6 giây đồng hồ

Thứ Ba, 24/07/2018, 17:32
Chỉ có 6 giây, một thí sinh lẽ ra trượt đã đỗ điểm cao chót vót. 6 giây sửa bài của một “tiểu quan” giáo dục của Hà Giang đã phù phép cho những thành tích vang dội làm cho các sĩ tử ở kinh đô cũng kinh hồn bạt vía.


Cũng chính vì cái bất thường đó mà vụ việc bị phanh phui và anh tiểu quan tên Lương sẽ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc. Ai đó trào lộng chế ra cái bìa sách "Em phải đến Hà Giang thi tốt nghiệp " với lời quảng cáo chua chát "Không cứ phải là thần đồng, không cứ phải học tốt, chỉ cần có phương pháp tổ chức thi tốt, mọi đứa trẻ đều tốt nghiệp xuất sắc".

Sự kiện này tự dưng đưa Hà Giang trở thành điểm nóng như một biểu trưng về gian lận thi cử. Thực tế có riêng Hà Giang không? Ngành giáo dục đang tiến hành ra soát lại không chỉ ở Hà Giang và đã có những biểu hiện bất thường ở những vùng khác. Với những tương phản quá thô ở Hà Giang thì đã rõ, còn những nơi nâng điểm tinh vi hơn thì sao?

Nếu nói việc gian lận đã được giải quyết thì đơn giản quá. Chỉ cần cơ quan chức năng ra tay là xong. Để giải quyết việc này, đâu phải chỉ những ông quan giáo dục hay các bậc quản lý cao hơn nhận trách nhiệm là xong. Chúng ta lên tiếng gay gắt với những "con sâu" phơi trước ánh sáng như họ là kẻ chịu trách nhiệm duy nhất. Còn lại là vô can sao?

Minh họa của Tả Từ.

Câu hỏi đặt ra là 114 sĩ tử được nâng điểm kia có phụ huynh là ai? Là người có quyền hay có tiền? Hay cả hai? Khi phụ huynh luôn có đủ "kỹ thuật cá nhân" để lách qua hàng phòng ngự dày đặc của pháp luật và liêm sỉ thì làm sao tránh được các phụ huynh... ghi bàn?

Thường nghe các phụ huynh hỏi nhau xem con cái vào trường mẫu giáo này, trường chuyên nọ, đại học kia "chạy" hết bao nhiêu? Sau đó là chạy vào cơ quan này, cất nhắc lên ghế nọ, ghế kia hết bao nhiêu? Cái sự "chạy" này đâu phải chỉ có một địa phương và đâu chỉ có bây giờ. Đó là tìm cách nhận ưu tiên bằng mọi giá, bất chấp pháp luật và đạo đức.

Hãy trắc nghiệm những người xung quanh xem trong đời đã ít nhất một lần từng "chạy" (được, bị) để bản thân, anh em, họ hàng nội ngoại, bố mẹ, con cháu, bạn bè được vào các trường, cất nhắc vị trí đã đơn giản hơn chỉ là lót tay phong bì cho các công việc, chăm sóc y tế... chưa? Nếu có mạnh dạn giơ tay! Nào. Bây giờ thì đếm tay. Điều này đã có thời là tối kỵ. Nhưng cuộc sống xô đẩy tới mức người ta đã coi đó là bình thường.

Nếu Olympic có môn "chạy ưu tiên" thì chúng ta sẽ không nhường ngôi cho bất cứ quốc gia nào. Quá đông "Running man" chứ không phải chỉ có một anh chàng thuở nọ.

Khi những tiêu cực được phơi bày, người ta tìm mọi cách chống chế. Kể cả việc xây biệt thự bằng chạy xe ôm, buôn chổi đót. Dù nói ra hay không nói ra, chúng ta đều thấy những tiêu cực, dối trá len lỏi xung quanh mình. 

Việc nhắm mắt làm ngơ cũng là một cách ứng xử để cho những tiêu cực có đất sống. Cộng đồng dù giận dữ với những "con sâu", nhưng nếu thiếu nghiêm khắc với bản thân thì thực trạng không thay đổi. Đây là vấn đề dân khí. Dân khí là điều quan trọng nhất của sự tồn vong của dân tộc. Những bằng chứng gian lận là hồi chuông báo động thực sự cho sự nguy hiểm.

Còn bạn. Bạn than thở thực trạng hay đang bắt tay vào thay đổi dân khí?

Lê Tâm
.
.
.