Ấn Độ: Nỗ lực ngăn chặn nạn phân biệt giới tính

Chủ Nhật, 19/04/2020, 11:45
Nạn phân biệt giới tính ở Ấn Độ vô cùng nghiêm trọng, mặc dù những năm gần đây chính quyền đã vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, những hủ tục, định kiến cổ hủ từ xa xưa vẫn phát triển mạnh mẽ trong suy nghĩ của những người dân nơi đây, đặc biệt là ở những vùng quê nghèo, chưa phát triển tại Ấn Độ.


Và việc "cầm tù" phụ nữ có kinh nguyệt chính là một trong những nạn phân biệt giới tính đó. Ở nơi đây, chỉ khoảng 20% phụ nữ được tiếp cận với vật dụng thiết yếu cho kì kinh nguyệt, còn những người còn lại họ không được giảng dạy về kiến thức sinh học. Khi đến kì kinh nguyệt, những người phụ nữ sẽ không được tiếp xúc với mọi người ngoài xã hội và đền thờ. 

Thậm chí, có những nơi, người phụ nữ đến chu kì sinh lý sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, không được vào bếp, chạm vào đồ ăn vì họ cho rằng những người như vậy "không thuần khiết", nếu những người phụ nữ ấy chạm vào đồ ăn, tiếp xúc với mọi người, đền thờ thì được coi là "bị vấy bẩn". 

Thậm chí, tại Sitatola - một ngôi làng ở bang Maharashtra, miền trung Ấn Độ còn dựng sẵn những túp lều tên là "gaokor",  làm nơi trú ngụ của những người phụ nữ đến kì kinh nguyệt. 

Các túp lều lỏng lẻo hoang sơ bị dột nát khi mùa mưa đến, được dựng gần bìa rừng, người phụ nữ khi đến kì kinh nguyệt sẽ phải di chuyển đến những "gaokor" như thế và người nhà sẽ đưa đồ ăn đến đó. Họ bị cầm tù cho đến khi chu kì sinh lý đi qua, vào ban đêm, họ đều nơm nớp lo sợ với thú dữ từ rừng hoặc bị bắt cóc, hiếp dâm. Đã có một số người phụ nữ bị rắn cắn chết khi đang ngủ ở "gaokor". 

Poornima Javardhan (25 tuổi) cảm thấy sợ hãi và lo lắng vì mỗi tháng đều phải đến ở "gaokor" 5 ngày. Có hơn 200 "gaokor" như vậy quanh khu vực này và tất cả đều rất đơn sơ. Nơi đây, những người phụ nữ sẽ tự trải tấm đệm để nằm ngủ dưới sàn nhà, vì bị cho là vấy bẩn thức ăn nên các "gaokor" sẽ không có bếp, mà chỉ được xây dựng thêm một nhà tắm đơn sơ bằng tre để khi hết chu kì kinh nguyệt, họ sẽ tắm rửa thật sạch sẽ mới được về nhà. 

Tập tục xua đuổi phụ nữ và bé gái khi đến kì kinh nguyệt phổ biến nhất trong các tộc người Gonds và Madiya. Gonds là nhóm bản địa lớn nhất ở miền Trung Ấn Độ và đến từ các bang Maharashtra, Chhattisgarh, Andhra Pradesh và Orissa. 

Những bé gái sẽ phải nghỉ học khi họ đến kì kinh nguyệt. Ước tính khoảng 23% bé gái phải bỏ học hẳn khi dậy thì tại Ấn Độ. Đến kì kinh nguyệt, các bé gái phải bỏ lỡ các bài kiểm tra của mình, vì vậy có rất ít bé gái trong khu vực này học trên trung học.

Bé Sangita Kumra (14 tuổi) nói: "Con không muốn đến "gaokor" ở khi đến kì sinh lý nhưng vẫn may mắn vì tại đây có rất nhiều người như con, con không phải sống ở "gaokor" một mình. Mẹ con nói với con rằng đây là phong tục và tất cả phải thực hiện theo". 

Satisheela Haridas (23 tuổi) đến từ Sitatola (Ấn Độ) cũng phải cam chịu số phận của mình: "Tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ vì không thể chạm vào các dụng cụ trong nhà bếp của mình. Nhưng tôi có thể làm gì khác? Chúng tôi phải tuân theo truyền thống và phong tục của mình. Hầu hết thời gian chúng tôi chỉ ngồi và nói chuyện trong "gaokor" bởi vì khi chúng tôi chạm vào cái gì thì đều bị cho là vấy bẩn nó".

"Làng của những phụ nữ không tử cung"

Phần lớn phụ nữ, đặc biệt là những người từ các gia đình nghèo, không có trình độ học vấn, họ buộc phải đưa ra lựa chọn để giải quyết vấn đề kinh nguyệt. Ở miền Tây bang Maharashtra, Ấn Độ - nơi có nhiều phụ nữ trẻ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung của mình. Họ làm điều này là để mưu sinh và không bị kì thị. 

