40 năm làm đôi chân của vợ

Thứ Năm, 29/10/2015, 14:00
Ngày nào ông không tới là bà buồn, bà ngóng mãi về cuối con đường. Đôi khi trong lồng ngực, con tim bà thổn thức, tha thiết về một tổ ấm. Rồi sực tỉnh, nhìn xuống đôi chân tủn ngủn, nhìn chiếc nạng gỗ lạnh lùng dựng góc nhà, bà đau đớn khôn cùng. Chính ông đã "hồi sinh" cuộc đời bà. 40 năm, ông luôn sát cánh bên bà, là đôi chân, là bờ vai để bà tự tin sống vui tươi, hạnh phúc.
1. Mẹ mất khi Nguyễn Thị Gấm (65 tuổi) mới lững thững biết đi, 9 người con bám vạt áo cha để sống. 8 tuổi, biến cố giáng xuống cuộc đời Gấm sau một trận sốt phát ban. Bà bị liệt hai chân và một cánh tay. Ngày đó chiến tranh còn khốc liệt, bệnh viện nghèo nàn, thiếu thốn trang thiết bị nên bệnh của bà "vô phương cứu chữa". Không cam tâm nhìn con gái héo cuộc đời trên đôi chân, cha đưa bà lên một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh với hy vọng "còn nước còn tát".

Các bác sĩ người Mỹ tiến hành ca mổ nhiều tiếng đồng hồ, rạch hai cẳng chân nối mạch máu, thông huyết để "chữa" bại liệt. Nhờ tây y can thiệp nên đôi chân của bà có thể cử động được, có thể chống nạng lết từng bước chứ không "mềm nhũn" bất động như lúc đầu. Gấm đến trường bằng đôi chân của cha, sau này lên cấp hai thì tự chống nạng đi.

Nhưng ngày đó khắp vùng chẳng có ai bị bại liệt, Gấm xuất hiện trên đường như một "sinh vật lạ", mọi người ném ánh nhìn đầy khinh thường. Gấm cảm nhận rõ rệt sự cay đắng đó. Gấm xin cha nghỉ học. Cha không đồng ý nhưng Gấm đã tuyệt thực để thể hiện chính kiến của mình, cuối cùng cha Gấm phải ngậm ngùi chấp nhận.

Gấm ở nhà, tha thẩn với mấy con chó và đàn lợn. Năm 18 tuổi, cha đột ngột qua đời, bỏ lại đàn con nheo nhóc, không biết bấu víu vào đâu. Anh cả, chị hai không thể lo cho các em, đành để mặc mỗi đứa tự lo và tự sống. Riêng Gấm cô độc một mình, ba tháng dặt dẹo không biết đi đâu, làm gì với cái thể xác èo uột, khẳng khiu thì Gấm được một sư cô đón vào cô nhi viện nuôi. Những ngày sống trong cô nhi viện, Gấm được ăn no, mặc lành nhưng sự khác biệt về cơ thể khiến Gấm tách rời những đứa trẻ khác.

"Tôi làm gì nên tội? Tại sao tôi bị đối xử như vậy?" - Đó là những câu hỏi đay nghiến Gấm suốt quãng đời tuổi trẻ. Trong trí nhớ của bà, tuổi thơ đẹp nhất chỉ có hình bóng người cha, những lúc tủi hổ bà chỉ biết gào khóc gọi tên cha. Sư cô khuyên Gấm tiếp tục học văn hóa nhưng bà kiên quyết từ chối. Gấm chọn học nghề may. Gấm cắm đầu vào học cả ngày để không phải nhìn ai, không phải đối diện với ai. Gấm may rất khéo và nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật cơ bản của một người thợ may chuyên nghiệp.

Sau 40 năm chung sống, lần đầu tiên cặp đôi Cần - Gấm được tổ chức lễ cưới.

Năm Gấm 20 tuổi, cô nhi viện giải tán. Tất cả những đứa trẻ được trả về địa phương, tự xoay xở cuộc sống. Gấm quay về mảnh đất của cha mẹ để lại ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) dựng một túp lều ven đường mở tiệm tạp hóa. Người dân thương cô Gấm tàn tật nên ghé mua ủng hộ quả trứng gà, gói mỳ tôm. Bà chủ quán sống lây lất bằng những đồng lời bạc lẻ, đêm về gặm nhấm nỗi cô độc.

