn khí thải mới, mở hai tuyến đường cao tốc chính ở phía Đông và phía Tây Delhi để đưa các phương tiện vận chuyển hàng hóa hạng nặng ra khỏi thủ đô. 

Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) tại Delhi chỉ ra rằng Delhi vẫn phải giảm 65% chỉ số bụi siêu mịn hiện tại để đáp ứng các tiêu chuẩn không khí sạch. CSE cho biết chỉ số bụi siêu mịn trung bình trên toàn Delhi năm ngoái là 115 µg/m³, trong khi tiêu chuẩn Ấn Độ đặt ra 40 µg/m³. 

Hướng dẫn hàng năm của WHO cũng khuyến cáo chỉ số bụi siêu mịn chỉ nên dừng ở ngưỡng 10 µg/m³ và cảnh báo chúng có tác động tiêu cực đến sức khỏe ngay cả ở nồng độ rất thấp. Tuy nhiên theo dữ liệu chính thức từ chính phủ Ấn Độ và số liệu của WHO, chỉ số bụi siêu mịn và bụi mịn tại một số khu công nghiệp ngoại ô vẫn ở ngưỡng rất cao, vượt xa quy chuẩn quốc gia và khuyến cáo của WHO.

Hôm 1-11, Thủ tướng Đức Angela Merkel Merkel đã tham dự một buổi diễu hành nghi thức trong thành phố cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi tình trạng khói mù trở nên nghiêm trọng. 

Bà Merkel cho biết Đức sẽ chi 1 tỷ euro cho các dự án giao thông đô thị "xanh" ở Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, bao gồm 200 triệu euro để thay thế xe buýt chạy bằng diesel ở bang Tamil Nadu. 

"Những chiếc xe buýt diesel này sẽ được thay thế bằng xe buýt điện và bất cứ ai nhìn thấy sự ô nhiễm ở Delhi hôm qua sẽ tìm thấy những lý lẽ rất tốt để thay thế nhiều hơn những chiếc xe buýt này", bà Merkel nói trong bài phát biểu. Tính tới tháng 5-2019, 280.000 xe điện được đưa vào sử dụng tại nước này, một phần rất nhỏ so với mục tiêu mà New Delhi đề ra là 15-16 triệu chiếc vào năm 2020. 

Ngọc Trang
.
.
.