Bàn trà lo “việc nước”

Thứ Tư, 01/08/2018, 12:02
Mấy ngày vừa rồi nước to (mưa to, ngập diện rộng). Các phóng viên làm không hết việc, chạy đến những vùng trũng nhất để chụp ảnh. Quả thật ái ngại khi người dân vùng trũng phải về nhà bằng thuyền.


Giống như hồi xưa, khi thủy điện Hòa Bình chưa xây xong thì mỗi lần nước sông Hồng lên to là bà con ngoài bãi lại lên đê cắm lều và về thăm nhà… bằng thuyền. Nước to, nhà cấp 4 ngập tới mái. Ngày ấy, nhà cấp 4 nhiều chứ nhà hai tầng ít. Rồi thủy điện Hòa Bình điều tiết được nên xây nhà ngoài đê thoải mái không phải nghĩ.

Thủy điện có tính 2 mặt. Cái tích cực là thỏa mãn lượng điện ngày càng tăng trong quá trình phát triển sản xuất, nhưng mặt khác nó cũng làm thay đổi hiện trạng tự nhiên, ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh.

Bên bàn trà, nam phụ lão ấu bàn chuyện đông tây và lo việc nước. Nhìn ảnh nước ngập qua mạng Facebook là ghê quá. Lại có cụ băn khoăn chuyện vỡ đập ở Lào. 

Cụ bảo: “Nói dại, các cụ bỏ quá chứ có một ông VIP cảnh báo là nếu vỡ cái đập Sơn La thì một cái xe tăng ở Sơn Tây có thể bị thổi bay như lá vàng. Toàn bộ đồng bằng Bắc bộ ngập sâu 4 - 6m. Báo đăng câu này chứ không phải tôi nói”.

Cụ khác bảo: “Làm sao ngập thế được. Chẳng lẽ ngập đến cái đồng hồ ở Ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội) à?”.

Minh họa của Tả Từ.

Nghe dọa thì ai chả đăm chiêu, nhưng một cháu học sinh bảo: “Thưa các cụ. Muốn ngập sâu thì nước phải đổ đầy. Nước muốn ngập thì phải có giới hạn bờ như cái chậu chứ mênh mông như đồng bằng Bắc Bộ thì nước làm sao đổ đầy được. 

Cháu nhớ hôm trước nhà ông T ở tầng 2 có thói quen đổ nước ra cọ nhà cọ bếp, nước đổ xuống cống ầm ầm. Bà H ở tầng 3 lo lắng thấy nước dềnh lên cống nhà mình rồi ngập cả bếp. Bà H vội vã chạy xuống nhà ông T bảo ông đổ nước xuống cống nhiều quá, ngập hết nhà tôi. 

Ông T ngẩn người ra rồi bảo: Nhà chị cao hơn nhà tôi. Chị có nhớ kiến thức phổ thông về bình thông nhau không. Nước phải đổ đầy chỗ thấp rồi dâng lên chứ đâu có chảy ngược được”. Bà H tỉnh ra xin lỗi chạy về nhà. Sau tìm ra là các cống giữa nhà bà và tầng 2 bị tắc.

Nói vậy để thấy rằng đồng bằng Bắc Bộ mà ngập được thì phải có lượng nước như biển trong thời gian cực ngắn. Hồ chứa Sơn Là chứa được nhiều nhất là 9.26 tỷ mét khối thì chưa đáng là bao. Nói miền xuôi sẽ ngập 4 - 6m chỉ là đồn đại.

Lại nói chuyện lũ thổi bay xe tăng (thông thường là 40 tấn) trong 30 phút thì có thuyết phục không? Cậu học sinh bảo: “Thưa các cụ, khoảng cách từ thủy điện Sơn La tới Sơn Tây vòng vèo theo sông là khoảng 250km. Nếu vượt 250km trong nửa giờ thì vận tốc di chuyển của nước phải là 500km/h, nhanh hơn gấp đôi vận tốc máy bay trực thăng Mi 17. 

Giả sử lũ “không thèm” vòng mà theo đường chim bay thì là 160km. Vượt 160km trong nửa giờ thì vận tốc nước phải đạt 320km/h. Vẫn nhanh hơn M17. Tốc độ lũ thông thường nhanh nhất là 5m/s (khoảng 18km/h) vượt quãng đường đó cũng hết gần 9 tiếng. Từ sáng đến chiều mới đến nơi. 

Mất ngày đường chứ không phải mấy chục phút. Nếu với vận tốc 320km/h thì tương đương 88.889 m/s. 1 cú “đấm” nước vĩ đại như thế thì là thảm họa của toàn cầu đấy ạ. Hollywood cũng không nghĩ ra được”.

Các cụ bảo: “Mày làm các cụ bình tĩnh lại rồi đấy”.

Còn bạn. Bạn có vội vã chia sẻ những thông tin đáng sợ không?

Lê Tâm
.
.
.