Những người phụ nữ ở đây, đều là công nhân thu hoạch mía. Mỗi năm, hàng chục ngàn gia đình nghèo từ các quận Beed, Osmanabad, Sangli và Solapur (Ấn Độ) sẽ di cư đến các quận phía Tây nơi trù phú hơn - được gọi là "vành đai đường", để làm việc trong sáu tháng để thu hoạch mía thuê. 

Khi đó, những người phụ nữ nghèo này sẽ là những nô lệ cho bọn chủ thầu mía, tên chủ sẽ dùng mọi cách để vắt kiệt sức lao động của họ. Những người chủ thầu không muốn thuê phụ nữ có kinh nguyệt vì sợ những công nhân của mình sẽ giảm năng suất làm việc trong ngày sinh lý đến. 

Điều kiện sống tại nơi làm việc của những công nhân nghèo rất khổ cực, họ sống trong những túp lều gần cánh đồng mía, không có nhà vệ sinh và vì việc thu hoạch đôi khi phải thực hiện ngay cả vào ban đêm, không có thời gian cố định để ngủ hoặc thức dậy nên rất khổ sở cho người phụ nữ. 

Do điều kiện vệ sinh kém, nhiều phụ nữ bị nhiễm trùng, các bác sĩ vô đạo đức thì chuẩn đoán và phẫu thuật cho những người phụ nữ này mặc dù bệnh họ rất nhẹ, chỉ cần một vài liều thuốc là khỏi. Sức khoẻ của những người phụ nữ ở đây dần yếu đi vì các cuộc phẫu thuật vô nhân đạo. 

Vẫn còn những định kiến hà khắc với phụ nữ ở Ấn Độ. 

Hầu hết phụ nữ ở những khu vực này đều là vấn nạn của tảo hôn, nhiều người có hai đến ba con khi họ mới bước sang tuổi 20 và họ nghĩ tử cung của mình đã hoàn thành xong nhiệm vụ nên quyết định cắt bỏ nó. 

Các bác sĩ vô nhân đạo thì không nói cho họ những tác hại, sự thay đổi khi không có tử cung mà sẽ phẫu thuật luôn cho họ, những người phụ nữ này sẵn sàng cắt bỏ tử cung vì công việc, tránh ánh mắt kì thị của người khác. Điều này đã biến một số ngôi làng trong khu vực thành "làng của những phụ nữ không tử cung". 

Sau khi vấn đề này được đề cập tại hội nghị nhà nước bởi nhà lập pháp Neelam Gorhe, Bộ trưởng Y tế Maharashtra Eknath Shinde thừa nhận rằng đã có 4.605 ca cắt tử cung ở quận Beed (Ấn Độ) trong ba năm gần đây.

Ở quận Beed (Ấn Độ) cứ từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, 80% dân làng di cư đến làm việc trên cánh đồng mía và đa số những phụ nữ ở đây đã cắt bỏ tử cung của mình trong khi họ chỉ từ 20-40 tuổi. Nhiều phụ nữ đã nói rằng sức khỏe của họ bị suy giảm khi phải trải qua phẫu thuật. 

Một người phụ nữ đã nói về "cơn đau dai dẳng ở lưng, cổ và đầu gối", mỗi khi thức dậy vào buổi sáng thì "bàn tay, mặt và chân bị sưng". Một người khác phàn nàn về việc "chóng mặt liên tục", vì thế cô không thể đi bộ ngay cả khi khoảng cách rất ngắn. Kết quả là những người phụ nữ ấy đều không còn sức khoẻ để làm việc. 

Ở miền Nam bang Tamil Nadu (Ấn Độ) cũng thảm khốc không kém. Phụ nữ làm việc trong ngành may mặc trị giá hàng tỉ đô la đang bị bắt uống những loại thuốc không nhãn mác để họ không bị mất năng suất trong kì kinh nguyệt. 

Theo Tổ chức Thomson Reuters Foundation, dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 100 phụ nữ, các loại thuốc này hiếm khi được cung cấp bởi các chuyên gia y tế. Các nữ công nhân ở đây đều không được biết tên của loại thuốc hay cảnh báo về tác dụng phụ của loại thuốc đó. Nhiều nữ công nhân cho rằng, khi uống loại thuốc này họ đã bị trầm cảm, nhiễm trùng đường tiết niệu, u xơ và sẩy thai. 

Các báo cáo buộc chính quyền phải hành động, Ủy ban phụ nữ quốc gia đã miêu tả tình trạng của phụ nữ ở Maharashtra là "thảm hại và khốn khổ", yêu cầu chính quyền bang ngăn chặn những "hành động tàn bạo" đó trong tương lai. Tại Tamil Nadu, chính phủ hứa rằng sẽ chú tâm theo dõi sức khỏe của các nữ công nhân hơn.

