Anh:

Rắc rối từ một thị trấn nói tới 150 ngôn ngữ

Thứ Năm, 16/03/2017, 11:00
Dưới ngòi bút của phóng viên BBC Richard Bilton, người đọc như có một cái nhìn cận cảnh hơn về cuộc sống nơi thị trấn mà người dân nói tới hơn 150 ngôn ngữ. "10 năm trước, tôi tới thị trấn này để làm một chương trình cho BBC về người di cư.


Hồi năm 2007, thị trấn Slough đã chứng kiến sự "đổ bộ" ồ ạt của hàng nghìn người từ Trung và Đông Âu. Nhiều người già ở đây không thích điều đó" - Richard Bilton ngày 28-2 cho biết.

Kinh tế của thị trấn Slough (Anh) phụ thuộc vào các lao động nhập cư. Slough là một thị trấn đa sắc tộc. Có tới hơn 150 ngôn ngữ được sử dụng tại đây. Cứ 5 người sống ở đây thì có 2 người là dân nhập cư. 

Thị trấn Slough có tới hơn 150 ngôn ngữ từ khắp các quốc gia.

Bước trên những con phố của thị trấn Slough, bạn có thể nghe thấy hàng trăm loại ngôn ngữ khác nhau. Người ta còn gọi thị trấn này là "thị trấn của người di cư". Từ những năm 1920, người dân từ khắp nước Anh cũng như trên toàn thế giới đã đổ về đây để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Nền kinh tế phát triển của thị trấn này mở rộng cửa cho toàn bộ mọi người và dĩ nhiên, ai cũng được hưởng lợi. Ngày nay, nó vẫn là thị trấn có nền kinh tế phát triển thuộc dạng bậc nhất tại nước Anh, nơi tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 1.4% và mức lương cơ bản là 558 bảng mỗi tuần (15,6 triệu).

Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện buồn của những người di cư; vì điều kiện kinh tế mà phải li hương và tìm đến đây. Thị trấn này không có vẻ như một điển hình của sự hội nhập. "Nếu bạn đi đến cửa hàng, bạn không thể mua thứ bạn cần. Ở đó toàn bánh mỳ Ba Lan", một người phụ nữ nói với tôi.

"Mọi người quanh đây rất nóng tính", một người khác nói. "Tôi không có ý thiếu tôn trọng người Ba Lan, nhưng họ chuyển tới đây nhiều hơn". Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói qua khi bạn vẫn có thể mua được bánh mì Anh và người Ba Lan không chiếm hết nhà cửa, nhưng bạn có thể cảm thấy việc di cư ồ ạt tại đây đã đi hơi quá xa. 10 năm sau, nhập cư đang trở thành vấn đề được bàn luận nhiều.

Trong một công xưởng ồn ào bên ngoài thị trấn, Salvatore Caruso và các công nhân của mình đang cắt những phiến đá cẩm thạch sáng bóng. Ông Caruso, con trai của một người nhập cư Ý, đã sử dụng công nhân Ba Lan từ 10 năm trước và bây giờ vẫn vậy. Ông nói rằng lực lượng lao động của ông đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua.

Nhiều người lao động tới đây đã khiến thị trấn trở nên phát triển nhưng nó cũng thay đổi thị trấn. Với vài người ở đây, sự thay đổi là quá lớn. Sylwia Leszczynska là một người Ba Lan đã đến Slough 11 năm trước để làm việc chăm sóc người cao tuổi. Cô cũng muốn định cư tại Anh và đã mua một căn nhà với chồng mình, anh Konrad. Tuy nhiên giờ đây, ước mơ đó có vẻ xa vời.

"Nhập cư, nó không phải là một ý tưởng quá tốt, như chúng tôi từng nghĩ trước kia", cô nói. "Giờ tôi chỉ muốn trở về Ba Lan. Tôi có cảm giác rằng họ không cần chúng tôi ở đây nữa", Sylwia buồn bã khi nghĩ về cuộc sống tại đây. Slough cũng là thị trấn ủng hộ Brexit ( Anh ra khỏi EU), dù đại đa số dân cư là người nhập cư.

Vợ chồng chị Sylwia Leszczynska.

Lý do người di cư tới đây từ những năm 1920 chủ yếu là để tìm công việc. Mỗi ngày thức dậy, bạn có thể thấy nhiều gương mặt mới, với những thứ ngôn ngữ mới. Họ lang thang trên khắp các con phố để tìm việc.  Họ cần một công việc, và Slough là điểm đến của cuộc đời họ. Nhưng có lẽ, chẳng ai chào đón họ ở đây nữa rồi...

Tuy nhiên, nhiều câu chuyện buồn đang xảy ra tại đây. Những người Anh da trắng không muốn sống ở đây nữa, như ông bà Bernie và Ann Downes. Sống ở đây gần như cả đời, họ buồn bã khi thấy thị trấn đã thay đổi quá nhiều.

"Tôi thích Slough và mọi thứ về nó. Nhưng giờ đây, tôi không thể tìm thấy cái tôi thích ở thị trấn này nữa rồi". Năm 2001, có khoảng 69,441 người Anh da trắng sống tại Slough.

Đến năm 2011, con số này đã giảm xuống còn 48,620 người. Người Anh da trắng giờ đây đã trở thành thiểu số. Dù không phải là người phân biệt chủng tộc nhưng ông Bernie và nhiều người tại đây cũng không thích những người nhập cư.

Nguyễn Lai
.
.
.