B’Sar Đạ R’Yal, một thời ký ức

Thứ Sáu, 03/04/2015, 17:00
Buôn B’Sar Đạ R’Yal bây giờ là thôn 3, xã Lộc Bảo nằm ở phía tây huyện Bảo Lâm giáp với Đắk Nông. Ở tại buôn người Mạ giữa rừng này có đài tưởng niệm với biểu tượng hai bàn tay bắt chặt nhau bằng đá hoa cương, phía dưới khắc hàng chữ: “16 giờ ngày 30 tháng 10 năm 1960 tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”.

Để được đến đài tưởng niệm này, chúng tôi đã vượt cả quãng đường dài, có lúc phải luồn rừng vắng lạnh.

Tỉnh lộ 725 dài trên 100km, khởi đầu từ thị trấn Di Linh đến ngã ba Lộc Bảo chia thành hai hướng, một hướng đi Đắk Nông, một hướng về ĐạTeh. Được đi xuyên rừng này mới nhận ra sự gian khổ một thời của 2 anh em Kinh - Thượng mới có điện, đường, trường, trạm và buôn làng văn hóa hôm nay. 

Từ cây số zero, chúng tôi vượt qua các vườn cà phê xanh thẫm. Ven đường các ngôi nhà xây cấp 3, 4, xen lẫn biệt thự ẩn hiện giữa vườn tạo nên bức tranh yên bình trên sơn nguyên êm ả. Xa hơn là rừng xà nu cao vút, tỏa bóng ra đến vệ đường và cuối cùng vẫn là các khu rừng hoang lặng lẽ.

Ký ức một con đèo

Đi được 30km, chúng tôi gặp một con dốc, có tấm bảng mang tên Đường đèo B40. Ở Nam Tây Nguyên trong số các con đèo nơi tôi có dịp đi qua đều mang tên thổ ngữ như: Đèo B’Lao, D’Ran, Tà Ngào, Tà Bứa… chứ chưa gặp con đèo nào mang ký hiệu. Thuật ngữ B40 này có điều gì đó gắn liền với chiến tranh chết chóc. 

Để tìm hiểu lịch sử con đèo giữa rừng kia, chúng tôi mang mì tôm sống ra ngồi ven đường trên đỉnh đèo vừa ăn cầm hơi vừa chờ đợi người đồng hành, nhưng khi được gặp, họ chẳng những không giúp đỡ, mà còn nhìn sợ sệt. Sau này chúng tôi mới biết, ở giữa rừng sâu đèo dốc, người tốt và kẻ xấu cũng khó phân biệt nên họ chỉ lo mạng sống của mình bằng cách cắm đầu chạy như bay. 

Mãi khi đến quán nước mía cách đó vài kilomet mới được ông chủ quán tên là Hưng, giải thích: “Con đường cắt ngang dãy Lú Lùng này là hậu cứ quân giải phóng thời chống Mỹ. Tháng 10 năm 1970, một đại đội đặc công của khu VI chuẩn bị đánh cứ điểm biệt kích Tân Rai, nơi có hệ thống lô cốt, boong ke kiên cố. Để thử loại vũ khí mới và tạo lòng tin cho các chiến sĩ, ban chỉ huy đã cho bắn thử một quả đạn B40, vào tảng đá to dưới chân dốc núi. Sau này, tỉnh lộ 725 mở theo con dốc ấy nên vẫn giữ nguyên tên. Sở dĩ tôi biết được là do lúc làm đường có nhiều người ghé quán hỏi hoài, nên đi tìm hiểu để khỏi mang tiếng người ở ngay đèo mà không biết gì cũng xấu hổ”. Ông chủ quán trả lời bằng giọng buồn buồn. 

Đền tưởng niệm (tác giả bên phải).

