30 năm chịu tiếng oan và cái kết có hậu

Thứ Ba, 13/01/2015, 10:00
Cô em gái bé nhỏ mất tích gần 30 năm, cũng là khoảng thời gian nghiệt ngã với người đàn bà cùng khổ Mai Thị Hòa (60 tuổi, tại thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) khi luôn mang trong mình nỗi oan đánh đuổi, bán em gái tâm thần. Cho đến khi nhận được thông báo từ Công an Lạng Sơn để đi đón em ở cửa khẩu năm 2013, nỗi oan ức ấy của bà Hòa mới phần nào được nguôi ngoai…
Ln mt tích bí n

Có lẽ sự trở về của em gái bà Hòa là bà Mai Thị Nại (hay còn gọi là Sự, 49 tuổi) là một câu chuyện kì lạ đối với người dân nơi đây. Theo như lời kể của bà Hòa, do bị mắc chứng bệnh viêm màng não từ năm 3 tuổi nên em gái bà có một chút vấn đề về thần kinh. Sau khi căn bệnh biến chứng, xuất hiện những cơn co giật, sùi bọt mép thì bà Nại trở nên èo oặt và giảm sút trí tuệ. Do nhà nghèo không có điều kiện chữa trị, đến năm 9 tuổi thì bà Nại phải nghỉ học do sức khỏe quá yếu. Một năm sau đó, bố mẹ bà Hòa lần lượt mất vì bạo bệnh nên mình bà vừa phải nuôi hai đứa con thơ và cô em gái lúc nào cũng ngẩn ngơ.

Do trí não không ổn định, bà Nại hay lang thang làng trên xóm dưới, nhiều lần bà Hòa phải đi tìm khắp xã mới thấy. Cao điểm là vào năm 1987, không hiểu bằng cách nào, bà Nại đi bộ vào trong thành phố chơi. Khi trở về đến nhà, trên mặt bà Nại bị một vết thương nặng, lở loét và lõm sâu, gia đình phải chạy chữa nhiều nơi mới có thể hồi phục.

Bà Hòa rưng rưng khi kể lại câu chuyện.

Và rồi một năm sau, khi đã quên đi nỗi sợ của lần bị thương trước, bà Nại lại tiếp tục lang thang, thơ thẩn chơi khắp xã. Sau một ngày không thấy em trở về, bà Hòa tất tưởi đi tìm nhưng không thấy em đâu nữa, bà Nại đã mất tích. "Lúc ấy tôi cứ nghĩ em nó đi chơi xa như lần trước, ai ngờ nó đi gần 30 năm mới trở về. Ngày ấy nghèo quá, nhiều lần muốn đi xa dò la tin tức của em nhưng không có tiền nên đành phải chịu…".

Nhiều người thân trong gia đình cũng khuyên bà Hòa là em gái chắc mất rồi, lập bàn thờ cho đỡ tủi, lấy ngày mất tích làm ngày giỗ. Nhưng không hiểu bằng linh cảm nào đó, bà Hòa tin rằng em mình vẫn còn sống. Và trong gần 30 năm ấy, không ngày nào mà bà không ngóng chờ em gái trở về giống như lần trước. Thời gian đầu, có những đêm bà Hòa để trống cửa chỉ mong em gái về có thể vào nhà, không phải ngủ ngoài sân.

Bà Nại trở nên ngờ nghệch sau khi trở về.

Oan c gn 30 năm

Vào thời điểm bà Nại mất tích cũng là lúc nạn buôn bán người đang trở nên khó kiểm soát, nhiều người bị lừa hoặc bắt cóc để bán sang bên kia biên giới, vào các nhà chứa hoặc làm vợ của người Trung Quốc. Sự mất tích của bà Nại làm nhiều người dấy lên sự đồn đoán, rằng bà Nại đã bị bắt cóc khi lang thang ở ngoài đường. Nhưng ác mồm hơn, nhiều người còn cho rằng, nguyên nhân chính là do bà Hòa hàng ngày đánh đập, chửi mắng em gái nên bà Nại mới phải bỏ nhà đi. Một số người còn cho rằng, chính bà Hòa là người bán bà Nại bởi khi ấy gia cảnh nhà bà Hòa gặp rất nhiều khó khăn.

