Bao giờ hết nạn chặt chém du khách?

Thứ Năm, 07/05/2015, 10:00
Nghỉ lễ dài ngày, nhà nhà, người người kéo nhau đi du lịch. Thành phố vắng tanh, còn tại các điểm du lịch nổi tiếng thì trở nên quá tải. Trừ những người đặt tour trước mấy tháng trời, những gia đình đi tự túc đều phải đối mặt với nạn chặt chém của các cơ sở dịch vụ.
Đây là một câu chuyện không mới vào những dịp nghỉ hè, lễ tết nhưng vẫn khiến nhiều nạn nhân bức xúc khi bị "cướp" một số tiền không nhỏ. Không chỉ khách ngoại bị "chém" tơi bời mà ngay cả khách nội nhiều khi cũng phải "lộn trái túi" ở những khu du lịch.

Chị B. nhà ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình kể lại với giọng đầy bực tức: Ngày 28/4, chị cùng bạn bè đi lễ ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh. Tới Cảng Cái Rồng, mọi người quyết định dừng chân ăn trưa trước khi tiếp tục hành trình. Đoàn người kéo vào một nhà hàng gần đó vì thấy khá rộng rãi, sạch sẽ. Bữa ăn trưa gọn nhẹ, đơn giản nhưng khi tính tiền, mọi người mắt tròn mắt dẹt khi thấy hóa đơn ghi số tiền gần 6 triệu đồng. Hầu hết các món ăn đều bị tính gấp 3, 4 lần bình thường. Thậm chí, hai xô đá cũng bị chém 50.000 đồng, đĩa cơm trắng là 80.000 đồng.

Ở bàn bên cạnh, không khí sau bữa ăn cũng diễn ra tương tự khi nhìn vào hóa đơn thanh toán. Thế là cãi nhau ỏm tỏi. Lúc này bà chủ nhà hàng mới xuất hiện, mặt lạnh băng yêu cầu phải thanh toán số tiền trên, nếu không khách sẽ không thể ra khỏi nhà hàng và bà ta không chịu trách nhiệm những hậu quả tiếp theo. Dù rất bực mình vì bị "trấn lột" một cách trắng trợn, nhưng vì không muốn ảnh hưởng đến không khí của chuyến du lịch nên trưởng đoàn đành phải móc hầu bao thanh toán.

Minh họa Lê Tiến Vượng

Những ngày đầu năm, dư luận cả nước từng xôn xao vụ bữa ăn 2 người trị giá… 22 triệu đồng tại thành phố Vũng Tàu. Thực tế thì bữa ăn chỉ mất 2,2 triệu đồng, nhưng vì khách không mang đủ tiền nên phải dùng đến thẻ visa. Khi quẹt thẻ, chủ nhà hàng đã hồn nhiên bấm số tiền 22 triệu đồng và có ý định chiếm đoạt số tiền này. Tất nhiên sự việc bị phanh phui và nạn nhân được nhận lại số tiền "thừa". Nhưng qua sự việc cho thấy, lòng tham và sự tráo trở của một số cơ sở dịch vụ du lịch thật khó lường.

Đó là chuyện chặt chém ăn uống, chuyện chặt chém ngủ nghỉ còn kinh khủng hơn. Mới đây, một số báo chí phản ánh về việc báo giá phòng cao "như trên trời" của một số khách sạn tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai trên các trang web Agoda.com, booking.com, trong đó có khách sạn 3 sao báo giá phòng thấp nhất là 17 triệu đồng/đêm, cao nhất lên tới 46 triệu đồng/đêm. Nhiều người khi đọc thông tin này đều không tin vào mắt mình vì họ cho rằng chỉ có những khách sạn rất đặc biệt mới có giá "chót vót" như thế.

Ngoài ra, các khách sạn 2 sao cũng báo giá phổ biến từ 4-9 triệu đồng/phòng/đêm. Ngay sau đó, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã xác định hành vi vi phạm quy định về giá của 8 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú khi niêm yết giá tại các trang web trên. Theo đó, có 6 hộ cá nhân, mỗi hộ bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng, 2 doanh nghiệp còn lại mỗi đơn vị bị xử phạt là 25 triệu đồng.

Nhiều người là nạn nhân của những vụ chặt chém trên khi nhắc lại không khỏi ngao ngán và cho rằng, đó là nỗi xấu hổ của ngành du lịch. Còn những người làm ăn gian lận, không có lương tâm cho thấy một điều, họ đã không biết bảo vệ nguồn thu lâu dài của mình mà còn vô hình trung làm phương hại đến địa phương, đến những người làm ăn chân chính và một hậu quả họ có thể biết trước, sớm hay muộn cũng sẽ bị tẩy chay.

Vậy giải pháp nào để hạn chế dần nạn chặt chém khách du lịch? Quá nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn đã đưa ra trong các cuộc hội thảo. Song, thiết nghĩ, giải pháp có tính khả thi nhất là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay với những vụ việc vi phạm điển hình. Và khi đó, những điểm du lịch chắc chắn sẽ đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt nhiều du khách.

Tuấn Nguyễn
.
.
.