Không có gì mà ầm ĩ cả

Bài học đầu tiên

Thứ Ba, 16/05/2017, 15:44
Luật giao thông ở ngoại quốc đã ngấm dần thành văn hóa giao thông. Xứ ta thì sao? Các thế hệ trước có truyền thống thương người như thể thương thân, chẳng lẽ chúng ta không kế thừa được hay sao? Tại sao chúng ta quen đùa với luật? Sự đùa cợt thái quá bao giờ cũng đem lại hệ lụy chát đắng.


Một video trong tuần qua gây sốc cộng đồng mạng. Video này ghi lại cảnh một chiếc xe bồn va chạm với xe máy của một phụ nữ chở con nhỏ khiến xe máy loạng choạng.

Tài xế đã không một lời xin lỗi còn cố tình đánh lái lần thứ hai làm xe máy đổ và hư hỏng. Dù tình huống khó hiểu thế nào thì vẫn có thể thấy ngay đó là vấn đề đạo đức. Truyền thống thương người như thể thương thân đã bị coi thường ở mức nghiêm trọng.

Chúng ta đã quen cảnh các loại ô-tô chèn ép nhau và chèn những phương tiện nhỏ hơn để vươn lên. Vươn lên mạnh mẽ đến nỗi, đường có 4 làn thì ô-tô chiếm cả 4. Các phương tiện nhỏ hơn bật lên vỉa hè, rơi vào tình trạng mất an toàn.

Không ít ô-tô cố tình tăng ga "dọa" các xe máy phải dạt ra. Người đi bộ cũng khiếp vía, mỗi lần sang đường đều vẫy tay như vái lia lịa Bam Bắc Tây Đông.

Ở các nước văn minh, khi thấy người đi bộ sắp qua đường ở những nơi không có đèn giao thông như công viên…, ô-tô bắt buộc phải dừng không nhúc nhích chờ người đi bộ qua đường. Nếu không tuân thủ, tài xế sẽ bị phạt nặng.

Minh họa của Tả Từ.

Cùng nhớ lại bài ôn luyện lái xe ở Việt Nam, khi thi lái xe, ai cũng thấy trong 450 câu hỏi làm đề thi lý thuyết có những câu hỏi về đạo đức người lái xe. Nhưng những câu này khá chung chung, mang nặng tính chiếu lệ. Những bài học đạo đức chủ yếu do kinh nghiệm "tài già" truyền cho "tài trẻ" qua thực tế chứ không có quy chuẩn hay răn đe mạnh mẽ bằng luật.

Nội dung thi lái xe thì chắc chắn là vượt qua sa hình. Sa hình là địa hình đủ để bố trí các tình huống giao thông cơ bản nhất, rút gọn nhất có thể. Ngày trước thời xe chưa có chip (thiết bị cảm ứng vị trí xe trong trường thi) thì nội dung thi đầu tiên là lái chính xác theo vệt bánh xe. Sa hình cũ chỉ đòi hỏi sự khéo léo.

Hiện nay, sa hình được nhập từ nước ngoài chứa 11 bài nội dung như vượt dốc đề pa, đường vòng quanh co, ghép dọc, ghép ngang, tình huống khẩn cấp... Thoạt nhìn nó chẳng có gì đặc biệt. Để thiết kế sa hình này, chỉ cần một "tài già" giàu kinh nghiệm cùng một thiết kế đồ họa viên là xong. Ấy thế mà lại phải nhập từ nước ngoài. Sính ngoại chăng?

Điều kỳ lạ đã xảy ra và rất nhiều thí sinh đã bị mất điểm bài đầu tiên trên sa hình này, ngay khi vừa khởi động, chỉnh chưa chuẩn chân ga. Bài đầu tiên của sa hình nhập ngoại là nội dung nhường đường cho người đi bộ. Vừa khởi động cho xe tiến, chưa kịp "khoe tài" thì đã phải phanh đứng im trước vạch "ngựa vằn" để nhường đường cho người đi bộ. Tại sao sa hình ngoại nhập đặt nội dung nhường đường cho người đi bộ đầu tiên mà không phải những kỹ thuật khéo léo? Rõ ràng yếu tố sinh mạng con người được đề cao đầu tiên.

Đáng suy nghĩ, bài học đầu tiên khi cầm lái là nhường đường. Nhường cho người đi bộ hay phương tiện nào đó thì cũng vẫn là chữ nhường đặt làm đầu. Trên thực tế thì giao thông chúng ta rối như canh hẹ vì hiếm ai quen chữ nhường này. Các bài học đạo đức người lái xe chỉ hiện lên trong các bản báo cáo chứ ít thể hiện trong đời sống.

Luật giao thông ở ngoại quốc đã ngấm dần thành văn hóa giao thông. Xứ ta thì sao? Các thế hệ trước có truyền thống thương người như thể thương thân, chẳng lẽ chúng ta không kế thừa được hay sao? Tại sao chúng ta quen đùa với luật? Sự đùa cợt thái quá bao giờ cũng đem lại hệ lụy chát đắng.

Còn bạn. Bạn có thấy chữ nhường đáng giá không?

Lê Tâm
.
.
.