Sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam:

Bao giờ mới có 'hàng hiệu'?

Thứ Ba, 21/07/2015, 15:00
Một ca sỹ trẻ mới nổi của showbiz Việt vừa tung MV đã bị tố nhái sản phẩm của Hàn Quốc. Một nhà thiết kế nổi tiếng liên tục bị cộng đồng bóc mẽ đạo ý tưởng của các nhà mốt lớn trên thế giới. Và mới đây nhất, một chương trình phát trên VTV3 bị tố "ăn cắp bản quyền". Ai đúng ai sai, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Và hễ nhắc đến câu chuyện vi phạm tác quyền, nhiều người phải thốt lên "ôi dào, chuyện thường ngày ở huyện".

Nghi án "đạo", "nhái" không chỉ riêng ai

Mới đây nhất, báo chí lại tốn không ít bút mực khi Chương trình "Quà tặng cuộc sống" phát trên VTV3 (do Sunrise Media liên kết với VTV sản xuất) bị họa sỹ Bùi Đình Thăng (hay còn gọi là Thăng Fly) tố có phim ngắn giống truyện tranh của mình.

Lẽ ra, vụ việc sẽ chỉ là câu chuyện đơn lẻ giữa một cá nhân và một đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, những ồn ào phát sinh sau đó liên quan đến nhiều người khác nữa càng làm cho lời cáo buộc Sunrise vi phạm bản quyền không phải không có cơ sở. Không chỉ Thăng Fly mà nhiều tác giả khác đồng loạt lên tiếng tố Sunrise sử dụng tác phẩm của mình dựng thành phim mà không thông báo cũng như không trả nhuận bút.

Để "sửa sai", Sunrise đã liên lạc tới những tác giả này để xin lỗi, đồng thời mong nhận được sự thông cảm và đừng đẩy sự việc lên cao nữa. Các tác giả này đều cho biết, họ cần Sunrise giải trình cụ thể bằng văn bản cũng như xin lỗi công khai trên báo chí về những sai sót của mình. Đồng thời, cộng đồng truyện tranh cũng sôi sục chiến dịch ủng hộ Thăng Fly bằng cách ghi rõ họ tên và ghi chữ "Tôi ủng hộ Thăng Fly", sau đó chụp hình và tung lên mạng.

Áp lực dư luận khiến Công ty này mới đây nhất phải đưa ra lời xin lỗi chính thức bằng văn bản, trong đó có thừa nhận những sai sót của mình đối với những tác giả đó. Còn liên quan đến lời cáo buộc của Thăng Fly khi cho rằng tác giả Trần Quốc Tuấn là một nhân vật được dựng lên để "chữa cháy", Sunrise đang sắp xếp để có một cuộc gặp giải quyết tất cả mọi chuyện. 

Trước lời mời ra Hà Nội để đối chất, trả lời PV, Thăng Fly cho biết: "Tôi không muốn ra nữa. Tôi đã ở Hà Nội trong 4 ngày, đủ để họ có thời gian mà sắp xếp nhưng họ đã không có bất cứ động tĩnh gì. Tôi vừa từ Hà Nội về hôm qua xong. Mỗi một chuyến đi rất mất thời gian và công sức. Tôi sẽ ủy quyền cho bạn mình và Skybooks gặp họ. Trong quá trình đối thoại trực tiếp đó, nếu có khó khăn gì, bạn tôi sẽ gọi điện thoại cho tôi, tôi sẽ sẵn sàng đối chất".

Chẳng biết những lùm xùm kia mai mốt sẽ được giải quyết như thế nào. Nhưng rõ ràng, một chương trình nhân văn như Quà tặng cuộc sống đã giảm phần nào đó tính nhân văn - ngay trong chính hậu trường sản xuất chương trình của mình. 