Những định kiến hà khắc

Mới đây nhất, vào ngày 11/2, tại ký túc xá ở thành phố Bhuk, bang Gujarat phía Tây Ấn Độ, 68 nữ sinh đã bị lột đồ để kiểm tra đồ lót nhằm xem họ có đến kì kinh nguyệt hay không. Các cô gái trẻ đều là sinh viên của Học viện nữ Shree Sahajanand, được điều hành bởi giáo phái Swaminarayan - một nhóm tôn giáo Ấn Độ giàu có và bảo thủ, họ bắt buộc những nữ sinh khi đến kì kinh nguyệt phải tuân theo quy tắc kinh nguyệt. 

Quy tắc này như sau: không được phép chạm vào những bạn học khác, không được đi chùa, những nơi tôn giáo, vào giờ ăn phải ngồi xa mọi người, trong lớp học họ sẽ ngồi ở băng ghế cuối cùng và những nữ sinh ấy sẽ bị đuổi ra khỏi kí túc xá cho đến khi hết kì kinh nguyệt mới được quay lại. 

Sự việc lột đồ nữ sinh để kiểm tra nguyên nhân là do người quản lý ký túc xá phàn nàn với Hiệu trưởng trường đại học rằng một số sinh viên đã vi phạm quy tắc kinh nguyệt. Người quản lý ký túc xá đã thấy những nữ sinh đang hành kinh đi vào bếp, giao lưu với chủ trọ ngoài trường, hay những nữ sinh vẫn đi đến gần chùa. 

Vậy là ngày 11/2, nhân viên ký túc xá và Hiệu trưởng đã lạm dụng quyền hành của mình bắt buộc 68 nữ sinh phải cởi đồ trước cửa nhà vệ sinh để kiểm tra trực tiếp xem họ có kinh nguyệt hay không. Những nữ sinh đã kể lại rằng những gì xảy ra với họ là một "trải nghiệm rất đau đớn", điều này khiến họ bị "tra tấn và chấn thương tinh thần". 

Cha của một sinh viên kể rằng, khi ông đến trường thăm con, con gái của ông và một số sinh viên khác đã khóc vì cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm. "Họ đang bị sốc", ông nói.

Nữ sinh viên tụ tập bên ngoài Học viện nữ Shree Sahajanand, Ấn Độ. 

Một nhóm sinh viên đã tổ chức một cuộc biểu tình trong khuôn viên trường, yêu cầu chấm dứt ngay những hành động được cho là "làm nhục" nữ sinh của Ban Giám hiệu nhà trường. Người đại diện cho Trường Đại học Pravin Pindoria đã phải lên tiếng và nói rằng điều này là "không may" và hứa sẽ điều tra làm rõ để chấm dứt vụ việc trên. Nhưng Darshana Dholakia - Phó hiệu trưởng của trường đại học đã đổ lỗi cho các sinh viên, cô nói rằng: "Những nữ sinh ấy đã vi phạm các quy tắc kinh nguyệt và họ bắt buộc phải xin lỗi". 

Tuy nhiên, một số sinh viên cho rằng, họ hiện đang chịu áp lực từ chính quyền nhà trường, họ bị bắt buộc phải im lặng và chấm dứt việc biểu tình cũng như là lan truyền thông tin này. Vào thứ sáu ngày 14/2, Ủy ban phụ nữ nhà nước Gujarat (Ấn Độ) đã ra lệnh điều tra làm rõ sự việc này và yêu cầu các sinh viên "tiến lên và nói vì sự bất bình của mình" và họ sẽ viết đơn khiếu nại hộ các nữ sinh.

Đây không phải là lần đầu tiên các sinh viên nữ bị "làm nhục" công khai, vì trước đó đã từng có trường hợp tương tự ở Ấn Độ vào 3 năm trước: 70 nữ sinh bị bắt cởi đồ tại một trường dân lập ở miền Bắc Ấn Độ bởi Tổng phụ trách, khi cô nhìn thấy máu trong phòng tắm của nhà trường. Phân biệt đối xử với phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt đã và đang phổ biến ở Ấn Độ, họ coi những người phụ nữ ấy đang "không sạch sẽ và thuần khiết". Họ thường bị loại khỏi các sự kiện xã hội, tôn giáo, bị từ chối vào đền thờ, đồng thời buộc phải tránh xa nhà bếp. 

Phụ nữ có trình độ học vấn ở thành thị đã có ý thức đấu tranh nạn phân biệt giới tính, trong vài năm qua, các hiệp hội phụ nữ đã được mở ra, được coi như là bước đầu chiến đấu lại toà thành khổng lồ vững chắc của những hủ tục lâu đời phân biệt giới tính.

