Ba ngày chinh phục Pu Si Lung

Thứ Tư, 17/04/2019, 20:21
Đỉnh núi Pu Si Lung có độ cao 3.083 mét, nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Pu Si Lung cao thứ hai Việt Nam, xếp sau đỉnh Fansipan (3.143 mét). Nhưng hành trình chinh phục Pu Si Lung vẫn được coi là dài và khó nhất trong các ngọn núi ở Việt Nam. Sức ép thời gian và sức lực là cực lớn nên rất nhiều người leo Pu Si Lung phải bỏ cuộc giữa đường, không thể lên tới đỉnh.


Chinh phục "rừng xanh, núi đỏ"

Ý tưởng chinh phục Pu Si Lung đã có từ lâu nhưng vì nó quá khó, nói như cộng đồng mê leo núi ở Việt Nam là không dành cho người nghiệp dư, nên chúng tôi phải tích cực thu thập kinh nghiệm bằng cách khuất phục các đỉnh xung quanh nó trước như Fanxipan, Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng…

Sau đợt chinh phục đỉnh Putaleng, chúng tôi tập hợp được một đội 8 người và bắt đầu một cam kết phải thắng được Pu Si Lung vào dịp sau Tết âm lịch. Cuộc off sau Tết chốt lịch đi cuối tháng 3, tức là còn đủ 1 tháng để luyện tập.

Một ngày cuối tháng 3-2019, chuyến leo Pu Si Lung của chúng tôi bắt đầu từ Hà Nội lúc gần 22h, xe bắt đầu chạy từ đường Phạm Văn Đồng, tới Sapa (Lào Cai) lúc 4h30. Chúng tôi đổi sang xe 16 chỗ đi tiếp sang Mường Tè, Lai Châu. Đường xa ngái, cả trăm cây số toàn đồi núi, mấy công trình thủy điện, dốc ngoằn ngoèo ruột dê. Nhiều đoạn đường đang làm, một số chỗ phải xuống dọn đá cho xe bò lên…

12h trưa chúng tôi tới được Đồn biên phòng Pa Vệ Sử. Vì khu vực này là biên giới với Trung Quốc, đường leo núi chính là đường tuần tra biên giới nên muốn leo núi phải làm thủ tục với lực lượng biên phòng. 

Cũng may, các anh biên phòng rất tạo điều kiện, đoàn chỉ mất ít thời gian (đã liên hệ trước) là xong thủ tục để bước vào đoạn tiếp theo.Từ đồn biên phòng, chúng tôi lại mất 45 phút xe ôm để vào tới bìa rừng. Chỉ 9-10km thôi nhưng giá 250k/người, sau mặc cả còn 200. Con đường thì thôi rồi, dốc lên dốc xuống, một bên vực, bên vách đá và lổn nhổn đá hộc bằng quả cam, quả bưởi...

Ngồi sau tay lái mấy “xe ôm” người La Hủ đi qua chặng này bỗng thấy mình thành… diễn viên xiếc môtô bay. Sau này, nghe người dẫn đường (porter) kể lại, có cô gái đi được một đoạn thì sợ quá, khóc, xin xuống, vẫn trả đủ tiền và tự đi bộ vào điểm chek. Đoạn xe ôm nhanh qua, chúng tôi tới bìa rừng đúng 13h, tức là mất gần 16 giờ di chuyển mới tới được điểm xuất phát.

13h, chúng tôi mới đi những bước đầu tiên trên hành trình chinh phục Pu Si Lung. Những thửa ruộng bậc thang và bản làng cuối cùng nhanh chóng biến mất và chập chùng rừng xanh núi đỏ bắt đầu.

Cuốc bộ được tới 14h thì mắt hoa lên vì đói, chúng tôi dừng lại đợi porter mang đồ ăn đuổi lên để nạp năng lượng.

Sau 15 phút nghỉ với quả dưa chuột và nắm xôi khô khốc, 8 anh em lại xốc ba lô men theo lối mòn vượt qua những vạt rừng thưa. Ít phút sau, đoàn bước vào con dốc Ba Tiếng – người bản địa gọi vậy vì phải mất 3 tiếng mới leo qua được. 

