Bắc loa bình thiên hạ

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:00
Với người bình tĩnh thì họ không bắc loa rủa xả tất cả những nỗ lực của kỳ thi mà chỉ chê trách việc này lẽ ra đơn giản hơn nhiều nếu biết sử dụng công nghệ thông tin.

Kể truyện cười có khó không! Đơn giản! Không cần bịa. Hãy kể một chuyện thật. Hot bỏng tay rụt lưỡi. Sau 13 lần vỡ ống nước khiến nhân dân Thủ đô phải kiêng tắm, nhịn uống thì Công ty CP nước sạch Vinaconex thành lập đội phản ứng nhanh. Phản ứng nhanh nhé. Sau tới 13 lần. Nếu là đội bóng thì cứ sau khi nhận 13 bàn thua, các cầu thủ mới thực sự bị đánh thức.

Trước đó vừa đá vừa ngủ. Nghe nói đội Phản ứng nhanh này có năng lực giải quyết việc nước trong mọi thời tiết. Tuy vậy muộn còn hơn không. Nghe nói lãnh đạo Thủ đô đã hết kiên nhẫn với đơn vị này. Họ cho rằng cần phải làm lại đồng bộ bằng vật liệu nghiêm túc chứ không vá víu, hỏng đâu sửa đấy. Cứ đà này thì sẽ là sửa đâu hỏng đấy.

Tuần này nóng chuyện lều chõng. Các phụ huynh bắc loa trên Internet phản đối kỳ thi kiểu mới. Kỳ thi này đã thay đổi những phần hình thức của những kỳ thi trước và đặt thí sinh trên cơ hội mở rộng. Cơ hội nhiều thì thách thức lắm. Việc xét tuyển tới trên chục nguyện vọng khiến phụ huynh bạc mặt. Có người thuê xe cứu thương để đi nộp hồ sơ. Việc này ầm ĩ. Thế là thiên hạ lại bắc loa réo rủa. Phụ huynh phản ứng nhanh lắm.

Với người bình tĩnh thì họ không bắc loa rủa xả tất cả những nỗ lực của kỳ thi mà chỉ chê trách việc này lẽ ra đơn giản hơn nhiều nếu biết sử dụng công nghệ thông tin. Ngài Bộ trưởng đương nhiên phải nhận trách nhiệm những bất cập.

Minh họa của Tả Từ.

Người Nhật có truyền thống cải tiến, gọi là Kaizen. Cái gì cũng có phương án tốt hơn, nhưng họ khác ta là chuẩn bị  chu đáo rồi tiến hành. Ta thì thực hiện nôn nóng. Đã cải là cải liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.

Ngài Bộ trưởng cải tiến thì sẽ được vỗ tay rồi sau đó ném đá. Nếu ngài nói chúng ta không cần cải tiến mà chỉ cần tăng cường chất lượng vì hệ thống giáo dục đào tạo những năm 50 vì nó rất tốt thì sẽ bị ném đá bỏ qua giai đoạn vỗ tay. Vì tất cả đều thích chữ cải cách toàn diện.

Toàn diện thì làm sao còn đất cho kế thừa? Ngài Bộ trưởng nằm trong chuỗi tiến thoái lưỡng nan của kỳ vọng suốt bao nhiêu năm nay. Nếu chỉ là lỗi cá nhân thì việc cải cách giáo dục dễ như ăn kẹo. Thói quen của xứ ta là hành động bao giờ cũng nhanh hơn suy tính.

Lại có chuyện một công dân lên mạng muốn tuyên bố thức tỉnh hệ thống giáo dục đào tạo bằng cách tuyên bố sẽ tự châm lửa đốt bằng đại học của mình. Anh ta cho rằng cái bằng đó vô giá trị vì không được cơ quan tuyển dụng quan tâm. Tuy vậy, anh ta chưa châm lửa. Mới hô hào vậy đã. Đốt một mình buồn lắm, anh ta muốn có 99 người xác nhận sẽ cùng đốt bằng của họ thì anh ta mới đốt bằng của mình cơ nhá. Sao phải do dự thế nhỉ? Công sức đèn sách một thời của mình, muốn vứt bỏ thì vứt chứ sao lại rủ người khác phải giống mình? Lạ thật.

Nếu là bằng tốt nghiệp loại giỏi mà không được nhận vào làm việc thì lỗi thuộc về cơ quan tuyển dụng. Theo logic thì phải nguyền rủa cái cơ quan tuyển dụng vì cái bằng vô can.

Nếu là bằng dỏm, do mua hoặc gì đó mà đem đốt thì vô duyên vì chính mình mua bằng chứ trách ai?

Nếu biết trường sở dạy tồi, không kiến thức mà vẫn đi học cái trường tồi thì lỗi vẫn không thuộc nhà trường mà vẫn tại mình. Vậy theo logic thì phải trách ai đây?

Có những cao thủ mà thậm chí muốn cũng không có bằng mà đốt. Thomas Alva Edison, tác giả của 1.039 sáng chế từ máy ghi âm tới bóng điện chưa hề tốt nghiệp cấp 1 tiểu học.

Cái bằng duy nhất mà ông có là lời phê của cô giáo rằng "trò Tôm chỉ có khả năng đi chăn lợn".

Nếu Edison này cứ băn khoăn chuyện bằng cấp thì liệu có được một phát minh nào ra hồn không nhỉ?

Và nếu vậy, chúng ta không thể có đèn điện mà phải thắp đèn dầu leo lét thôi.

Còn bạn. Đã bao giờ bạn bắc loa bình thiên hạ chưa?

Lê Tâm
.
.
.