Bán bò thi tiến sĩ

Thứ Hai, 27/11/2017, 18:06
Tôi và thằng Việt là đôi bạn chí cốt từ hồi còn “uổng trờ” tắm mưa. Thế nhưng tính cách và khả năng của mỗi thằng lại mỗi khác.


Tôi từ nhỏ đã thật thà ít nói và dễ tin người, bù lại rất cần cù chịu thương chịu khó. Còn nó tuy lười biếng nhưng mồm 3 miệng 7 nên đi tới đâu cũng sướng, đặc biệt rất có “tài” trong chuyện… tán gái.

Vì tính cách khác nhau nên con đường công danh sự nghiệp cũng khác. Sau khi học hết phổ thông tôi thi vào Đại học Nông lâm, rồi quay về quê tiếp nối nghiệp “truyền thống” của gia đình: làm rẫy và nuôi bò.

Còn thằng Việt học xong 12 nó không thi đại học mà lên thành phố làm môi giới nhà đất. Lúc đó, thành phố vừa bước vào giai đoạn đô thị hóa nên nghề của nó phải nói là “hái ra tiền”. Nó lại có tài ăn nói, nên các cò đất khác cùng lắm chỉ được một vốn bốn lời, thì nó có thể đạt tới một vốn… bốn chục lời!

Ảnh minh họa.

Nhờ chí thú làm ăn, lại áp dụng được những kỹ thuật học được từ trường đại học nên tôi cũng khá thành công, năm nào cũng được xã bình chọn gương nông dân điển hình. Đặc biệt, đàn bò của tôi ngày nào có 2 con nay đã nhân lên được ngót nghét 100 con.

Nhưng tôi vẫn chẳng là “cái đinh gì” so với thằng Việt. Nếu tài sản của tôi tính bằng “con bò”, thì tài sản của thằng Việt tính bằng “căn nhà”. Tôi ngót nghét 100 con bò thì nó cũng có gần 100 căn nhà, mỗi căn giá cỡ vài tỷ đồng.

Dù có chênh lệch lớn, nhưng tôi và nó vẫn là đôi bạn thân như ngày nào. Tính không bon chen nên tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình và rất mừng cho sự thành công của thằng bạn thân.

Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin thằng Việt đã bỏ nghề bất động sản vì không còn “ngon ăn” như trước, do Nhà nước bắt đầu siết lại các quy định về buôn bán, môi giới bất động sản. Nhưng thằng Việt đã nắm trong tay khối tài sản khổng lồ, nên nó không hề lo lắng mà suốt ngày đàn đúm chơi bời.

Với tư cách là bạn thân, tôi nhiều lần gọi điện khuyên nó: “Miệng ăn núi lở, mày giàu nhưng cũng phải kiếm chuyện gì đó mà làm, đừng có chơi bời”. Nghe vậy thằng Việt chỉ cười xòa: “Mày yên tâm, tao đang chờ cơ hội”.

Một thời gian nữa lại trôi qua. Một hôm, thằng Việt điện thoại về khoe với tôi: “Tao đã nhìn thấy cơ hội mới rồi, chuyến này bảo đảm ngồi mát ăn bát vàng, mà chuyện này mày cũng có thể làm được”.

“Cơ hội nào? Chuyện gì mà… cả tao cũng làm được?”, tôi hỏi nó.

Thằng Việt đáp: “Tao nghe nói sắp tới Nhà nước sẽ chi tới ngân sách khủng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Mà mày biết, muốn lên tiến sĩ thì phải bảo vệ luận án, muốn bảo vệ luận án phải có đề tài nghiên cứu…”.

“Vậy thì sao?”, tôi ngắt lời nó.

“Mày… đúng là thằng chăn bò, nói vậy mà cũng không hiểu! Này nhé, 9.000 tiến sĩ thì cần tới 9.000 đề tài nghiên cứu, vậy nên tao định rủ mày cùng nhau bán đề tài nghiên cứu tiến sĩ, tha hồ hốt bạc”, thằng Việt nói.

Tôi nghe tới đó suýt sặc chết vì cười: “Tao là thằng chăn bò mà mày đòi rủ đi bán đề tài làm tiến sĩ?!”.

Thằng Việt tỉnh bơ: “Mày yên tâm. Nghe đề tài tiến sĩ tưởng to tát, chứ tao thấy đơn giản lắm. Đây là những đề tài của mấy tiến sĩ trước, mày nghe thử có khó không: Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 ở Việt Nam; đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch uỷ ban nhân dân xã; hành vi nịnh trong tiếng Việt…”.

Tôi nghe tới đó liền cắt lời nó: “Oa, vậy tao sẽ bán bò đi thi tiến sĩ!”.

Út Ngông
.
.
.