Con dốc này rất dài nhưng không gắt, hầu như không phải dùng tay bám trèo lên. Dù vậy, do trời nắng gắt nên đi rất mất sức, chúng tôi lại phải cố đi nhanh nếu không sẽ không tới được điểm nghỉ trước khi trời tối. Leo núi trong đêm rất nguy hiểm, phải tránh tối đa.

Hết dốc Ba Tiếng, mấy anh em tới được Lán Ông Già, nơi có 2 vợ chồng già người La Hủ sống tách biệt với bên ngoài, ở độ cao khoảng 2.000 mét. Đây cũng là điểm khác biệt ở cung Pu Si Lung với tất cả các cung khác – nơi chúng tôi không gặp bất kỳ người dân nào sống ở dọc hành trình. Lúc này đã gần 17h, đoàn nhanh chóng vượt nốt đoạn đồi lau để kịp đến khu suối cắm trại trước khi trời tối.

Vượt cầu treo tạm qua suối lớn giữa rừng.

18h30, trời sập tối mà chúng tôi còn phải đi chừng hơn 20 phút nữa và điều lo sợ nhất đã tới. Mưa rừng! Tiếng sấm vang vọng giữa mênh mông rừng núi làm tim chúng tôi thắt lại. Cơn mưa trút xuống rất nhanh và mạnh. 

Mọi người dừng lại ở lối mòn vừa một người đi giữa một bên vách núi, một bên là vực lấy quần áo mưa ra mặc. Đám Porter sợ ướt gạo và túi ngủ, lều nên không dám đi nữa, ngồi thụp xuống để che. Tất cả đứng thành hàng dài trong im lặng, không nhúc nhích trong cơn mưa nặng hạt và bóng tối đặc quánh.

Pu Si Lung khá nhiều suối, có cả suối lớn. Vì thế, muốn chinh phục thì chỉ nên đi mùa khô bởi nếu gặp hôm nước suối lên cao thì chỉ có quay về Hà Nội. Đường leo núi có khoảng một nửa là rừng nguyên sinh, còn lại đa số đồi lau, cỏ tranh, gai rậm rạp. Độ nguyên sơ của Pu Si Lung thì khỏi nói, vì quá ít người leo nên lối đi nhiều đoạn bị lau lách, tre trúc bịt kín, thảm lá dày cả gang tay, như đi trên nệm.

Rất may, mưa to chỉ hơn 10 phút là ngớt. Chúng tôi không chờ tạnh hẳn mà phải đi ngay tới điểm nghỉ. Mọi người gắng đi nhanh bằng tất cả sức lực, trong bóng tối loang loáng, giữa mịt mùng cỏ tranh, gai góc lòa xòa phủ kín mít. 

Xoạt, xoạt, nhiều người kêu đau vì bị gai cắt cả ở cổ tay và chân dù đã mặc áo mưa. Rất nhanh, chúng tôi kịp tới điểm nghỉ bên bờ suối đúng 19h. Đoàn hạ trại, nổi lửa nấu cơm, kết thúc ngày leo đầu tiên.

Lên đỉnh

Ngày thứ hai, chúng tôi dậy lúc 5h sáng. Trời mới chỉ lờ mờ sáng, mọi người tranh thủ vệ sinh cá nhân, ăn sáng để chuẩn bị cho ngày chinh phục. 6h, đoàn xuất phát. Liên tiếp những con dốc dài dẫn chúng tôi vượt qua những vạt rừng nguyên sinh, rừng trúc gần như không dấu chân người. 

Hơn 9h, đoàn tới được cột mốc biên giới số 42. Đây là điểm đến quan trọng trong hành trình Pu Si Lung. Đường dài tưởng như vô tận, nhất là đoạn từ cột mốc biên giới số 42 lên tới đỉnh, cứ loanh quanh, lên xuống mãi. 