Một thời gian sau khi bà Nại mất tích, một người cùng xã cũng cho bà Hòa biết đã thấy người giống bà Nại, nếu muốn đi tìm em thì sẽ giúp. Khi ấy, bà Hòa cũng muốn gom góp tiền bạc trong nhà để đi tìm em nhưng bị người nhà ngăn cản vì sợ đó là cái bẫy để lừa bán luôn cả chị lẫn em. Nghe vậy, bà Hòa cũng không dám đi nữa. Cũng vì thế, lời đồn đoán về việc bà không quan tâm đến em gái và có thể chính bà đã bán em lại từ mồm người này đến tai người kia, lan truyền khắp địa phương.

Bà Hòa nói trong nước mắt: "Từ bé đến giờ có bao giờ tôi đánh nó một cái nào, em nó bị bệnh như thế thương còn chẳng hết, vậy mà người ta ác mồm bảo tôi đánh đập, chửi bới. Nhưng tôi cũng phải bỏ ngoài tai, khi ấy mà suy sụp vì những tin đồn ấy thì lấy ai đi làm nuôi gia đình, chồng tôi cũng là thương binh, sức khỏe yếu. Mọi người trong gia đình và hàng xóm sống gần nhà ai cũng biết chuyện sang an ủi. Nhưng nhiều người vẫn bàn tán sau lưng mãi một thời gian dài sau đó".

Và cứ thế, bà Hòa mang nỗi oan ức gần 30 năm, không dám giãi bày, giải thích vì cũng không biết giải thích ra sao. Cho đến năm 2013, khi có thông tin về 3 phụ nữ Việt kêu cứu ở Trung Quốc, trong đó có em gái Mai Thị Nại của mình, nỗi uất ức kìm nén và nhớ thương em gái suốt 30 năm của bà mới được giải tỏa.

Ngày đoàn t

Sau khi nhận được thông tin về bà Mai Thị Nại, hiện đang ở Phúc Kiến, Trung Quốc, bà Hòa có liên lạc với chính quyền để nhờ giúp đỡ. Đến khi nhận thông báo của Công an Lạng Sơn, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ một khoản tiền để bà cùng gia đình lên cửa khẩu nhận em. Bà Hòa còn nhớ, khi đến nơi, nhiều cán bộ cho biết, bà Nại đang trong tình trạng nguy kịch, yếu nhất trong 3 người trở về và có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng. Nghe tới đó, bà Hòa òa khóc vì mới chuẩn bị gặp lại em sau gần 30 năm, chẳng lẽ đã phải chuẩn bị cho một lần chia tay vĩnh viễn.

Sau khi bà Nại được điều trị tại bệnh viện, bà Hòa quyết định đón em trở về để cùng gia đình chăm sóc. "Lúc ấy tôi cũng chỉ nghĩ đón em về, nếu có chết thì cũng được chết tại quê hương cho đỡ tủi thân, được ngày nào hay ngày ấy. Không biết có phải nhờ sự chăm sóc tận tình của gia đình và sự quan tâm của bà con xóm làng hay không mà sau một thời gian, bà Nại hồi phục sức khỏe", bà Hòa chia sẻ.

Ngôi nhà bà Hòa sửa lại cho em ở.

Nói về bà Nại, trước khi được đón về Việt Nam thì bà đã nằm điều trị tại một bệnh viện tâm thần của Trung Quốc nhiều năm. Những ngày đầu mới trở về, khi đang suy nhược thì bà Nại chỉ nằm một chỗ không nói chuyện với ai. Đến lúc hồi phục thì chỉ chui vào các góc tối trong nhà ngồi co ro, không dám tiếp xúc với ai. Khi được hỏi về quãng thời gian vừa qua chỉ hoảng loạn, nói không rõ ràng. Theo như bà Hòa cho biết, có những đêm đang ngủ ngon, bỗng bà Nại la hét kêu cứu, giãy đạp trên giường như đang bị ai đánh đập, đủ thấy những ngày mất tích, bà Nại đã phải chịu khổ đau như thế nào.

