BOT nhảy sang âm nhạc

Thứ Tư, 20/09/2017, 10:16
Chuyện thu tiền bản quyền âm nhạc thì không một ai phản đối, nhưng thu thế nào cho hợp lý là cả một chuyện. Phương án của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu qua đầu TV khiến thiên hạ ồn ào.

Làm thế nào để thu tiền chính xác tần suất phát âm nhạc của TV. Làm sao biết có những ca khúc nào, của tác giả nào đã xuất hiện trong giai đoạn thu tiền?

Giữa tháng 9, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng ra văn bản tái khẳng định không nộp phí tác quyền đối với TV cho đến khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam làm rõ cơ sở pháp lý thu tiền. Hiệp hội trên cho rằng việc thu như vậy là "phí chồng phí" bởi các khách sạn đã chi trọn gói cho các đơn vị truyền hình cáp. Hơn nữa, TV ở khách sạn là một tập hợp cả trăm chương trình chứ không riêng về âm nhạc.

May mắn sao các kênh tin tức chưa đòi thu phí thêm lần nữa?

Việc thu phí âm nhạc không đơn giản. Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng nói rằng: "Nếu đòi hỏi việc chứng minh khách vào thuê phòng nghỉ khách sạn có xem TV hay không mới được thu tiền bản quyền âm nhạc là điều không ai có thể làm được".

Minh họa của Tả Từ.

Về các điều kiện để Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thể thu phí âm nhạc trên TV trở lại, một nhà quản lý về bản quyền tác giả khẳng định:

"Vấn đề mấu chốt phải xác định được trong phòng khách sạn có TV thì có phát chương trình sử dụng các tác phẩm âm nhạc hay không?

Những tác phẩm âm nhạc đó có phải thuộc tác giả đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hay không?

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải chứng minh được hợp đồng ủy quyền của các tác giả đó.

Nếu không chứng minh được thì đơn vị khai thác, sử dụng có quyền từ chối. Phải xác định rõ ràng như vậy thì hai bên mới có thể thương lượng thu tiền".

Hãy nghe xem dư luận nói gì. Ông Tý, bà Tèo không lý luận với câu chữ chuẩn mực của các nhà báo hay các nhà quản lý. Ông Tý, bà Tèo (tên nhân vật đã được thay đổi) nói cái lý của người trả tiền.

Ông Tý: "Không lẽ bà vợ đi chợ mua thực phẩm trả thuế xong, mang về nhà nấu cho ông chồng ăn thì ông chồng cũng phải đóng thuế thức ăn ấy hay sao?"

Đài truyền hình họ trả tiền bản quyền để phát sóng rồi còn đòi khách xem nữa là sao? Bà Tèo: "Nhà tôi bán phở. Đầu ngõ tôi chặn xe lại thu tiền. Khách có ăn hay không ăn tôi không cần biết".

Chà! Nghe tinh thần thu phí âm nhạc có vẻ rất BOT rồi đấy.

Ông Tý: "Vậy có thu tiền trên điện thoại di động không? Người sử dụng điện thoại di động luôn mở nhạc đấy."

Bà Tèo: "Mai mốt người ta lại đòi tác quyền của phim, kịch, tấu hài... phát trên TV trong khách sạn thì làm sao dân chúng gánh nổi?".

Ông Tý: “Khách đi qua phố chúng tôi không nhìn cũng phải đóng tiền vì liếc nhà ngắm phố? Về quê cũng vậy, ai cũng phải nộp tiền vì ngắm cảnh?".

Bà Tèo đề xuất: "Sao các ông không thu các nhà sản xuất TV luôn?".

Ông Tý khảng khái: "Theo tôi thì khách sạn khoá hết chương trình âm nhạc đi là xong".

Bà Tèo: "Cùng lắm thì truyền hình cáp bỏ nhạc đi... cũng có ai thuê khách sạn để nghe nhạc đâu...".

Cái lý của bà Tèo có vẻ rất thực tế. Có ai dám chắc mình thuê khách sạn để nghe nhạc không nhỉ?

Ông Tý: "Đừng sáng tác âm nhạc nữa! Chúng tôi không nghe đâu".

Lời năn nỉ trên khiến các nhạc sĩ rầu lòng quá. Nhưng việc nhận tiền theo cách này thì chắc các tác giả âm nhạc cũng không mặn mà.

Không ai ngại trả tiền nếu khoản thu đó là hợp lý.

Còn bạn. Bạn có sẵn sàng trả hai lần tiền phí âm nhạc không?

Lê Tâm
.
.
.