Chắc hẳn chưa ai quên chuyện chàng ca sỹ mới nổi Sơn Tùng vừa ra MV "Không phải dạng vừa đâu" đã bị tố "nhái" MV "Crooked" của G-Dragon - trưởng nhóm nhạc Big Bag nổi tiếng, từ nội dung cho tới trang phục, kiểu tóc của các nhân vật. Bất chấp những ồn ào xung quanh, chàng ca sỹ người Thái Bình vẫn "bê" bộ trang phục lạ và quái giống tới 90% với phong cách của trưởng nhóm Big Bag khi trình diễn ca khúc này trên sân khấu như một thách thức "tôi không phải dạng vừa đâu". 

Câu chuyện lôi kéo sự quan tâm của cộng đồng mạng. Cuộc "khẩu chiến" nổ ra giữa fan Kpop và fan Sơn Tùng. Trước đó, ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của nam ca sỹ này cũng bị cho rằng nhái tới 80% ca khúc "Because I miss you" của Yung Young Hwa, cũng là một sản phẩm của Hàn Quốc. Thậm chí, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã phát biểu trên báo chí, "không gọi Sơn Tùng là ăn cắp thì gọi là gì?".

Sơn Tùng từng dính nhiều nghi án đạo nhạc Hàn Quốc.

Sau nghi án đạo nhạc, cái tên Sơn Tùng không những không bị rớt khỏi các bảng xếp hạng những ca khúc đình đám mà còn chiễm chệ ở ngôi đầu. Và đến nay, Sơn Tùng vẫn chưa hết hot. Mỗi lần ca sỹ này ra sản phẩm mới, chẳng ít lâu sau đã trở thành từ khóa tìm kiếm trên Google nhiều nhất.

Ai đó nói lắm chuyện như Showbiz Việt hẳn có phần chẳng ngoa. Hết dính nghi án đạo nhạc lại dính nghi án đạo "váy". Và năm lần bảy lượt, tâm điểm của câu chuyện này không ai khác chính là nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Những mẫu váy áo thêu hoa hồng vào hồi tháng 3 của Đỗ Mạnh Cường bị cho là giống với những thiết kế trong BST thu đông của nhãn hiệu Dolce & Gabbana nổi tiếng thế giới.

Lý giải điều này, nhà thiết kế này cho rằng những sản phẩm của mình hoàn thành cùng thời điểm và trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên với những thiết kế kia. Nghi án tháng 3 chưa tan thì giữa tháng 6 vừa rồi, nhà thiết kế mang sản phẩm của mình trình diễn tận… Mỹ cũng bị tố đạo ý tưởng tới 90% của các thương hiệu thời trang quốc tế như Lavin,  Dior, Emilia Wickstead.

Trước nghi án lần này, nhà thiết kế không nói giống ngẫu nhiên như trước nữa mà gây sốc khi phát ngôn kiểu chợ búa trên báo chí rằng đó là "một đám thú điên rảnh rỗi lẫn vô tích sự lại nhao nhao lên như đang sắp chết đói". Và cũng như Sơn Tùng, dù cho dính nghi án đạo nhạc, nhưng những sản phẩm gắn mác Đỗ Mạnh Cường vẫn bán "đắt như tôm tươi". Được biết, đây không chỉ là lần duy nhất nhà thiết kế này bị cho là đạo ý tưởng.

Giấc mơ "hàng hiệu" bao giờ thành hiện thực?

Không chỉ trong âm nhạc, thời trang, giải trí mà nghi án "đạo", "nhái" dường như là câu chuyện bình thường ở… huyện. Người ta thản nhiên sử dụng hoặc tái sử dụng ý tưởng của người khác. Sở hữu trí tuệ vẫn là một thứ xa xỉ. Và câu chuyện Sơn Tùng, Đỗ Mạnh Cường hay Sunrise không phải là cá biệt. Sẽ có những Sơn Tùng, Đỗ Mạnh Cường hay Sunrise khác nữa. Tất cả đều làm dày thêm bộ mặt thiếu chuyên nghiệp và thiếu đàng hoàng trong sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam.