2. Chiến tranh kết thúc, người đàn ông tên Nguyễn Văn Cần (hơn Gấm một tuổi) làm nghề bán bánh mỳ ở xã bên hay ghé quán của bà mua nước uống. Anh thường dừng lại rất lâu bên lề quán, hỏi những câu vu vơ và nói những chuyện tầm phào. Gấm không hề để ý, bởi vốn dĩ Gấm xác định sẽ ở vậy suốt đời. Ngày nào anh cũng ghé quán, có khi chẳng thèm đi bán buôn gì, thúng bánh mỳ ế đầy ắp trên xe.

Lúc đầu Gấm tế nhị đuổi khéo, sau anh lì quá Gấm đuổi thẳng cổ. Nhưng càng đuổi thì anh càng lấn tới, hình như mặt anh chai rồi thì phải. Những hôm trời mưa vần vũ, anh vẫn quàng áo mưa gồng mình đạp xe đến quán, dường như chỉ để nhìn ngắm bà chủ. Đuổi mãi anh không chịu đi nên Gấm cũng chán, mặc kệ anh. Anh hỏi Gấm chuyện gia đình, chuyện tương lai, Gấm gắt gỏng quát vào mặt anh: "Mắc mớ chi hỏi kỹ vậy. Tôi sống sao mặc kệ tôi".

Trong tâm, Gấm chỉ muốn anh đi cho khuất mắt. Gấm thờ ơ, lãnh đạm với anh bao nhiêu thì anh quan tâm sâu sát về cuộc sống của Gấm bấy nhiêu. Anh âm thầm đi điều tra về lai lịch và hoàn cảnh của Gấm, khi biết Gấm mồ côi cả cha lẫn mẹ, một thân một mình sống ở lều quán, anh càng thương. Gấm thì không quan tâm đến anh là ai, từ đâu đến? Giàu hay nghèo? Cho đến một hôm, chiếc xe đạp của anh bị hỏng, anh khập khiễng dắt tới quán Gấm, một bên sườn bị lệch, bước đi liêu xiêu.

Chồng và con chính là món quà thượng đế ban tặng cho bà Gấm.

Tính làm ngơ nhưng thấy xót lòng quá, Gấm hỏi anh vì sao người lại méo thế? Mắt anh long lanh, anh cười thật hiền từ trả lời Gấm: "Tôi là thương binh mà. Ngày trước tôi chiến đấu ở đây rồi bị bắt và đày ra Côn Đảo. Cai ngục tra tấn dã man, may mà còn sống trở về". Nghe anh kể, tự nhiên trong lòng Gấm dậy lên một tình cảm không diễn tả bằng lời. Ngày bé Gấm mê chú bộ đội lắm, từng sống qua chiến tranh nên bà hiểu được giá trị của hòa bình. Gấm cảm kích những người lính như anh. Gấm bắt đầu chịu nghe anh kể, chịu nhìn thẳng vào mắt anh. Gấm phát hiện ra anh rất đẹp trai, nhất là khi anh cười. Những lúc như thế, tim Gấm rung lên, rạo rực thổn thức.

Ngày trở về từ Côn Đảo, anh Cần mới biết cha mẹ chết hết, anh em ly tán mỗi người một nơi. Nghề nghiệp không có, anh sắm một chiếc xe đạp đi bán bánh mì dạo. Ngay từ lần gặp đầu tiên, anh đã có một tình cảm đặc biệt với người con gái có đôi mắt mọng nước, khuôn mặt bầu bĩnh và mái tóc đen huyền. Đợi cho lòng Gấm xiêu, anh mạnh dạn ngỏ lời: "Tôi thương Gấm, muốn được che chở, chăm sóc cho em cả đời này". Nghe xong lời tỏ tình của người thương binh bán bánh mỳ, tim Gấm như có ai bóp nghẹn lại, cảm xúc không sao diễn tả được. Nửa đê mê nửa rụt rè. Gấm im lặng quay vào nhà.

Cả đêm hôm ấy, Gấm trằn trọc suy nghĩ. Gấm chưa bao giờ nghĩ, sẽ có người đàn ông nào thương và cưới mình làm vợ. Gấm luôn nghĩ rằng, thời của Gấm, người bị bại liệt sẽ sống ở một vương quốc khác, quen với con người khác chứ nhất định không thể hòa nhập, nhất định không thể bình đẳng được. Nhưng sau ngày anh tỏ tình thì suy nghĩ ấy dần được nới ra.

