Ấn Độ:

Lập biệt đội chống đàn ông quấy rối tình dục

Thứ Năm, 01/02/2018, 17:57
Nạn hiếp dâm ở Ấn Độ ngày càng diễn biến phức tạp và không có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây, các nhóm mang tên "biệt đội săn Romeo" đã bắt giữ hàng trăm thanh niên trong bang Uttar Pradesh .


Những người đàn ông quấy rối phụ nữ trên đường được gọi là "Romeo đường phố" ở Ấn Độ. Một số người bị bắt giữ do cáo buộc quấy rối tình dục. Hầu hết đã được thả sau khi nghe răn đe và ký vào bản kiểm điểm về hành vi rình mò của mình...

Cảnh sát bang Uttar Pradesh thường xuyên bố trí người theo dõi hàng trăm người đàn ông lai vãng bên ngoài các trường nữ sinh để ngăn ngừa hành vi quấy rối tình dục đối với phụ nữ. 

Lãnh đạo bang Uttar Pradesh của Ấn Độ đã yêu cầu triển khai hàng trăm đội cảnh sát theo dõi những người đàn ông trẻ lảng vảng bên ngoài các trường cao đẳng, trường học và không gian công cộng của phụ nữ nhằm bảo vệ họ khỏi quấy rối tình dục.

Báo cáo của Cục Tội phạm Quốc gia cho biết trong năm 2017, bang này có số vụ phạm tội đối với phụ nữ cao nhất, trong đó có hơn 3.200 vụ cưỡng hiếp. Một số cặp đôi và người dân đã phàn nàn về cáo buộc của những "biệt đội săn Romeo". Sau khi nhận được cuộc gọi cho biết con trai mình bị biệt đội này bắt giữ, một người cha đã bày tỏ sự bất bình. 

"Công việc của cảnh sát không phải là quyết định xem nam giới có thể đứng ở chỗ nào và không được đứng ở đâu. Con tôi đã 19 tuổi, nó là một người trưởng thành. Thật vô lý khi lại gọi cho cha nó vì những chuyện như vậy", ông cho biết. Mới đây, người đứng đầu bang Uttar Pradesh đã chỉ thị cảnh sát chấm dứt làm phiền các đôi và yêu cầu các quan chức chính quyền đưa ra các hướng dẫn rõ ràng. 

Tiến sĩ Ranjana Kumari, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, nói: "Đây là một mánh lới quảng cáo. Thật không thể chấp nhận được nếu họ bắt đầu tấn công các cặp đôi. Chúng ta không ở thế kỷ 16 khi mà đàn ông và phụ nữ không thể đi cùng nhau hay ngồi trong công viên hoặc nắm tay".

Chính quyền thành phố New Delhi sẽ lập một đội đặc nhiệm nữ có võ để bảo vệ chị em khỏi nạn hiếp dâm - vấn đề nhức nhối trong xã hội Ấn Độ lâu nay.

Biểu tình chống hiếp dâm ở Ấn Độ.

Bộ trưởng mới về phúc lợi trẻ em và phụ nữ - bà Rakhi Birla - cho biết bà đang lập kế hoạch tuyển cựu quân nhân hoặc các chuyên gia võ thuật để đào tạo những phụ nữ tình nguyện tuần tra ở đường phố vào ban đêm. 

Nỗi lo sợ tình trạng mất an ninh và nạn hiếp dâm ở Ấn Độ ngày càng gia tăng sau vụ một nữ sinh viên 23 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể và giết ở Delhi. Vụ việc khiến người dân biểu tình khắp Delhi và Ấn Độ, buộc chính phủ phải ban hành luật mới và trừng phạt thích đáng hơn đối với những kẻ hiếp dâm và tấn công tình dục. 

Mặc dù người dân bức xúc và chính phủ ban hành luật chặt chẽ hơn, New Delhi vẫn chứng kiến những vụ việc đau lòng về nạn cưỡng hiếp. Số vụ tấn công tình dục cũng tăng vọt trong năm 2015 so với năm 2014. Cụ thể, năm 2014, 806 vụ cưỡng dâm xảy ra ở Ấn Độ. 10 tháng đầu năm 2015, con số là 1.430.

Bà Birla tin rằng lực lượng đặc nhiệm nữ sẽ giúp đường phố an toàn hơn. Bà nói: "Hệ thống của chúng ta có rất nhiều kẽ hở. Chúng ta cần có biện pháp khắc phục để đảm bảo hệ thống giao thông công cộng an toàn cho phụ nữ vào ban đêm. Chúng tôi bắt đầu với nhóm phụ nữ. Họ sẽ được các cựu quân nhân và chuyên gia võ thuật đào tạo. Điều thú vị là nhiều phụ nữ hơn nam giới đang tham gia vào lực lượng. Đây là một dấu hiệu tích cực". 

Tân bộ trưởng còn có kế hoạch tuyển 5.000 tài xế nữ để chị em phụ nữ bớt lo sợ mỗi khi tham gia phương tiện công cộng vào ban đêm.

Bộ Viễn thông Ấn Độ đã ban hành quy định bắt đầu từ cuối năm 2017, tất cả điện thoại được bán ra ở nước này phải có nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục. 

Ravi Shankar Prasad - Bộ trưởng Bộ Giao thông Công nghệ thông tin Ấn Độ - khẳng định: "Công nghệ có thể giúp cuộc sống con người tốt hơn cũng như bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ". Vì vậy, nước này đã công bố số 112 trong trường hợp khẩn cấp, tương tự số 999 ở Anh và 911 ở Mỹ, cho phép công dân gọi nhanh chóng xe cảnh sát, xe cứu thương hoặc nhân viên cứu hỏa. 

Tuy nhiên, xem ra số khẩn cấp này chưa phát huy hiệu quả nên Bộ Viễn thông đã ra quy định yêu cầu các hãng sản xuất điện thoại phải tích hợp thêm nút báo động hành vi quấy rối và tấn công tình dục.

Nguyễn Lai
.
.
.