Mặc dù chưa có hồi kết nhưng một điều ai cũng có thể hiểu được, không có lửa làm sao có khói. "Nhái" 1 lần thiên hạ bỏ qua. Nhái trên 2 lần là có vấn đề. Đỗ Mạnh Cường hay Sơn Tùng không thể lúc nào cũng đưa ra lời biện minh rằng những sản phẩm của mình ngẫu nhiên trùng hợp ý tưởng. Có thể ngẫu nhiên một vài lần. Nhưng ngẫu nhiên nhiều lần chắc chắn nó không còn là ngẫu nhiên nữa. Cũng như "nửa sự thật không còn là sự thật" nữa rồi.

Họa sỹ Bùi Đình Thăng, người tố Sunrise vi phạm bản quyền tác phẩm của mình.
Hai thiết kế của Đỗ Mạnh Cường mà Trương Thị May và Kim Thoa (giữa) mặc bị cho là mượn ý tưởng của Lavin (phải).

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Bách từng phát biểu trên tờ tạp chí của Hội Âm nhạc Việt Nam rằng: "Tình trạng đạo nhạc ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến và nếu cứ như thế này thì sắp tới, chúng ta không thể gọi là nhạc Việt được nữa mà phải gọi là là nhạc vẹt". Và những thứ được cho là "vẹt" đó, mãi chỉ là những sản phẩm photo-copy, là hàng nhái, chẳng bao giờ trở thành hàng hiệu được.

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang, 1 trong những tác giả có tác phẩm bị Sunrise chuyển thể thành phim mà không thông báo:

"Luật Bản quyền của Việt Nam có quá nhiều kẽ hở nên không bảo vệ được quyền lợi của tác giả"

Là 1 người viết, hẳn nhiên là tôi thấy đau lòng về thực trạng này. Trước tiên vì những người có trách nhiệm xử lý việc vi phạm tác quyền đã không kiên quyết, và Luật Bản quyền của Việt Nam có quá nhiều kẽ hở nên không bảo vệ được quyền lợi của tác giả. Ví dụ như viết kịch bản chẳng hạn, kể cả có đăng ký bản quyền nhưng chỉ cần thay đổi nhân vật một chút từ nam sang nữ hoặc thay ít lời thoại là nghiễm nhiên lách luật. Chẳng ai kiện cáo được gì.

Thứ hai, do đạo đức nghề nghiệp. Điều nay do chúng ta đào tạo ngành nghề chỉ chú trọng vào đạo tạo kỹ năng mà quên đi phần bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Tôi nghĩ những người có tâm sẽ không ai làm vậy. Từng có 1 tờ báo đăng truyện mà không bao giờ đăng tên tác giả dù họ có trả nhuận bút đoàng hoàng nhưng tôi cứ tự hỏi sao họ lại làm vậy? Nếu những người đứng đầu tòa soạn ấy tôn trọng người viết thì sẽ không có chuyện đó. Khi tôi cầm tờ báo, buồn vô cùng. Nếu cứ để tình trạng ấy diễn ra không thay đổi thì tương lai việc vi phạm tác quyền sẽ tiếp tay cho thứ vấn nạn ăn cắp tri thức. Nói thì sẽ có người nghĩ sao to tát vậy. Nhưng tôi nghĩ nó đúng là như vậy. Đó là chưa kể về phía người viết nó làm vẩn đục môi trường sáng tạo.

Về phía bạn đọc thì tôi nghĩ họ sẽ thấy hoang mang. Chẳng hạn như chương trình "Quà tặng cuộc sống"  là 1 chương trình ý nghĩa mà lại vi phạm tác quyền. Giá trị của nghệ thuật liệu có thể bị lung lay bởi những điều như thế không? Và chắc sẽ có người nói do thói quen hay "cầm nhầm" của người Việt nhưng tôi không nói thế đâu nhé.

Đậu Dung
.
.
.