Hình ảnh của Nguyễn Văn Cần, nụ cười hiền lành và cả dáng đi lam lũ mưu sinh đã choáng hết tâm hồn Nguyễn Thị Gấm. Gấm nghĩ, nếu như cha mẹ anh ấy còn sống chắc chắn sẽ không chấp nhận người con dâu què quặt như mình. Nhưng cả hai đều mồ côi, đều cô độc nên sẽ chẳng có rào cản nào. Và điều quan trọng nữa, tình yêu Cần dành cho Gấm vô cùng mãnh liệt. Và Gấm đã gật đầu làm vợ Cần, năm đó Gấm 27 tuổi.

3. Cuộc hôn nhân chỉ có hai người đồng ý, không mâm cao cỗ đầy, không áo cưới xe hoa. Họ tự tổ chức bữa cơm cúng cha mẹ hai bên về chứng giám. Sau đó, Nguyễn Văn Cần dọn đồ về quán tạp hóa của vợ ở rể. Từ ngày lấy vợ, ông Cần luôn dành mọi phần việc về mình. Ngày vợ báo tin có thai, ông bỏ hẳn xe bánh mỳ chạy về ôm vợ ăn mừng. Ông nói cười rôm rả, rủ rỉ hát một mình. Niềm vui theo ông cho đến tận ngày vợ hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, lành lặn và giống ông như đúc.

Để có tiền nuôi con, ngoài xe bánh mỳ bán dạo, ông bà lao vào chăn heo. Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào đàn heo. Cuối cùng heo bị dịch chết hết, để lại cho ông bà món nợ khổng lồ. Giữa lúc không có việc làm, chán nản với thời cuộc thì bà Gấm lại có thai. Sinh con trong muôn vàn khó nhọc và dị nghị của xóm làng: "Người thế mà đẻ nhiều thì lấy gì nuôi con".

Quay cuồng trả nợ không nổi, bà bàn với ông bán nhà cửa đất đai trả hết nợ rồi cả gia đình kéo nhau lên TP. Hồ Chí Minh bán vé số. Trả xong nơ,å bà còn hơn một trăm ngàn lận lưng lên thành phố. Một người bạn ở cô nhi viện năm xưa biết hoàn cảnh đã giúp đỡ vợ chồng bà tìm chỗ trọ và mua tặng đồ dùng sinh hoạt. Để duy trì cuộc sống, bà nhận may gia công tại nhà, còn ông Cần đi bán bánh, cái nghề quen thuộc ngày xưa của ông.

Vợ chồng bà Gấm cùng cậu con trai út và cháu nội.

Trải qua những năm tháng chung lưng đấu cật vun vén xây dựng tổ ấm, bây giờ thằng con trai lớn của ông bà đã lấy vợ sinh con, thằng út vừa học xong đại học. Họ đã cùng nhau đi qua cuộc hôn nhân kéo dài 40 năm trong đói khổ, chật vật nhưng chưa bao giờ ông hết yêu thương bà. Ông luôn là đôi chân, bờ vai của bà. Với bà, chồng và con chính là lẽ sống, là món quà quý hơn mọi món quà mà thượng đế ban tặng.

Ngày 20/10 vừa qua, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Bảo trợ người tàn tật TP. Hồ Chí Minh đến nhà ngỏ ý tài trợ cho ông bà một… đám cưới. Lúc đầu bà Gấm giãy nảy phản đối, bà bảo: "Vợ chồng tôi sống với nhau đến bạc đầu rồi còn cưới xin gì nữa".

Mọi người khuyên mãi và các con cũng động viên nhiệt tình nên bà miễn cưỡng gật đầu. Lần đầu tiên sau 40 năm làm vợ, bà Gấm được mặc áo cô dâu, được trang điểm lên khuôn mặt hằn dấu vết thời gian. Ông Cần ngượng ngùng khoác bộ comple thẳng tắp. Lễ cưới của họ có sự tham dự của con cháu và bạn bè, đến bây giờ bà Gấm vẫn còn lâng lâng. Bà tâm sự: "Vui không sao tả xiết, về nhà mấy đêm không ngủ được. Ngày đó vẫn như đang mơ". 

Ánh Xuân
.
.
.