Không có gì mà ầm ĩ cả

Ảnh "nịnh"

Thứ Tư, 02/12/2020, 11:17
Cuối năm, mọi cuộc du hý, họp lớp thì dễ thấy cánh đàn ông chỉ 1… 2… 3 Dzô, chị em thì tranh nhau chụp ảnh. Nhất là chị em sồn sồn, tuổi hồi teen mang đi đủ xiêm y khăn khố.


Thấy phông bạt có chữ gì đó hay hay hoặc bụi cây cũng vẫy nhau đứng chụp ảnh. Riêng chụp ảnh nuôi phây (Facebook) là đủ no không cần ăn nữa. Nhiều khi xin số điện thoại của nhau chỉ để gửi ảnh qua Zalo cho nhanh.

Khi xem ảnh ai cũng thốt lên trùi ui… chị iu xinh tóa, người đẹp không tuổi, chân dài miên man… Thật kỳ diệu, người đàn bà U60 như quả nho khô trong ảnh thành cô gái chân dài, da mịn như da em bé. Thời của AI (trí thông minh nhân tạo), cái điện thoại chụp ảnh cũng biết nịnh ghê. Có lẽ đây là một trong những hành vi nịnh hiệu quả chưa được đưa vào luận án tiến sĩ nào. Ai cũng biết bà già hóa thành thanh nữ là do ứng dụng điện thoại nhưng đều thấy chuyện "ảnh nịnh người" là rất hiển nhiên. Sống ảo mới vui chứ đập mặt vào sự thật thì đôi khi tủi thân muốn chết. Đừng soi gương. Hãy xem ảnh. Rất nhiều ứng dụng chỉnh ảnh ra đời để vuốt ve, an ủi thỏa mãn sự đòi hỏi hoàn hảo đó. Thích chân dài cho chân dài, thích trắng răng cho trắng răng, da mịn, cằm thu lại, mắt to ra…

Sự thật là cái gì đó thật "khó tiêu hóa". Trên báo, mỗi lần có bài viết về phóng viên, hình ảnh kèm bài thường là nhân vật đang tác nghiệp máy ảnh chứ không phải giấy bút. Mặc định, ảnh chụp giữ lại khoảnh khoắc không gian, thời gian, địa điểm không thể bóp méo. Bức ảnh không thể làm khác sự thật hay nói thẳng là không thể bóp méo sự thật.

Ảnh báo chí thường chấp nhận biên tập ở mức độ cân chỉnh sáng tối, cúp ảnh chứ không cho phép thêm bớt chi tiết. Phần mềm biên tập ảnh mạnh mẽ nhất thế giới là Adobe Photoshop có vẻ  kiên định giữ mình mãi mãi là phần mềm biên tập ảnh thì bây giờ cũng đã đầu hàng khách hàng ưa nịnh. Photoshop phiên bản 2021cho một số tính năng phù thủy biến "vịt" thành "thiên nga".

Thí dụ tính năng Smart Portrait cho phép chỉnh sửa khuôn mặt của nhân vật vui lên, buồn xuống, già đi, trẻ lại, thêm tóc... hơn, đặc sắc hơn.

Tất nhiên, cái buộc phải có là chỉnh da với độ mịn và tự nhiên. Thực ra đây chính là khâu làm sai lệch chi tiết nhưng vẫn còn giữ được nhân vật gốc. Nhưng các khâu khác thì thực sự đi quá xa. Miệng nhân vật đang mím bỗng há ra, nhe răng cửa, rồi cười cợt. Như vậy các yếu tố thay thế chi tiết đã xuất hiện nên không gọi chỉnh ảnh là không chính xác. Adobe Photoshop cũng không đủ gan đứng ngoài thế giới "nịnh".

Minh họa Tả Từ.

Năm 2006, Reuters đã cho phóng viên Adnan Hajj mất việc khi phóng viên này sửa ảnh vụ không kích ở Lebanon. Chiếc máy bay F16 trong ảnh gốc chỉ có một vệt "bẫy nhiệt" pháo sáng. Adnan Hajj không yên tâm bèn "khuyến mại" nhân bản thêm 2 vệt nữa cho thêm phần hoàn hảo.

Sau khi giành giải Pulizer năm 2013 về ảnh tin tức, phóng viên Narciso Contreras đã bị AP từ chối sử dụng khi anh này xâm phạm chi tiết ảnh. Trong bức ảnh tay súng nổi dậy tại Syria, anh xóa bỏ hình máy quay của đồng nghiệp ra khỏi góc ảnh. Hãng AP lập tức kiểm tra lại 494 bức ảnh của anh này và kết luận anh chỉ vi phạm duy nhất một bức. Dù vi phạm lần đầu thì anh vẫn bị mất việc. Những phóng viên này chắc đều nghĩ làm có thể vi phạm nguyên tắc nhưng sẽ hoàn hảo hơn.

Ở xứ ta đôi khi có những bức ảnh in trong các ấn phẩm chính thức vẫn bị bộ phận hậu kỳ sửa một cách hồn nhiên. Thông nền, tăng màu tươi hơn nên nhân vật đàn ông bị môi đỏ chót da trắng như phấn. Những bức ảnh lưu niệm đôi khi thấy khuyết nhân vật, vẫn cũng bị hồn nhiên "gắp" nhân vật từ ảnh khác vào cho đủ vai vế. Lúc chụp lưu niệm gọi í ới vẫn thiếu anh A, chị B do đi công tác chẳng hạn thì thủ trưởng cười khà khà bảo thôi chụp đi rồi ghép người vào sau. Họ tin rằng ghép sự thật này bằng sự thật khác và cho rằng hoàn hảo hơn. Đôi khi những bức ảnh này lại được đăng lại trên ấn phẩm khác.

Bây giờ, "phù thủy" Photoshop đã "lên đời" là một phần mềm "nịnh hót" thì có thể nói chẳng có phần mềm nào có thể "giữ mình" nữa. Chưa bao giờ hành vi nịnh lấn át nhiều không gian như bây giờ. Nịnh đã tham gia vào AI thì nó đã trở thành một tấm lưới bủa vây tất cả chúng ta. Sự thật còn chốn nương thân hay không? Cuối cùng thì vẫn là con người quyết định. Nếu không bị chữ "hoàn hảo" hơn lối kéo thì chẳng ai chỉnh sửa sự thật. Người ta có thể mặc kệ bức ảnh nhiều lỗi với không - thời gian của nó. Sự thật là không nịnh. Nịnh mắt cũng là hành vi nịnh.

Lê Tâm
.
.
.