Ấn Độ đối mặt với vấn nạn trọng nam khinh nữ

Thứ Hai, 21/10/2019, 13:30
Một bé gái mới 4 ngày tuổi đã được cứu thoát sau khi bị chôn sống ở nghĩa trang phía Bắc Ấn Độ, nơi tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng.


Em bé may mắn được cứu thoát tại một nghĩa trang ở bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ, bởi một cặp vợ chồng đang chôn đứa con của chính họ sau khi mất đứa bé tại bệnh viện.

"Khi họ đào mộ cho đứa trẻ, ở độ sâu 3 ft (90 cm), chiếc xẻng đã va phải một bình đất nung. Họ kéo nó ra và có một đứa bé đang nằm trong đó. Khu vực em bé bị chôn tương đối cô lập, chúng tôi nghi ngờ cháu bé đã bị chôn từ 4 đến 6 tiếng trước khi may mắn được cặp vợ chồng giải cứu. Một cuộc điều tra đã được mở để xác định cha mẹ đẻ của đứa bé, họ có thể bị buộc tội giết người và bỏ rơi trẻ em”, ông Abhinandan Singh, Cảnh sát trưởng quận Bareilly cho biết.

Triển lãm kêu gọi không lựa chọn giới tính thai nhi ở Amiristar, Ấn Độ, nơi vẫn nặng nề quan niệm "trọng nam khinh nữ".

Theo bà Alka Sgarna, bác sĩ phụ trách điều trị cho bé gái, cháu bé chỉ nặng 1,5kg và hiện đang được điều trị tại phòng chăm sóc tích cực của bệnh viện vì bé có vấn đề về hô hấp và cần phải thở máy, ngoài ra cháu bé có vài chỗ bị nhiễm trùng.

Bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ nhiều năm qua khi tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh lớn nhất toàn cầu. Trong xã hội gia trưởng như Ấn Độ, con trai được coi là trụ cột gia đình tương lai và có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già. Còn con gái thường bị coi là “tốn kém” vì các cha mẹ có con gái phải chịu áp lực dành tiền của hồi môn cho con gái khi lấy chồng, mặc dù phong tục này đã bị cấm từ năm 1961.

Vì vậy, những phụ nữ đã lập gia đình phải đối mặt với sức ép cực kỳ to lớn là sinh con trai để nối dõi tông đường, làm trụ cột trong gia đình cũng như chăm sóc cha mẹ già. Sự phát triển của các thiết bị siêu âm gọn nhẹ và giá rẻ, không chỉ ở thành phố mà còn được đưa đến các ngôi làng vùng sâu vùng xa, đã khiến cho tỷ lệ nạo phá thai (do thai nhi là nữ) tăng vọt.

Mới đây, chính quyền quận Uttarkashi, bang Uttarakhand ở phía Bắc Ấn Độ sửng sốt khi phát hiện không có đứa trẻ nào trong số 216 đứa trẻ sinh ra ở hơn 132 ngôi làng trong 3 tháng là con gái. Chính quyền Uttarkashi cho biết tỷ lệ sinh sản ở đây đang ở mức “báo động” và có dấu hiệu nạo phá thai nhi chọn lựa giới tính tràn lan.

Ấn Độ đã cấm lựa chọn giới tính thai nhi từ năm 1994 nhưng tình trạng nạo phá thai nữ vẫn tiếp diễn ở đất nước này. Ông Ashish Chauhan, Thẩm phán của quận Uttarkashi cho biết theo số liệu của Sở Y tế địa phương, tỷ lệ sinh con gái của vùng này rất “đáng nghi và là dấu hiệu rõ ràng của việc lựa chọn giới tính thai nhi”.

Bé gái bị chôn sống hiện đang được điều trị tại bệnh viện.

Năm ngoái, cảnh sát đã phát hiện 19 vụ lựa chọn giới tính thai nhi ở gần một bệnh viện tại bang Maharashtra. Họ bị phát hiện khi các cảnh sát đang điều tra cái chết của một phụ nữ trong lúc nạo phá thai bất hợp pháp.

Thành viên Hội đồng Lập pháp, ông Gopal Rawat cho biết: “Thật kinh ngạc khi tỷ lệ sinh con gái chỉ bằng 0% ở 132 ngôi làng trong một quận, trong khi chúng tôi không nhận được bất kỳ báo cáo nào liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi ở vùng này.

Tôi đã liên lạc trực tiếp với sở y tế để tìm ra nguyên nhân thật sự phía sau con số báo động này và để tìm ra giải pháp kịp thời cho vấn đề”. Ông còn cho biết thêm rằng các nhà chức trách cũng sẽ tiến hành “chiến dịch nâng cao nhận thức” với hy vọng sẽ đẩy lùi được xu hướng này.

Báo cáo Khảo sát kinh tế 2017-2018 cho thấy các cặp vợ chồng ở quốc gia này có xu hướng tiếp tục sinh con cho đến khi có con trai, dẫn tới sự ra đời của 21 triệu bé gái được coi là “không được mong đợi”. Thích sinh con trai cộng với sự sẵn có của các dịch vụ chọn lọc giới tính, dù không hợp pháp ở Ấn Độ, đã khiến cho quốc gia này “thiếu hụt” 63 triệu nữ giới, báo cáo cho hay.

Hiện Ấn Độ là một trong những quốc gia bị chênh lệch giới tính nhất trên thế giới, với tỷ lệ 107 nam/100 nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ sinh tự nhiên là 105 nam/100 nữ. Năm 2018, Ấn Độ xếp hạng 130 trên 151 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Bình đẳng giới của Liên hợp quốc.

Ngọc Trang
.
.
.