Khoảng lặng ngày thứ năm

Ấn ơi là ấn…!?

Thứ Sáu, 17/02/2012, 11:59

Ngẫm ra mới thấy cái ấn hay thiệt. Bởi vì nếu không có nó, cùng với niềm tin về sự một sự "thăng quan tiến chức" gắn liền với nó thì làm sao chúng ta biết được tham vọng quyền lực trong xã hội lại cao đến thế, và lại được gần như mọi giai tầng sẵn sàng phô bày một cách nhốn nháo nhộn nhạo đến như thế?

Những ngày đầu năm, tôi đi nhiều và nghĩ nhiều đến các lễ hội ở đền chùa, miếu, mạo. Và tôi nghĩ rất nhiều đến lễ "khai ấn đền Trần" chuẩn bị diễn ra. Cái nghi lễ mà suốt bao năm luôn diễn ra trong cảnh chen lấn xô đẩy, khiến cho nhiều người sau đó phải ngất xỉu vào bệnh viện. Cái nghi lễ mà thời gian qua đã được bàn đi tính lại, cải cách lên cải cách xuống, nhưng nói như chính những nhà tổ chức thì nguy cơ chen lấn - nguy cơ quá tải - nguy cơ ngất xỉu của người đi "cướp ấn" năm nay cũng không nhờ đó mà hạ nhiệt.

Ngẫm ra mới thấy cái ấn hay thiệt. Bởi vì nếu không có nó, cùng với niềm tin về sự một sự "thăng quan tiến chức" gắn liền với nó thì làm sao chúng ta biết được tham vọng quyền lực trong xã hội lại cao đến thế, và lại được gần như mọi giai tầng sẵn sàng phô bày một cách nhốn nháo nhộn nhạo đến như thế? Nếu không có cái ấn - công cụ thỏa mãn giấc mộng phù hoa trong niềm tin dân gian thì  làm sao chúng ta biết được rằng lại có một số lượng khổng lồ những con người trong xã hội đặt niềm tin vào việc có thể làm ông nọ bà kia nhờ những phương thức mang nặng màu sắc tâm linh, thay vì việc phải tu dưỡng chuyên môn và đạo đức của mình? Có nghĩa là cái ấn đã vô tình trở thành một thứ "nhiệt kế xã hội" mà thông qua nó chúng ta cũng đã vô tình "đo" được rất nhiều vấn nạn, trong đó nổi bật nhất là vấn nạn đam mê quyền lực.

Minh họa của Lê Tâm.

Tôi đã nghĩ và vẫn sẽ nghĩ thế này: Nếu không có cái ấn đền Trần, chúng ta sẽ chỉ biết một cách chung chung rằng sự đam mê quyền lực vốn là một đam mê  bản thể của con người, và vì thế chắc chắn là một đam mê có thật trong xã hội chúng ta. Nhưng quả nhiên là phải nhờ đến cái ấn  - cục nam châm thu hút cả trăm, cả ngàn con người vào một cuộc chen lấn xô đẩy thì chúng ta mới có những bằng chứng dữ dội cho những suy nghĩ về sự đam mê ấy, và mới biết rằng nó thậm chí đã được phát tiết ra ngoài một cách điên cuồng, lố bịch.

Lạy Đức thánh Trần, ở trên tòa cao của ngôi đền thiêng liêng, không biết ngài có tự hỏi là trong dòng người tạo nên sự lố bịch kia, có bao nhiêu người đến đây vì thực sự thành kính ngài, và có bao nhiêu người đến đây chỉ để thỏa mãn giấc mơ quyền lực? Và không biết là ngài có thấy đau xót khi phải chứng kiến những hậu duệ, con cái mình vì giấc mơ quyền lực mà sẵn sàng chen chúc, chà đạp lên nhau?

Lạy Đức thánh Trần, ngài có tin rằng bây giờ chỉ cần thay đổi ý nghĩa của cái ấn - rằng người có ấn không phải là người sẽ công thành danh toại, mà sẽ là người có thể và chỉ có thể đi lên nhờ năng lực thật sự của mình thì ngay lập tức ngày khai ấn đền Trần sẽ vắng hoe vắng hắt hay không?

Có khi ông Thánh tạo ra cái ấn không phải để đem lại sự may mắn, mà để đo lòng tham của con người cũng nên!? Mà nếu đúng ông Thánh đã quyết đo lòng tham con người thì ông cũng sẽ có nhiều biện pháp trừng trị những kẻ tham lam thái quá.

Nếu đúng như vậy thì tất cả những ai đã từng chà đạp lên  đồng loại của mình để có được cái ấn giờ có lẽ đang phải đau đớn thốt lên: ấn ơi là ấn!

Phan Đăng
.
.
.