Ông còn cho biết thêm: “Tại xã Lộc Bảo còn có đền tưởng niệm. Ở đó có tấm bia bằng đá hoa cương với biểu tượng hai bàn tay bắt chặt nhau, ghi hàng chữ “16 giờ ngày 30 tháng 10 năm 1960. Tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Bây giờ là rẫy cà phê, điều của đồng bào Mạ, chắc cũng ít người nhớ! Không biết nơi này linh thiêng ra sao mà ông Tướng Phùng Đình Ấm, nguyên Phó đoàn B90 dặn anh em mỗi khi vào đó phải thắp nhang lạy tạ các liệt sĩ, tôi cũng đã vô đó 1 lần vào mấy năm trước”.

Đài tưởng niệm giữa rừng

Ngày còn trẻ, tôi cứ tưởng không có văn hóa rừng. Lúc đó nghĩ rằng nơi ấy là một quần thể hoang dã, cây cối thi nhau mọc lên, mọi sinh vật sống theo bầy đàn qua những mùa mưa nắng. Nhưng từ khi về Tây Nguyên sinh sống, vật lộn với cơm áo đời thường, mang gùi đi rẫy, tham gia lễ hội, mới nhận ra văn hóa rừng là một không gian vô tận.

Trong các loại văn hóa ấy, có loại “văn hóa giao thông” rừng già. Người Mạ, K’Ho có tập quán đi thành hàng một, kẻ trước người sau nên không bao giờ chen lấn. Con đường đi lâu ngày thành lối mòn. Từ buôn làng có đường ra rẫy, đường xuống suối nước, đường sang buôn bên cạnh, họ nhớ những con đường xuyên rừng như lòng bàn tay nơi mình đang sống. 

Vì vậy khi đoàn B90 từ Bắc vào Nam đến Nam Tây Nguyên, được sự vận động của ông cán bộ Ba Đen dân tộc Ch’Ror có vợ người Mạ nên bà con K’Ho, Mạ là những giao liên dẫn đường chính xác theo từng chà gạc (chà gạc vắt trên vai đi khoảng 3km đổi vai. Vậy đi 5 chà gạc là 15 cây số)

Trong lịch sử đường giao liên Trường Sơn, ai cũng biết điểm đầu tiên mà Tiểu đoàn 301, Đoàn 559 xuất phát từ Khe Hó (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kéo dài đến Nam Tây Nguyên bây giờ là thôn 3 Lộc Bảo. Tại đây nối tiếp đến chiến khu Đ rồi Lộc Ninh, Bù Gia Mập (Bình Phước). 

Qua lời kể của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (nguyên Phó đoàn B90), đơn vị đầu tiên được Quân ủy Trung ương cử vào Nam theo tuyến giao liên huyền thoại để bắt liên lạc với lực lượng võ trang ở Tây Nguyên. 

Nhà báo Minh Anh, được Tướng Ấm vẽ đường về Bảo Lâm kể rằng: Trước khi đi, ông căn dặn: “Con đường mòn từ thôn 3 Lộc Bảo vào buôn B’Sar Đạ R’Yal 2km. Nơi đền tháp có cây Kờ Nia gẫy ngọn, xung quanh là tre. Vào đấy, phải thắp nhang cho anh linh các liệt sĩ. Đã có biết bao máu xương của bộ đội đổ xuống phía đông Trường Sơn để nối thông hành lang này”.

Để đến tận nơi đường giao liên cuối cùng ở Nam Tây Nguyên tại Lâm Đồng. Lúc 11 giờ trưa, chúng tôi ghé Ủy ban xã Lộc Bảo, gặp ông K’Lý, Phó Chủ tịch xã. Ông Lý cho biết từ đây vào đó 20 cây số rồi vào rừng 2 cây số nữa. Vào đó hỏi thêm coi chừng lạc đường, vì bây giờ có nhiều đường mới.

Dọc theo tỉnh lộ 725 về Đắk Nông, bây giờ khá nhiều nông trại trồng mít, những vườn mít xanh thẫm cao khoảng 3m như rừng cà phê, có nơi ủi trọc cả ngọn đồi để trồng cao su, có rừng su mới có rừng su vài năm tuổi, có nơi đã phủ xanh ngọn đồi. 

