Anh:

Giới siêu giàu bán tháo bất động sản vì sợ luật chống tham nhũng mới

Thứ Hai, 27/06/2016, 19:25
Đại lý bất động sản ở Anh dự đoán rằng, các khách hàng tỷ phú của họ sẽ bán tháo tài sản nếu không giữ bí mật danh tính thông qua các công ty ở nước ngoài.


Thời điểm mà các đại lý bất động sản Anh đưa ra là trước khi luật chống tham nhũng mới ở Anh được giới thiệu và thông qua. Điểm nổi bật của luật này là chính quyền London chủ đích muốn giải quyết vấn nạn công ty ở nước ngoài - tấm bình phong cho hoạt động tham nhũng và nhận hối lộ.

Trevor Abrahamson, một đại lý bất động sản nổi tiếng ở Anh còn cảnh báo, những ông trùm về bảo mật, chủ sở hữu các công ty truyền thông và các tỷ phú công nghệ từ khắp nơi trên thế giới cũng có thể sẽ từ bỏ kế hoạch mua nhà ở Anh vì sợ bị lộ thông tin.

Trevor Abrahamson là chủ sở hữu của Glentree Estates. Và đã bán tài sản cho các tỷ phú đến từ Nga, Nigeria và Trung Quốc. Theo lý giải của Trevor Abrahamson, những nhà tài phiệt này đều mua bất động sản ở Anh thông qua một công ty ở nước ngoài rồi sau đó ký gửi riêng.

Thời gian tới, việc này trở nên khó khăn và Chính phủ Anh có khả năng còn sử dụng luật chống tham nhũng mới để gây bất lợi cho các công ty nước ngoài đặt tại những nơi như quần đảo Cayman, Bristish Virgin Islands vốn được coi là những thiên đường trốn thuế trên thế giới. Trevor Abrahamson cũng thừa nhận là ½ trong tổng số khách hàng của ông khi mua bất động sản ở Anh đều mua qua công ty nước ngoài.

Một trong những ngôi nhà đắt đỏ nhất ở đại lộ Bishops vốn được coi là "khu vực tỷ phú" ở phía Bắc của thủ đô London thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài. Ảnh: Alamy.

Tờ The Guardian của Anh cho biết, luật chống tham nhũng mới ở Anh đang được Thủ tướng David Cameron bảo trợ và nhằm đánh vào giới bất động sản ở nước này. Người ta ước tính có hơn 10.000 tỷ phú trên thế giới mua nhà ở Anh qua các công ty nước ngoài và 100.000 bất động sản ở nước này thuộc sở hữu của công ty nước ngoài.

Riêng ở thủ đô London, con số này là 44.000 bất động sản. Chẳng hạn, một trong 3 ngôi nhà đắt đỏ nhất ở đại lộ Bishops vốn được coi là "khu vực tỷ phú" ở phía Bắc của thủ đô London cũng thuộc sở hữu của một công ty nước ngoài.

Công ty này hiện đang nắm giữ hàng loạt căn hộ hạng sang ở trung tâm thủ đô. Tuy nhiên, công ty này đã rao bán bất động sản của mình từ hồi đầu tháng 6. Trevor Abrahamson lý giải: "Họ tuyên bố bán tất cả nếu có khách hàng muốn mua. Bí mật là điều quan trọng đối với khách hàng mua bất động sản ở Anh.

Họ sẽ có sản phẩm riêng, lý do riêng để giải thích những điều đó và các nhà tài phiệt không muốn thông tin của họ bị lộ, lọt". Trong khi đó, giới chức ở số 10 phố Downing lại lý giải rằng, bê bối "Hồ sơ Panama" đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh và vì thế, họ phải thay đổi hệ thống chống tham nhũng cũ, khiến thị trường bất động sản ở London trở nên minh bạch hơn.

Trevor Abrahamson nói: "Những người giàu đến từ các nơi nguy hiểm trên thế giới muốn tiền của họ được đưa ra khỏi quê hương và họ đã đạt được điều đó thông qua cách thức buôn bán nói trên". Đồng quan điểm này, Giám đốc thuế của Công ty kế toán Menzies Craig Hughes nhận định, chính sách mới có thể tác động đến đầu tư vào bất động sản Anh.

Tom Bill, chuyên gia nghiên cứu tại các đại lý bất động sản Knight Frank cho biết: "Trong một số trường hợp sở hữu nước ngoài, ẩn danh là điểm thu hút chính, và nếu có những biện pháp mới, họ sẽ phải suy nghĩ hai lần về việc mua". Kết quả điều tra mới của Knightsbridge trong nửa đầu tháng 6 cho thấy, giá bán bất động sản ở Anh đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tom Bill cũng cho rằng, các biện pháp mới đã được chào đón bởi những người ủng hộ cho minh bạch hơn, nhưng một số chủ sở hữu cho biết vẫn có thể tìm cách để ăn gian đăng ký, và hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào việc các chính phủ xác nhận những gì chủ sở hữu đã được nói với họ.

Robert Palmer, một nhà vận động chống tham nhũng tại Global Witness nói: "Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra một sự khác biệt. Sẽ có sơ hở và một số người sẽ nói dối, nhưng nó là một bước tiến lớn".

Chi Anh
.
.
.