Ăn cơm từ thiện: Nên hay không nên?

Chủ Nhật, 29/10/2017, 15:56
Ðã từ lâu, tại một số chùa và tu viện đã có những bữa ăn miễn phí cho người nghèo, chủ yếu vào các ngày cuối tuần. Những nhà thiện nguyện góp tiền, gạo, công sức để tổ chức nấu những bữa cơm miễn phí. Có những nhóm thiện nguyện góp tiền nấu cơm và phát cho những bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện.


Cũng với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của người Việt... có rất nhiều quán cơm từ thiện 5.000 đồng, 3.000 đồng, 2.000 đồng và thậm chí chỉ 1.000 đồng đã được mở ra nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn như người vô gia cư, lao động nghèo, người bệnh hay sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thế nhưng vào ngày 11-10 vừa qua, việc đăng tải tấm hình chụp nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh của anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - với dòng chia sẻ “Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Chẳng lẽ các bạn hy vọng các bạn sống nhờ từ thiện cả đời hay sao?...” đã khiến dư luận đưa ra những ý kiến trái chiều.

Những người đồng tình cho là anh nói cũng có lý, rằng sinh viên sức dài vai rộng hoàn toàn có thể làm thêm để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Hiện nay công việc làm thêm khá nhiều như: phụ quán ăn, phục vụ nhà hàng tiệc cưới, làm gia sư, shipper bán hàng online... 

Mà các bạn sinh viên lại là những người ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, “sức dài vai rộng”, hơn nữa lại là người có học thức thì các bạn ấy hoàn toàn có thể kiếm tiền và mua thức ăn bằng mồ hôi, công sức của mình. 

Những suất cơm từ thiện nên dành cho những người thực sự khó khăn và cần hơn. Chỉ trong những trường hợp thật đặc biệt các bạn mới nên ghé quán, và trong những trường hợp như vậy còn có thể thông cảm được.

Vậy nhưng nhiều người lại không đồng quan điểm những dòng chia sẻ của anh Vũ Tuấn Anh. Họ cho rằng anh đã thực sự không hiểu và không thông cảm với hoàn cảnh của các bạn sinh viên khi đến đây. 

Bởi nhiều bạn sinh viên đến từ những miền quê nghèo, cha mẹ làm nông vất vả, tiền bán cả vụ lúa cũng không đủ đóng học phí cho con, chưa nói đến tiền nhà trọ, ăn uống, chi phí đi lại.... Nên việc đến quán cơm từ thiện cũng là một cách để các bạn ấy có thể “ấm bụng”. 

Nhiều khi cái lòng tự trọng có đấy mà không biết phải làm sao khi tiền làm thêm, tiền cha mẹ gửi cũng không đủ chi trả hàng tháng, thôi thì có người ta giúp, mình nhận “ăn cái đã” sau này có cơ hội sẽ phụ giúp người khác sau vậy.

Quán cơm từ thiện, mà đã làm từ thiện thì không thể có sự phân biệt nào cả: ai đến quán cũng đều được nhìn nhận là những người gặp khó khăn, đều được phục vụ như nhau, vậy thôi. 

Chỉ những người lười lao động, ỷ lại mới đáng lên án bởi đã làm tổn thương lòng tốt của những người hảo tâm với người nghèo. Không tranh phần của người nghèo đấy là tự trọng tối thiểu của mỗi người. Những ai nếu vào đây mà trong túi có nhiều hơn 2.000 đồng, nếu ăn họ nên móc túi ủng hộ nhiều hơn.

Kim Bằng
.
.
.