12 giờ trưa ghé đội bảo vệ công ty thủy điện Đồng Nai 4 được các anh em cho biết thêm: Con đường nhỏ này chạy bao quanh công ty, sau đó các anh cứ rẽ trái, rồi rẽ trái gặp một cụm rừng nguyên sinh có hai bụi tre. Nơi đó là đài tưởng niệm. Ở giữa rừng chúng tôi cứ rẽ trái và rẽ trái, cuối cùng là đứng giữa rừng hoang không một bóng người. Tại khu này là đường đi của đồng bào vào rẫy điều, cà phê, cao su nên có khá nhiều con đường mới rẽ trái. 

Trong những lần tác nghiệp về thăm lại chiến khu xưa. Khi bị lạc lối, tôi thường thắp nhang đứng thẳng người khấn vái các vong linh liệt sĩ như ở chiến khu Đ hay Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền ở Tà Thiết, Lộc Ninh đều được gặp người chỉ đường. Lần này khi nhang chưa tàn đã may mắn gặp được một thanh niên đi kiểm tra cao su nên được anh dẫn đến đài tưởng niệm cách đó 500 mét.

Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà mang kiến trúc miếu thờ có diện tích 5x5 cao khoảng 4m không vách, lợp tôn giả ngói. Trong đền là tấm bia bằng đá hoa cương, mặt trước bia là hình hai bàn tay bắt chặt nhau, với hàng chữ chìm “16 giờ ngày 30 tháng 10 năm 1960. Tại đây giao liên hai miền gặp nhau nối thông hành lang chiến lược Bắc-Nam trong kháng chiến chống Mỹ”. Mặt sau là núi rừng trùng điệp, với những con đường mòn. 

Nhìn xung quanh hoang vắng u tịch chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Đốt bó nhang đặt vài bịch bánh trên bàn đá chúng tôi cúi đầu khấn vái theo lời dặn của Tướng Phùng Đình Ấm. Trước bàn thờ lạnh lẽo hương khói tỏa lên, chúng tôi mơ hồ nhìn thấy bóng dáng các cán bộ chiến sĩ giao liên cả Kinh lẫn Thượng của Đoàn B90. Những con người với gương mặt sốt rét xanh xao, đội nón tai bèo, mặc quần áo bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép lốp, choàng vải dù cùng với khẩu AK47 và Colt 12 đang ôm nhau cười nói kể lể sự gian khó khi đi qua các địa phận.

Ở đất nước mình chiến tranh đã kết thúc 40 năm còn gì. Tuy nhiên là một người lính tác chiến, mỗi lần có dịp về chiến khu nhìn những chiếc lá vàng lặng lẽ lìa cành tôi lại nhớ bài Lá Đỏ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp “Chào em! Em gái tiền phương, ôi! em gái tiền phương, hẹn gặp nhé! Giữa Sài Gòn…” Trong ấy có những người bạn của tôi mãi mãi không về đến Sài Gòn để gặp nhau theo lời hẹn. Và cứ mỗi lần về lại chiến khu xưa nhìn cảnh rừng núi vắng lặng về chiều tôi ầng ậng nước mắt cứ nghĩ rằng bạn mình đang còn quanh quẩn đâu đây.

* * *

Rời đài tưởng niệm nhìn về Đắk Nông. Trước mặt tôi là vườn cao su vừa trồng phủ lên chiến khu ngày nào. Xa hơn là Gia Ngĩa chập chờn phố xá với những tháp điện thoại cao vút. Các cư dân địa phương, ít người biết nơi mình đang sống có một đài tưởng niệm về những người giao liên một thời gian khổ. 

Trong sâu thẳm trái tim người viết bài này xin trân trọng đề nghị chính quyền địa phương làm cho con đường sỏi nhỏ có biển báo và trồng hai hàng hoa từ lối mòn vào đền khoảng 20m để ấm lòng người đến thăm và sưởi ấm cho những vong linh đang còn ở lại.

Trần Đại - Hồ Bách
.
.
.