Amazon thưởng tiền cho nhân viên nghỉ việc

Thứ Năm, 14/06/2018, 09:59
Các nhân viên làm việc toàn thời gian tại Amazon có thể được thưởng 5.000 USD (113 triệu VNĐ) nếu làm đơn xin nghỉ việc.


Đây được xem là một giải pháp của “đế chế” thương mại điện tử để lọc ra số nhân viên thực sự muốn làm việc cho công ty.

Theo CNBC, mỗi năm một lần, Amazon sẽ trả cho các nhân viên có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên tại trung tâm hoàn thiện đơn hàng của hãng số tiền lên đến 5.000 USD nếu họ nghỉ việc tại công ty. Tuy nhiên, đây cũng là lời cảnh báo dành cho họ: Những người chấp nhận đề nghị này sẽ không còn cơ hội quay lại Amazon nữa.

Amazon gọi chương trình trên với tên “Pay to Quit” (Trả tiền để nghỉ việc), được phổ biến rộng rãi trong nhân viên. Cụ thể, nhân viên có thâm niên 1 năm sẽ được trả 2.000 USD, và mức chi trả sẽ tăng 1.000 USD mỗi năm thâm niên và mức trần sẽ là 5.000 USD. Tuy chiến thuật có vẻ lạ lùng và bất hợp lý, nhưng đây được cho là một trong những “nghệ thuật” giữ người tài cực kỳ hiệu quả của Amazon.

“Chúng tôi muốn những nhân viên làm việc tại Amazon cảm thấy mình xứng đáng được ở đây. Mục tiêu của chương trình ‘Pay to Quit’ là cho nhân viên cơ hội để suy nghĩ họ thực sự muốn gì. Ngoài ra, nó còn loại bỏ được những người chỉ vào đây và làm việc theo kiểu ‘cho có’ chứ không phải làm việc vì đam mê”, đại diện Amazon, bà Ashley Robinson, cho biết. Theo bà, những nhân viên không tham gia chương trình nhận tiền khi nghỉ việc sẽ cảm thấy tự hào và tận tâm với công việc hơn.

Chương trình “Trả tiền để nghỉ việc” này lần đầu tiên được hãng bán lẻ giày dép trực tuyến Zappos (công ty do Amazon mua lại vào năm 2009) đưa ra. Zappos đưa ra đề nghị với các nhân viên mới nhất, làm việc trong vòng vài tuần đầu. Mức “thưởng nghỉ việc” là 1.000 USD. Tuy nhiên, Amazon cho biết họ không thực sự muốn nhân viên chấp nhận đề nghị nghỉ việc trên. 

Theo nhà sáng lập Amazon kiêm CEO Jeff Bezos, trên thỏa thuận đề nghị thanh toán nghỉ việc với người lao động luôn có dòng chữ “Vui lòng đừng nhận đề nghị này”. Theo thống kê của công ty này, số người đồng ý nhận tiền và rời đi là rất ít.

Nhiều người cho rằng thói quen "cho tiền để nghỉ việc" này của Amazon có thể khiến gậy ông đập lưng ông, mất cả chì lẫn chài khi nhân viên thì ra đi, còn tiền thì lại mất thêm. Tuy nhiên, chuyên gia văn hóa nơi công sở Michael Burchell cho rằng giải pháp trên của Amazon thực sự tăng cường sự gắn bó của nhân viên và có hiệu quả về lâu dài. Theo ông Burchell, sự gắn kết của nhân viên thường là vì hai yếu tố: cam kết ở lại và nỗ lực tùy tình hình thực tế. Thực tế, bất cứ nhân viên nào từ chối đề nghị là họ đang “ký xác nhận” về mặt tinh thần với doanh nghiệp, tái cam kết gắn bó với doanh nghiệp, từ đó họ gắn bó hơn, làm việc hiệu quả hơn, giúp tăng lợi nhuận của Amazon.

Ngoài ra, chuyên gia Burchell cho rằng, với việc đưa ra đề nghị này, Amazon có thể loại bỏ những nhân viên lười nhác. Mặc dù sẽ tốn thêm nhiều chi phí trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới, song điều này sẽ có giá trị đối với Amazon về mặt tài chính trong tương lai. "Nếu bạn không nhận tiền nữa và chọn ở lại, chắc chắn khi đó bạn đã biết mình vừa đưa ra một quyết định quan trọng và sẽ đi theo con đường ấy, ngày một gắn kết hơn với công ty.

Theo nghiên cứu bởi Gallup và một số trường đại học đã chỉ ra rằng nhân viên có tinh thần gắn kết cao hơn sẽ thì năng suất làm việc tăng lên so với người khác. Đồng thời tốc độ thăng tiến sự nghiệp hoặc được đánh giá cao cũng vì thế mà đẩy nhanh hơn bình thường. Ngược lại, những ai chỉ đi làm lấy lệ, kiểu làm cho hết giờ thì xét cho cùng không tạo ra nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.

Văn Nguyễn
.
.
.