Australia:

Vấn nạn sinh viên quốc tế “sốc văn hóa” dẫn tới tự tử

Thứ Bảy, 18/01/2020, 17:33
Australia được xem là thiên đường du học cho sinh viên nhiều nước, đặc biệt các nước châu á nhờ vừa học và làm thêm, được trau dồi tiếng Anh. Nhưng mặt trái của nó không hề nhỏ.


Gần 90% sinh viên quốc tế tại Australia đến từ châu Á, bao gồm các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam. Nhiều người trong số họ cảm thấy căng thẳng về gánh nặng tài chính hay học tập.

1/3 trong số các sinh viên tự sát vì không theo kịp chương trình học tại trường. 5/10 trường hợp sinh viên quốc tế tự sát, cha mẹ tức giận hoặc lo lắng khi phát hiện con cái mình không vượt qua các kỳ thi. 3 trường hợp tự sát vì không xin được visa.

Học ở Úc đôi khi là cực hình với nhiều người.

Vấn đề nghiêm trọng

Đơn vị phòng chống tội phạm tại Australia đã phát hiện 43 sinh viên quốc tế tại Victoria tự sát từ năm 2013 đến 2018. Con số này khiến điều tra viên Audrey Jamieson, chuyên viên điều tra các vụ tự tử của sinh viên quốc tế tại bang Victoria lên tiếng kêu gọi chính phủ liên bang tìm cách hỗ trợ sinh viên quốc tế, tránh việc sốc văn hóa khiến họ bị tổn thương.

Đây là vấn đề được quan tâm trong các nghiên cứu về quyền lợi của hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế tại Australia. Số du học sinh tại đây ngày càng tăng cao và người trẻ tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng nghiêm trọng hơn. Đối với sinh viên Trung Quốc, việc ngại nhờ người khác giúp đỡ là “muốn giữ thể diện”.

Họ lo sợ khi tìm các dịch vụ tư vấn sẽ khiến cha mẹ hoặc chính bản thân cảm thấy xấu hổ, theo The Age. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện đa số sinh viên Trung Quốc bị sốc văn hóa khi cố gắng thích ứng với cách học tại Australia. “Phần lớn họ đã quen việc học vẹt, khiến cho tư duy khó hòa nhập với cách học phản biện, bày tỏ ý kiến tại đây”, trích một nghiên cứu.

Ngay cả sinh viên đến từ nước nói tiếng Anh như Singapore cũng gặp không ít khó khăn khi du học. Daniel Kang, 22 tuổi, từ quê nhà Singapore tới Canberra (thủ đô của Australia) học cũng rơi vào tình huống đó.

"Đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn. Dù đã nói tiếng Anh cả đời như một người Singapore, nhưng phát âm và giọng nói của tôi vẫn rất khác với ở đây - đôi khi tôi cố gắng nói ít nhất có thể để tránh mình khỏi bất cứ tình huống xấu hổ nào", Kang chia sẻ.  "Đôi khi rất khó để tìm thấy người tôi có thể thực sự tin tưởng và trải lòng, mà không để mình thành gánh nặng tình cảm với họ", cậu nói.

Nhiều sinh viên quốc tế khủng hoảng tinh thần và tự tử ở Úc.

Những cái chết

 Ba tháng sau khi bay hơn 9.000km đến Melbourne, Australia du học, Zhikai Liu tự sát vì áp lực. Đây không phải du học sinh duy nhất có kết cục buồn. Hôm đó trời Melbourne nắng đẹp. Nhưng trong lòng cậu sinh viên Liu 24 tuổi lại lạnh giá. Trước ánh mắt kinh hoàng của bạn gái, Zhikai Liu hét lên: "Tại sao cuộc sống lại khó khăn đến thế!", "Tại sao chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn thế!".