Từ đây, đường lên đỉnh hoàn toàn trùng khớp với đường biên giới Việt – Trung, đoàn phải đi chậm để tránh nhầm đường sang Trung Quốc. Vòng lên vòng xuống thêm gần 3 giờ, tới 12h, đoàn lên tới đỉnh Pu Si Lung. Bao cảm giác mệt nhọc tan biến! Chúng tôi vô cùng xúc động khi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh núi kiêu hãnh.

Niềm vui khi chinh phục đỉnh Pu Si Lung.

Chỉ kịp nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm thật nhanh, chúng tôi quay trở xuống trạm nghỉ. Lúc này, lại phải đối mặt với một khó khăn là nước uống hết sạch trong khi khu vực gần đỉnh núi không có suối. Vậy là, những người khỏe phải dành toàn bộ nước cho người yếu và trong nắng gắt, chúng tôi mất 5 tiếng đồng hồ hạ sơn mà không một giọt nước. 

Được porter chỉ dẫn, chúng tôi phải ăn tạm một loại cây rừng (không rõ tên) có vị chua chát để cầm cự. Tới 19h30, nhóm đi đầu về tới lều nghỉ. Mãi tới 22h đêm, nhóm sau mới về. Chúng tôi thở phào vì cả đoàn an toàn, ngoài đói, mệt và khát, không ai gặp vấn đề gì.

Nghỉ ngơi một đêm, sáng sớm hôm sau, chúng tôi lại nối nhau vượt rừng trở lại chân núi. Đoàn về tới đồn biên phòng lúc 17h, kết thúc 3 ngày hành trình chinh phục Pu Si Lung.

Ba ngày hành trình chinh phục Pu Si Lung, cả đi và về, tính từ điểm đầu ở bìa rừng, chúng tôi đã đi khoảng 48 km leo bộ đường rừng núi, tổng cộng khoảng 96.000 bước chân. Đứng ở vị trí số hai nhưng đường leo Pu Si Lung dài gần gấp đôi Fansipan – đường Trạm Tôn - Trạm Tôn (đỉnh số 1) và gần 1,5 lần leo đỉnh Putaleng (đỉnh số 3). 

Trong thời gian thực leo khoảng 2,5 ngày, tổng lượng calo tiêu tốn gần 7.800, trong đó, ngày thứ hai, kinh khủng nhất, tốn khoảng 3.600. Nếu bạn trọng lượng cơ thể khoảng 63-64kg, chạy 5km tốc độ 6 phút/km thì sẽ đốt được khoảng 300 calo trong gần 30 phút chạy. Như thế, hành trình trên tương đương chạy 130km, tất nhiên, trong 2,5 ngày.

Bữa tối trong lán giữa rừng.

Cảnh đẹp xấu thì tùy người đánh giá và phụ thuộc thời tiết nhưng về hạ tầng du lịch thì Pu Si Lung bằng không. Hầu hết các đỉnh cao nhất Việt Nam nay đều đã có lán gỗ, thậm chí là nhà vệ sinh, nhà tắm, “shop” bán hoa quả… nhưng Pu Si Lung thì màn trời chiếu đất hoàn toàn. 

Toàn chặng có 4-5 chỗ nghỉ được, trong đó có một cái hang đá. Nếu không tới kịp hang đá để nghỉ theo kiểu… thời tiền sử thì bạn có thể hạ trại bên suối. Đêm ngồi bên mâm cơm lót lá chuối cạnh đống lửa lớn, ở khách sạn ngàn sao giữa mênh mông rừng núi và tiếng suối ầm ào nó mới tuyệt làm sao, không ở đâu có được cảm giác ấy.

Dù chuyến đi đã khép lại nhưng những cảm xúc trên hành trình sẽ còn lại mãi với chúng tôi, đồng thời mở ra những ý tưởng chinh phục mới. Đi để thêm hiểu, thêm yêu Tổ quốc mình, để ý thức được những tài sản vô giá mà cha ông đã tốn bao xương máu gìn giữ, để lại cho chúng tôi… 

Mỹ Linh
.
.
.