Nỗ lực của chính phủ

Chính quyền đã nỗ lực bắt tay vào làm việc các quản trị viên địa phương đã cung cấp các tiện nghi cơ bản như nước và tủ chén với đĩa và cốc cho 100 "gaokor". 

Vào tháng 9/2015, "gaokor" được cho là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người của phụ nữ, Ủy ban Nhân quyền quốc gia (NHRC) đã chỉ đạo chính quyền Maharashtra thực hiện các biện pháp hiệu quả để xóa bỏ tập tục trong dân tộc bộ lạc, trong đó phụ nữ bị buộc phải sống ở một nơi biệt lập trong kỳ kinh nguyệt là hoàn toàn sai trái. 

Một lá thư của NHRC gửi cho chính quyền Maharashtra nói: "Ủy ban coi đó là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người... Nó liên quan đến sự an toàn, vệ sinh và nhân phẩm của họ... Ủy ban chỉ đạo rằng chính quyền Maharashtra đưa ra sáng kiến đúng đắn để xóa bỏ phong tục "gaokor"".

Hàng chục ngàn phụ nữ làm nghề thu hoạch mía ở Ấn Độ.

"Chúng tôi mở một ngôi trường nơi 350 cô gái được giáo dục rằng kinh nguyệt là một quá trình tự nhiên. Chúng tôi tin rằng tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ giáo dục" theo Jagan Bhau của Lok Biradari Prakalp - một tổ chức điều hành các dự án xã hội ở Maharashtra. 

Chính phủ đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách tăng nhận thức về sức khỏe và vệ sinh cho phụ nữ. Rất nhiều dự án đã được thành lập như: mở 12 hội thảo tại các ngôi làng xa xôi để giáo dục rằng kinh nguyệt là một quá trình tự nhiên, nó không hề xấu; làm việc với các trung tâm chăm sóc trẻ em do chính quyền địa phương tài trợ; ghé thăm "gaokor" để nói chuyện với phụ nữ về kinh nguyệt. "Vì đây là một chủ đề nhạy cảm, chúng tôi cố gắng giáo dục họ về sức khỏe và vệ sinh mà không đề cập đến gaokor", theo Jagan Bhau.

Ở Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài quốc gia khác, phụ nữ được nghỉ làm một ngày trong tuần. Nhiều công ty tư nhân Ấn Độ cũng áp dụng quy định tương tự. "Ở Ấn Độ cũng vậy, chính quyền bang Bihar đã cho phép nhân viên nữ nghỉ thêm hai ngày mỗi tháng kể từ năm 1992 và dường như hoạt động rất tốt", Urvashi Prasad - chuyên gia chính sách công tại chính phủ Ấn Độ. 

Và năm ngoái, một nữ Nghị sĩ đã lập một dự luật quyền lợi kinh nguyệt trong Quốc hội và đề nghị bổ sung thêm quyền của phụ nữ ở nước này được nghỉ hai ngày mỗi tháng. Bà Prasad nói rằng có nhiều thách thức trong việc thực hiện các chính sách  ở một đất nước rộng lớn như Ấn Độ, đặc biệt là trong khu vực phi chính thức. N

hưng, bà nói: "Nếu sự khởi đầu được thực hiện thành  công trong khu vực chính thức, nó chính là dấu hiệu cho sự thay đổi trong suy nghĩ và giúp xóa bỏ sự kỳ thị phụ nữ có kinh nguyệt của người dân Ấn Độ. Vì vậy, những gì chúng ta cần là "chăm sóc" kĩ hơn những khu vực phi chính thức và chúng ta cần những người ở phía trên để gửi tín hiệu đúng".  

Dự luật về quyền lợi kinh nguyệt là một dự luật của thành viên tư nhân nên chưa có quyền hạn rộng, nhưng nếu nó trở thành luật, điều đó sẽ có lợi cho những phụ nữ làm việc trong các nhà máy may mặc của Tamil Nadu (Ấn Độ). 

Nhưng các biện pháp phúc lợi như vậy hiếm khi mang lại lợi ích cho những chủ thầu của khu vực rộng lớn phi chính thức của Ấn Độ, điều đó có nghĩa là những người phụ nữ như những người làm việc trên cánh đồng mía của Maharashtra sẽ vẫn phải nhờ vào sự thương xót của các nhà thầu của họ. 

Năm 2018, Tòa án tối cao của Ấn Độ đã mở cánh cửa đền thờ Sabarimal cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi, toà án còn tuyên bố rằng việc đuổi phụ nữ ra khỏi đền ở bang Kerala miền Nam Ấn Độ là phân biệt đối xử. Những hành động của toà án tối cao Ấn Độ đã mang một bước ngoặt, mở rộng thêm cánh cửa tự do cho người phụ nữ nơi đây.

Khánh Hà (tổng hợp)
.
.
.