Bao giờ người Nhật mới từ bỏ thói quen làm việc cật lực?

Thứ Hai, 17/02/2020, 11:13
“Karoshi”, hay còn gọi là chết vì làm việc quá sức, là một vấn đề đang diễn ra trong văn hóa làm việc cực đoan của Nhật Bản. Lao động cật lực đã trở nên phổ biến trong xã hội công nghiệp Nhật Bản.


Năm 2015, dư luận Nhật Bản rúng động trước vụ tự sát của một nữ nhân viên làm việc tại công ty quảng cáo Denstsu Inc. mà nguyên nhân chính được xác nhận 1 năm sau đó là do làm việc quá tải. Trong năm tài chính 2017, Nhật Bản ghi nhận có 190 ca tử vong trên cả nước do làm việc quá tải, trong đó có các vụ tự sát. Tuy nhiên, giờ đây Chính phủ đang nỗ lực thay đổi thói quen này…

Một năm chỉ dám nghỉ 2 ngày phép

Hideyuki, một kỹ sư 33 tuổi đang làm việc cho một công ty công nghệ ở Tokyo, có thể đếm trên một bàn tay số ngày anh nghỉ phép trong năm qua. "Một ngày vào tháng 4 cho lễ nhập học tiểu học của con gái tôi, hai lần nghỉ 1/2 ngày vào tháng 11, cho ngày phụ huynh và cho buổi biểu diễn độc tấu. Như vậy là nhiều hơn thường lệ", anh nói. Không phải vì anh không thể nghỉ nhiều hơn bởi thực tế anh được quyền nghỉ 20 ngày phép năm.

Người đàn ông ngủ gật trên ghế ngồi ở trạm tàu điện ngầm tại Tokyo sau giờ làm.

Nhưng giống như nhiều người làm công ở Nhật, sẽ không phải là một lựa chọn khi nghỉ quá số ngày tối thiểu tuyệt đối. "Tôi không muốn giám đốc nói bất kỳ điều gì xấu về tôi vì tôi đã nghỉ một ngày. Sẽ dễ dàng hơn là cứ làm việc, hơn là để người ta nói xấu về mình hoặc mình bị quở trách."

Bên cạnh 8 tiếng hành chính thông thường, thống kê cho thấy 1/4 người lao động Nhật Bản làm thêm trên 80 tiếng/tháng, gấp gần 3 lần mức tiêu chuẩn ở nhiều quốc gia khác. Mỗi năm tại Nhật Bản có tới gần 2.000 ca tử vong có liên quan đến công việc, chủ yếu do đột quỵ, đau tim, trầm cảm và tự tử. Cứ 5 người lao động có 1 người nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong vì làm việc quá sức.

Truyền thống làm việc ngoài giờ tại Nhật bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước - khi mức lương của người lao động tại quốc gia này tương đối thấp và họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình. Đến những năm bùng nổ kinh tế vào thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì.

Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu. Sức ép vô cùng lớn, các nhân viên ở lại làm việc ngoài giờ để không bị sa thải. Nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần đây trở thành một "văn hóa làm việc" dẫn đến hiện tượng Karoshi.

Những cuộc khảo sát cho thấy trong khi phần lớn người lao động đều thừa nhận làm việc quá sức là một vấn nạn cần giải quyết, cũng chính những người này sẵn sàng chấp nhận làm thêm nhiều giờ liên tục nếu công việc yêu cầu. Sự mâu thuẫn này xuất phát từ nền văn hóa coi trọng sự cống hiến ở Nhật Bản.

Người lao động, đặc biệt là nam giới chỉ được tôn trọng và có cơ hội thăng tiến nếu dành phần lớn thời gian cho công việc. Nam giới Nhật Bản xem việc ở công ty cả ngày và không làm chút việc nhà nào là điều hết sức bình thường.

Áp lực công việc khiến nhiều người Nhật không dám nghỉ phép.

Hideyuki giống như nhiều người lao động Nhật Bản, việc không nghỉ phép là chuyện bình thường. "Có khoảng 30 nhân viên trong công ty chúng tôi. Một đồng nghiệp đã nghỉ phép dài hạn vì bệnh tâm thần và chúng tôi thiếu người. Vì vậy, nếu một người nghỉ một ngày, nó sẽ là gánh nặng lên các người khác. Các chủ hãng không nghỉ ngày nào và thường xuyên làm việc muộn. Những người khác, không ai nghỉ phép, tôi không thể là người duy nhất đi nghỉ", anh nói.

"Trong khi xã hội phương Tây mang tính cá nhân và không phân cấp bậc thì xã hội Nhật Bản mang tính tập thể và phân cấp bậc. Vì vậy, nhiều người không dám nghỉ phép vì chủ hãng không chịu nghỉ, hoặc vì sợ sẽ phá vỡ sự hài hòa của nhóm làm việc", Hiroshi Ono, giáo sư quản lý nhân lực tại Đại Học Hitotsubashi, chuyên về văn hóa làm việc của Nhật Bản, giải thích.

Sẽ có sự thay đổi từ luật pháp

Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều giải pháp như chính sách ngày "Thứ Sáu vui vẻ", theo đó người lao động sẽ được về sớm trong ngày làm việc cuối cùng trong tuần. Ngoài ra, Chính phủ còn đặt ra mức trần một tháng không làm thêm quá 45 tiếng, một năm không quá 360 giờ đồng hồ. Chỉ những người có thu nhập hàng năm trên 10 triệu Yen (gần 100 USD) mới được miễn trừ khỏi giới hạn này.

Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chưa giải quyết được vấn nạn làm việc quá sức. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này: Thứ nhất là do văn hóa lao động, người lao động Nhật Bản vẫn sẵn sàng làm thêm giờ nếu cần thiết; Thứ hai do tình trạng thiếu hụt lao động ở rất nhiều ngành nghề khiến cácc công ty buộc phải để nhân viên làm thêm giờ.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết tâm thay đổi bằng cách đưa quy định vào trong Luật Cải cách lao động và đã được cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản thông qua năm 2018 sẽ có hiệu lực vào tháng 4- 2020.

Luật trên quy định về nguyên tắc thời gian làm việc ngoài giờ của người lao động chỉ được tối đa 45 giờ một tháng và 360 giờ một năm. Các công ty có thể điều chỉnh tăng mức giới hạn từng tháng trong những tháng cao điểm và được phép điều chỉnh tối đa 6 tháng/năm, tuy nhiên phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 100 giờ một tháng và 720 giờ một năm.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã có động thái thay đổi chính sách quan trọng là mở cửa thu hút thêm lao động nước ngoài. Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại số 1 đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại số 2 dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn…

Giám đốc Vụ Hài hòa công việc và cuộc sống của Bộ Y Tế- Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Susumu Oda giải thích: "Chúng ta đều biết việc nghỉ phép là rất quan trọng để khôi phục tinh thần lẫn thể chất cho nhân viên. Chúng tôi cũng đã kêu gọi các công ty và nhân viên khuyến khích thời gian nghỉ làm việc”.

Tuy nhiên, thực tế của việc cố gắng thay đổi thói quen làm việc của Nhật Bản là một thách thức khi nó đã ăn sâu trong xã hội. Theo một nghiên cứu về tước đoạt nghỉ phép năm của các lực lượng lao động trên toàn thế giới của công ty đăng ký du lịch Expedia, Nhật Bản bị điểm thấp nhất trong số 19 quốc gia và khu vực trong nghiên cứu năm 2018 của công ty này, với người làm công chỉ sử dụng trung bình một nửa số ngày phép năm- 10/20 ngày. Có đến 58% người làm công Nhật Bản dẫn giải "cảm giác tội lỗi" là lý do chính khiến họ không nghỉ số ngày phép được quyền.

"Có một khoảng cách rõ ràng giữa các thế hệ, 62% người Nhật từ 18-34 tuổi cảm thấy nghỉ phép bị tước đoạt, so với 40% ở những người trên 50 tuổi. Khoảng cách thế hệ này cho thấy ngay cả những người trẻ tuổi cũng muốn và thấy sự cần thiết phải nghỉ nhiều hơn, nhưng họ gặp khó khăn vì những người lớn tuổi không nghĩ hoặc hành động giống mình", bà Akina Murai, Trưởng phòng Quan hệ công chúng của Expedia tại Nhật Bản, nói.

Cuộc sống luôn bận rộn và căng thẳng.

Trong số những người thúc đẩy để có sự thay đổi là Yoshie Komuro, người sáng lập Work Life Balance Co Ltd, một hãng tư vấn có trụ sở tại Tokyo chuyên giúp đỡ các công ty cải thiện sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Khi tìm hiểu những lý do đằng sau tỷ lệ nghỉ phép hàng năm thấp của Nhật Bản, Komuro giải thích: "Khi chúng tôi nghiên cứu sâu hơn, thì không nhất thiết là họ bị thiếu người, nhưng thực tế là họ không thể giúp đỡ được nhau, vì họ không quen làm như vậy và không được đào tạo để làm như vậy.

Chúng tôi đã làm việc với hơn 1.000 tổ chức ở Nhật Bản và một khi các nhân viên quen với việc giao tiếp tích cực với nhau, chia sẻ thông tin trong nhóm, giúp đỡ lẫn nhau, và xác nhận rằng việc nghỉ phép sẽ không ảnh hưởng xấu đến việc đánh giá họ, thì họ bắt đầu nghỉ phép nhiều hơn".

Để mang lại sự thay đổi thực sự, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết một loạt các vấn đề sâu xa trong xã hội - từ việc thúc đẩy tỷ lệ sinh đẻ đang giảm dần của nước này và hỗ trợ việc chồng nghỉ phép khi vợ đẻ để tạo ra một lực lượng lao động phù hợp hơn với phụ nữ và người già.

Những nỗ lực cơ sở nhằm mang lại sự thay đổi trong phong cách nơi làm việc dường như cũng đang được tiến hành. Chính phủ Nhật Bản cũng đa dạng môi trường làm việc. Nhiều công ty của Nhật Bản hỗ trợ nhân viên làm việc ở bất cứ nơi nào thuận tiện như những phòng hát karaoke hay trong những bốt làm việc di động đặt rải rác trong thành phố. Một vài công ty còn mở các khu lều trại ở công viên hay các khu vực ngoại ô cho nhân viên làm việc. Theo đánh giá của người lao động đây là những biện pháp khá tích cực, việc linh hoạt thay đổi không gian đã giúp họ giảm căng thẳng trong công việc.

Minh Hằng (Tổng hợp)
.
.
.