Anh:

Cảnh sát phải làm thêm để kiếm sống

Thứ Hai, 27/08/2018, 07:01
Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales vừa tiết lộ một thông tin gây sốc là các nhân viên cảnh sát của nước này phải dùng đến phiếu thực phẩm để nuôi sống gia đình. Đó là chưa kể đến một số lượng kỷ lục các nhân viên cảnh sát buộc phải nhận thêm công việc thứ 2 để trang trải cuộc sống hàng ngày.


Tờ Independent đã ngay lập tức gọi đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng trong lịch sử cảnh sát Anh. 27.000 nhân viên cảnh sát đã trả lời phỏng vấn về cuộc khảo sát lương và tinh thần làm việc do Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales thực hiện. 

Theo đó, 8% trong số này khẳng định, họ thường xuyên phải làm thêm hoặc kiếm công việc thứ 2 để tăng thêm thu nhập và vì thế họ không có thời gian rảnh, nghỉ ngơi. So với con số thống kê 6% của năm ngoái thì con số này đã tăng thêm 2%. 

Hơn 45% nhân viên cảnh sát Anh cho biết, họ lo lắng về tài chính hàng ngày. ảnh: Expressandstar.

Ngoài ra, còn hơn 70% nhân viên cảnh sát trả lời rằng thỉnh thoảng họ vẫn phải kiếm việc làm thêm do thu nhập không ổn định. Các việc làm thêm mà nhân viên cảnh sát thường tìm đến là dạy lái xe, huấn luyện võ hoặc tư vấn pháp luật… 

Cũng trong cuộc khảo sát, hơn 45% nhân viên cảnh sát cho biết, họ lo lắng về tài chính hàng ngày, 12% nói rằng họ không có đủ tiền để trang trải các yếu tố cần thiết và 88% không cảm thấy không được trả lương một cách công bằng. 

John Apter, Chủ tịch mới của Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales, cảnh báo rằng một số sĩ quan đang ở trong "tình trạng thảm khốc về tài chính". John Apter nói: "Các thành viên của chúng tôi chịu áp lực trong công việc, với nguồn lực tài chính bị giảm và tội phạm gia tăng từng ngày, đặc biệt là tội phạm bạo lực. 

Tất cả những gì chúng tôi muốn là các nhân viên cảnh sát được trả lương đầy đủ cho công việc họ làm. Không thể chấp nhận việc những người làm việc để giữ an toàn công cộng lại không thể kiếm sống hoặc đưa thức ăn lên bàn cho gia đình của họ". 

Trong khi đó, Cảnh sát trưởng West Midlands cảnh báo: "Chúng tôi đã liên tục kêu cứu và cảnh báo rằng việc chính phủ cắt giảm ngân sách có nghĩa là sẽ có ít nhân viên cảnh sát hơn, thậm chí ít hơn con số 22.000 người vào năm 2010 và đây là áp lực rất lớn đối với chúng tôi". 

Theo lý giải của Cảnh sát trưởng West Midlands, một khi không thể chú tâm vào công việc và nguồn tài chính ít ỏi thì dịch vụ mà cảnh sát cung cấp cho cộng đồng cũng sẽ kém đi.

Nói rõ hơn về những lo lắng đối với lực lượng cảnh sát, nghị sĩ Diane Abbott cho biết, ¾ trong số các nhân viên cảnh sát  trả lời cuộc khảo sát cho biết, tài chính của gia đình họ tồi tệ hơn rất nhiều so với 5 năm trước và chỉ ¼ trong số đó thừa nhận họ có thể nhận được một khoản thế chấp với mức lương hiện tại. 

"Mức tăng lương 2% của chính phủ "rõ ràng là không đủ khi gia đình các nhân viên cảnh sát đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cơ bản ngày càng tăng. Lực lượng cảnh sát xứng đáng được nhận đãi ngộ tốt hơn những gì họ đang được hưởng", Diane Abbott nói.

Cũng theo thống kê của Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales thì mặc dù bị giảm lương nhưng cảnh sát nước này lại bị yêu cầu làm việc nhiều hơn khiến nhiều người trong trạng thái căng thẳng hoặc làm việc quá sức. 

Chỉ tính riêng trong gần 8 tháng qua, khối lượng công việc mà lực lượng cảnh sát Anh phải thực hiện đã tăng gần gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Số vụ giết người do cảnh sát ghi nhận tăng 50% số vụ cướp, tăng 30%... 

Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales đã yêu cầu bổ sung thêm 450 triệu bảng để chi trả cho các giờ làm thêm của lực lượng cảnh sát. Chẳng hạn, chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến hàng ngàn sĩ quan cảnh sát được tái bố trí trên khắp đất nước. Ngày nghỉ hàng tháng và hàng năm theo chế độ của cảnh sát cũng đã bị huỷ bỏ do tình trạng an ninh phức tạp. 

Trong khi đó, mức lương khởi điểm của một cảnh sát vào khoảng 19.900 đến 23.000 bảng/năm. Chỉ có ½ tổng số cảnh sát ở Anh kiếm được hơn 39.000 bảng/năm. Chính vì lẽ đó mà gần 12% cảnh sát trả lời trong cuộc khảo sát rằng họ dự định bỏ nghề và 59% báo cáo rằng tinh thần làm việc của họ ngày càng xuống.

Linh Oanh (Theo Independent)
.
.
.