Rồi cậu quay ra ban công căn hộ nằm trên tầng 21, ở mặt đường A'Beckett, cách mặt đất hơn 70 mét. Một tiếng động lớn vang lên, và âm thanh la hét đột ngột kết thúc. Cô bạn gái chạy ra ngó xuống và thấy bạn trai mình nằm trong vũng máu dưới đất. Năm 2015, Zhikai Liu từ quê nhà đến Melbourne để học đại học. Cậu được nhận vào Đại học Melbourne với trình độ xuất sắc.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Liu nhận thấy cuộc sống của mình như đi vào ngõ cụt. Mặc dù đủ điểm trong môn tiếng Anh, cậu vẫn không thể hiểu hết các thầy cô nói gì và không thể giao tiếp với các bạn. Ngay cả mối quan hệ với bạn gái ở Sydney cũng không suôn sẻ. Cậu chịu áp lực rất lớn, đã mất ngủ nhiều ngày. Cậu từng nói với bạn gái về ý định tự tử, và cô  đã khuyên nên đến gặp bác sĩ tâm lý, nhưng cậu từ chối.

Tháng 3/2016, là tháng thứ ba Zhikai Liu đến Australia. Vào ngày 5/3, lần đầu tiên cậu nói chuyện với cha mình, rằng muốn tập trung để nâng trình độ tiếng Anh và tạm dừng việc học đại học, nhưng người cha dường như không ủng hộ...

Áp lực học tập và tài chính khiến sinh viên bị “sốc văn hóa”.

Và sau đó sự việc đau lòng xảy ra. Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy cái chết của Liu không có sự tham gia của bên thứ ba, cũng không có thư tuyệt mệnh. Môi trường ngôn ngữ thay đổi và áp lực từ sự bất mãn trong học tập đã đẩy cậu đến chỗ tự tử.

Đại học Melbourne cho biết, trường sẽ không điều tra vì sự việc này xảy ra bên ngoài khuôn viên của trường. Đại diện trường cho biết họ đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe cho sinh viên, bao gồm cả bác sĩ tâm lý hay nhân viên được đào tạo để phát hiện những trường hợp đang gặp khó khăn.

Không chỉ có Liu lâm vào bế tắc trước những áp lực của cuộc sống nơi xứ người. Nhiều sinh viên châu Á khác đã tự kết liễu đời mình chỉ trong vài tháng tìm cách hòa nhập với nền văn hóa mới. Trước đó không lâu, tại Đại học Adelaide, một trong tám trường đại học hàng đầu ở Australia, đã xảy ra một vụ tự tử, nạn nhân là một sinh viên Trung Quốc vừa đến nước này. 

Tháng 7 năm 2019, một sinh viên Trung Quốc từ Đại học Queensland, tên Li, bị ngất trong thư viện. Hai ngày sau, nhà trường đã thông báo Li qua đời trong bệnh viện.  Trong số các nguyên nhân gây áp lực về tài chính, học phí là nguyên nhân chủ yếu. Nghiên cứu của Đơn vị phòng chống tội phạm cũng cho thấy 5 trường hợp sinh viên tự sát có liên quan cờ bạc, tệ nạn.

Nhiều nghiên cứu tại Đại học Monash và La Trobe cho thấy một số cha mẹ của sinh viên không đủ điều kiện tài chính cho con du học nhưng vẫn cố gắng vay mượn, khiến các bạn trẻ chịu áp lực rất lớn. Họ đã tự tử vì không dám nói với bố mẹ, không thể đối mặt với sự xấu hổ.

Bị bệnh mà không biết

Sau 1 năm rời gia đình sang Australia du học, kết quả học tập của du học sinh Malaysia M.Jing (tên được thay đổi, 18 tuổi) bỗng dưng sa sút khó hiểu. Những buổi học ở giảng đường, M.Jing không thể tập trung học bài, tâm trí lúc nào cũng nghĩ tới buồn chán.

M.Jing kể rằng cảm giác buồn bực không chỉ xuất hiện trong ngày mà vào ban đêm càng khó chịu hơn. Suốt thời gian dài, nam sinh này rất khó ngủ và nếu có ngủ thì cũng ngủ được rất ít, chỉ vài tiếng mỗi đêm.