Sau khi trở về được nửa năm, tinh thần bà Nại đã ổn định và nhận ra được nhiều người thân trong gia đình. Bà Nại có kể lại hoàn cảnh mất tích của mình, đó là vào một lần bà đang đi chơi ở xã thì gặp ba người đàn ông rủ đi chơi và đi theo họ đến một nơi rất lạ, từ đó không tìm được đường về nhà nữa. Như vậy đã có thể suy đoán ra được rằng, bà Nại đã bị lừa bán sang bên kia biên giới.

"Nó không kể cho tôi nhiều về quãng thời gian bên Trung Quốc, tôi hỏi gì nó cũng không nhớ. Chỉ nhớ mang máng là có vài lần bị hai người đàn ông đưa đến bệnh viện. Theo như những gì nó mô tả thì tôi đoán nó bị đưa đi phá thai. Rồi sau đó là chuyện sống với một người đàn ông khác, được họ nuôi ăn hàng ngày. Không biết người ta cho nó uống thuốc lú lẫn gì mà 30 năm qua nó chỉ nhớ vài chi tiết. Khi hỏi về những chuyện trước khi bị bán thì lại nhớ rõ, thậm chí nhớ được cả tên và vai vế trong họ hàng nữa. Trước khi mất tích thì trí óc cũng không đến nỗi nào, còn bây giờ thì lúc nào cũng ngơ ngẩn như người điên…", nói đến đó, bà Hòa lại rưng rưng nước mắt.

Quả thật, khi chúng tôi trò chuyện cùng bà Hòa, bà Nại vẫn ngồi ngoài cửa ngẩn ngơ nói chuyện một mình. Khi hỏi bà Nại đã đi đâu 30 năm qua, bà cười một cách ngờ nghệch và nói: "Em đi chơi anh ạ, em đi đến chỗ nào không biết, mãi mới tìm được về nhà". Trên khuôn mặt người đàn bà ấy vẫn còn hiện rõ sự khắc khổ của những tháng ngày lưu lạc.

Giờ đây, cánh cổng khép hờ đợi em gái gần 30 năm của bà Hòa đã được đóng chặt, nỗi oan ức ngày nào cũng đã được giải tỏa vào cái ngày bà Nại trở về. Nhưng những ngày tháng trước mắt vẫn là một nỗi lo với hai chị em. Bà Hòa ngậm ngùi cho biết: "Chị em tôi đã đoàn tụ nên tôi không còn gánh nặng chuyện tìm em, điều tiếng năm nào thì cứ để nó trôi qua không cần nhắc lại nữa. Nhưng còn biết bao nỗi khó khăn trước mắt. Tôi cũng là bệnh binh 2/4, sức khỏe yếu không biết sống được đến ngày nào, mấy đứa con hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Tôi chỉ lo đến lúc nằm xuống lại không có ai chăm nom cho đứa em tội nghiệp…".

Ông Phạm Văn Quy - Trưởng thôn Kiến Phong (xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết: "Địa phương cũng hỗ trợ tiền tàu xe ngày bà Hòa đi đón em năm 2013 và sau khi về địa phương thì bà Nại cũng được hưởng chế độ cho người bị tâm thần. Gia đình bà Hòa cũng thuộc diện khó khăn nhất nhì thôn này, tôi đang đề xuất xếp vào hộ cận nghèo để hưởng trợ cấp, giúp bà một phần trong cuộc sống. Hiện tại, theo yêu cầu của gia đình, bà Hòa xin được tự chăm sóc cho em gái. Nhưng nếu sức khỏe yếu kém và kinh tế khó khăn mà gia đình có nguyện vọng thì chính quyền xã cũng sẽ nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ đưa bà Nại đến Trung tâm Bảo trợ xã hội".
Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.