Bao giờ mới có văn minh vỉa hè?

Thứ Năm, 02/07/2015, 10:18
Đầu giờ sáng, điện thoại có tin nhắn, kiểm tra thì đó là link của một anh bạn gửi kèm dòng chữ: Xin nhà báo cho một lời bình. Vào link thì đó là tin Hà Nội cho làm thí điểm 39 tuyến phố thuộc 4 quận cũ, mỗi tuần được rửa hè một lần, bắt đầu từ ngày 1/7.
Tưởng bình về chuyện gì chứ chuyện vỉa hè Hà Nội thì có mà bình cả ngày không hết. Bao nhiêu hội nghị, hội thảo về "văn hóa, văn minh vỉa hè" đã diễn ra từ thế kỷ trước, đến thế kỷ này vẫn nguyên giá trị, thậm chí còn "nóng" hơn bởi đất chật người đông, mật độ dân cư ở Hà Nội ngày càng tăng đến chóng mặt và vỉa hè cũng ngày càng bị chiếm dụng nhiều hơn.

Hà Nội giờ có hàng nghìn con phố, đến người Hà Nội gốc cũng chẳng thể nhớ hết bởi các tên phố ở quận mới, rồi phố mới treo biển ở quận cũ. Công bằng mà nói, bộ mặt văn minh đô thị thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực, nhưng riêng cái vỉa hè thì vẫn còn vô số chuyện phải bàn.

Trừ những tuyến phố mới có vỉa hè rộng, cây xanh tỏa bóng mát, gạch lát thống nhất về màu sắc, chủng loại, còn hầu hết các phố có vỉa hè hẹp, thậm chí không có vỉa hè. Số vỉa hè rộng trên dưới 10 mét chắc chỉ chiếm 1/10 tổng số các phố. Chức năng chính của vỉa hè muôn đời nay là dành cho người đi bộ, thật trớ trêu, điều này chỉ đúng một phần.

Gia đình tôi dọn về phố Đội Cấn hơn 20 năm nay. Ngày nào tôi cũng đi trên con phố này nên chỉ cần một nhà nào đó khai trương kinh doanh mặt hàng gì là biết ngay. Giữa phố có chị bán thịt lợn, hàng chỉ bày lên chiếc bàn nhỏ, đầu phố có chị bán xôi xéo, xôi ngô với hai thúng mỗi sáng, vậy mà họ nuôi sống cả một gia đình suốt hai chục năm qua.

Vâng, vỉa hè Hà Nội là thế, đó còn là nơi kinh doanh của bao lớp người và khi nói tới văn hóa vỉa hè chính là nói tới phong cách kinh doanh, mua bán trên vỉa hè. Những vỉa hè vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn bởi họ tận dụng từng diện tích nhỏ nhất. Từ chuyện mua bán, tranh giành chỗ ngồi, chỗ dựng xe mà gây ra mâu thuẫn, những cuộc cãi vã nổ ra, những vụ xô xát diễn ra và cả những vụ án mạng cũng xảy ra trên vỉa hè.

Minh họa của Tả Từ.

Vì vỉa hè là "cái chợ" di động nên người đi bộ không còn chỗ để đi, đành phải đi dưới lòng đường, lấn làn của người đi xe đạp, xe máy, và rồi người đi xe đạp, xe máy lấn làn ôtô. Giao thông trở nên bát nháo, lộn xộn, ý thức tham gia giao thông kém nên tai nạn giao thông xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

Nhà mặt phố ở Hà Nội giá đắt nhất cả nước có lẽ còn do họ cho rằng, sở hữu một ngôi nhà mặt phố đồng nghĩa với việc sở hữu luôn cả vỉa hè phía trước. "Sở hữu" vỉa hè càng dài, càng rộng thì quyền lợi càng nhiều. Nếu có ai vô tình dựng xe máy hay đỗ ôtô trước cửa nhà họ mà không mua bán gì thì thể nào cũng sinh chuyện. Thật kỳ lạ!

Chưa hết. Trên vỉa hè không chỉ là chỗ dựng xe, kinh doanh mua bán, sản xuất một số hàng hóa mà còn là nơi đặt vô số các biển hiệu quảng cáo, rồi các mái hiên di động thò ra thụt vào, các ban công lấn chiếm khoảng không… khiến cho vỉa hè biến dạng đến tội nghiệp.

Trở lại phần đầu bài viết, việc rửa hè tất nhiên là việc nên làm, nhất là vào ngày hè nóng nực này, vừa sạch sẽ bụi bặm, vừa mát mẻ đường phố. Nhưng chỉ cần kêu gọi các hộ dân có nhà mặt phố đổ vài xô nước, khua vài nhát chổi là xong, đâu cần chính quyền phải ra hẳn một văn bản về việc này. Cùng với việc làm sạch vỉa hè, hàng loạt vấn đề "nổi cộm" liên quan đến vỉa hè cũng cần phải ra tay làm một cách quyết liệt. Chỉ có vậy, vỉa hè không chỉ sạch đẹp mà còn thể hiện sự văn minh của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

Có người đã nói, đến một thành phố nào đó, cứ nhìn vỉa hè là biết ngay văn minh đô thị của thành phố đó. Đúng vậy. Người đi bộ luôn được ưu tiên nhất nên vỉa hè khá rộng, có mái hiên chạy dài trú nắng mưa với hàng ghế ở dưới cho mọi người ngồi nghỉ. Trẻ em có chỗ để chạy nhảy, nô đùa mà không phải lo lắng gì đến tai nạn giao thông. Trên vỉa hè, người ta cũng mở các quán cà phê nhưng được bày biện, trang trí rất nghệ thuật và tuyệt nhiên không có chuyện xả rác bừa bãi dù chỉ là đầu mẩu thuốc lá.

Còn vỉa hè của ta, bao giờ hết lộn xộn, nhếch nhác?

Tuấn Nguyễn
.
.
.