"Tâm trạng mình lúc nào cũng lo lắng, buồn bực. Vào những lúc như vậy mình không biết tâm sự cùng ai, gia đình thì ở xa, bạn bè ở Australia ít, lại không hợp nên khó có thể nói chuyện được" – M.Jing nói và chia sẻ rằng điều đó khiến cậu sống khép kín hơn.

Lo lắng cho sức khỏe của bản thân, M.Jing có tới một bệnh viện địa phương gần chỗ cậu học, nhờ bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên, khi nghe vị bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu trầm cảm, M.Jing lại không tin. Dù bác sĩ có kê đơn thuốc chống trầm cảm, nhưng vì nghĩ bản thân không có bệnh, M.Jing đã không dùng thuốc.

"Thời gian sau đó, mình rất chán chường, không làm sao thoát được cảm giác thất vọng chính bản thân. Có khi mình đã nghĩ tới cái chết để được giải thoát" – cậu nhớ lại. Nhận thấy việc M.Jing học hành sa sút, tâm trạng bất ổn, gia đình đã khuyên cậu tạm thời gác việc học lại, về nước cho thoải mái, nhưng M.Jing  đã lắc đầu.

"Mình nghĩ bản thân có thể tự giải quyết được, nhưng thực tế không phải vậy, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn sau đó" – M.Jing  nói. Bố M.Jing đã phải bắt máy bay sang nơi con trai theo học. Gặp con trai, ông  không tin nổi vào mắt mình, khi – từ một chàng trai cao lớn, nặng gần 70 kg, nay chỉ chưa tới 60 kg. Được bố khuyên nhủ, cậu rời Australia về Malaysia chữa bệnh.

Áp lực phải thành công 

Audrey Jamieson, cho biết chỉ có 22% trong số 27 sinh viên kể trên đã tâm sự với người khác về bất ổn tâm lý của mình 6 tuần trước khi chết. Ngược lại, nhóm sinh viên bản địa chia sẻ vấn đề tâm lý với người khác là 57%. Điều đó cho thấy nhóm sinh viên quốc tế ít được hỗ trợ để vượt qua các khủng hoảng tâm lý, hoặc họ không biết phải tìm đến đâu để giải tỏa. 

Báo cáo về sinh viên gần đây nhất của Đại học Quốc gia Australia cho thấy một số sinh viên quốc tế học theo ngành mà cha mẹ chọn, thay vì sở thích thực sự, và có thể gặp các áp lực về tài chính. Một số không nhỏ gặp rắc rối với kết quả học tập. Trong mắt phụ huynh và người ngoài, các học sinh này là những niềm tự hào.

Tuy nhiên, bản thân họ không được thấu hiểu. Bảng điểm đẹp được phô ra, còn họ giấu đi nỗi buồn và căng thẳng phía sau - những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại có thể khiến họ gục ngã. Helen Forbes-Mewett - nhà xã hội học từ Đại học Monash đã nghiên cứu trải nghiệm của các sinh viên quốc tế ở Australia.

Một trong các phát hiện của bà là một số phụ huynh đã gửi những đứa con bất ổn về tinh thần của mình ra nước ngoài học, với hy vọng hệ thống y tế ở quốc gia du học ưu việt hơn ở nhà.

"Cha mẹ có thể nghĩ rằng các con sẽ tốt hơn khi xa nhà, và chúng sẽ thành công, rồi trở về, và mọi thứ sẽ ổn, nhưng thực tế họ đang đẩy các con đến vấn đề nan giải hơn", bà đánh giá.  "Đứng đầu trong số các vấn đề đó, là các sinh viên thường chịu áp lực nặng nề phải thành công. Khi kỳ thi đến gần, hoặc gần cuối kỳ..., tâm lý của các sinh viên sẽ suy sụp nhanh chóng, sau thời gian dài che giấu và không tìm kiếm sự giúp đỡ".

Trường Vân
.
.
.