Bạo lực gia đình: "Chồng giận thì vợ bớt lời"

Thứ Năm, 18/06/2020, 15:58
Ba nguyên nhân trên cấu thành bạo lực giữa cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể, quốc gia với quốc gia, cấu thành chiến tranh, xung động, mâu thuẫn. Trong đó, dạng bạo lực tồn tại phổ biến, dai dẳng và để lại hệ lụy vô cùng to lớn tới cuộc đời mỗi con người, lại là bạo lực gia đình.


Bạo lực, giữa con người với con người, được hiểu là hành động sử dụng vũ lực, sức mạnh thể chất, để áp chế, chi phối, gây tổn hại đến người khác. Bạo lực xuất hiện có lẽ ngay từ thuở sơ khai, gắn liền với bản năng, khi con người mới xuất hiện, khi nhu cầu về sự tự bảo vệ và đàn áp kẻ khác được coi như một nhu cầu sống còn. Ngoài nhu cầu tự vệ, tham vọng thống trị, người ta còn sử dụng bạo lực vì sự sợ hãi. Vì sợ hãi nên tấn công, vì sợ hãi nên cần răn đe, thậm chí tiêu diệt. 

Ba nguyên nhân trên cấu thành bạo lực giữa cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể, quốc gia với quốc gia, cấu thành chiến tranh, xung động, mâu thuẫn. Trong đó, dạng bạo lực tồn tại phổ biến, dai dẳng và để lại hệ lụy vô cùng to lớn tới cuộc đời mỗi con người, lại là bạo lực gia đình.

Chửi đau lòng đó cũng đau lòng này.

Nghe thì tưởng mâu thuẫn, nhưng thực ra lại hoàn toàn có lý, nơi gần gũi nhất, gắn bó nhất, cũng là nơi bạo lực dễ nảy sinh, dễ được dung túng, chấp nhận, chịu đựng. Mà bạo lực lại có đặc thù gây nghiện, gây say, khoái cảm cai trị được kẻ khác khơi dậy một trong những bản năng tàn ác nhất của con người, khiến người ta không thể dừng lại một khi đã nếm mùi vị của kẻ đi săn, của việc trở thành bạo chúa, và nhất là khi con mồi không có ý định phản kháng.

Bạo lực có thể xảy ra giữa các thế hệ trong gia đình, ông bà với cháu, bố mẹ với con cái, vợ với chồng, anh chị với em. Từ thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nhân danh yêu cho roi cho vọt, đến chì chiết, chửi bới, đe doạ, sỉ nhục, coi thường, thao túng tinh thần, có đủ mọi hình thái của bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất, nhưng tổn thương của kẻ bị bạo lực gia đình thì thường giống nhau. 

Ngoài tổn thương thể chất, thậm chí mất mạng vì bị đánh đập, ai bảo người bị đánh triền miên đau đớn về thể xác thì không tổn thương lòng tự trọng, không sang chấn tâm lý? Ai bảo tổn thương tinh thần, tâm lý không khiến trẻ nhỏ tự ti, méo mó về nhân cách? Ai bảo khủng hoảng tinh thần do bạo hành không khiến người ta trầm cảm, không có khả năng bóp nát một cuộc sống bình thường? Khoa học đã chỉ ra đủ loại bệnh sinh ra từ bạo lực gia đình: rối loạn khí sắc, rối loạn nhân cách, lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm thần phân liệt... Toàn những căn bệnh mà nghe tên đã đủ giật mình.

Nhà văn An Hạ anhavn85@gmail.com.

Bạo lực thể chất dễ nhận ra mà còn chưa được bảo vệ thoả đáng. Bao nhiêu nạn nhân chỉ được cứu khi đã bị đánh thừa sống thiếu chết suốt thời gian dài, sau khi hội phụ nữ địa phương nhiều lần can thiệp hoà giải, hay chỉ để dư luận choáng váng trước cái chết đau đớn tím tái của một đứa trẻ, một người vợ trong cơn điên bạo lực gia đình. Người ta rùng mình, căm phẫn, lên án, rồi người ta lại quên ngay. Bạo lực tinh thần còn khó nhận diện, khó xử lý gấp nhiều lần hơn thế bởi đôi lúc, ngay cả nạn nhân của bạo lực tinh thần có thể cũng không nhận ra tình trạng của mình.

Thế nào là bạo lực tinh thần trong gia đình? Đấy là khi người thân sử dụng lời lẽ, thái độ gây áp lực lên tinh thần của bạn trong một thời gian dài, nhằm áp đặt, ép buộc, chi phối bạn. Chửi bới, mắng nhiếc là bạo lực. Lạnh nhạt, thờ ơ, chiến tranh lạnh là bạo lực. Coi thường, so sánh, hạ thấp, chê bai là bạo lực. Nguy hiểm là những cách thức bạo hành trên lại được coi là chuyện riêng trong nhà, là cách dạy dỗ không lạ, được trao quyền. Vợ chê bai chồng, chồng mắng nhiếc sỉ vả vợ lại được coi là cơn nóng giận, cơm không lành canh không ngọt. Bố mẹ chửi bới con cái, so sánh với con nhà người ta, ép buộc, đánh đập được cho là kỷ luật gia đình, là cách dạy con thông thường. Những cái thông thường ấy nếu kéo dài hoàn toàn có thể biến thành thứ axit ăn mòn con người ta, biến cuộc sống đang có thành địa ngục đen tối.

Ảnh minh họa.

Tôi có một người bạn là nạn nhân của trò thao túng người thân dạng Gaslighting (nghĩa gốc là đèn thắp bằng khí gas). Đây là hình thức lạm dụng tâm lý, thường được vợ hoặc chồng sử dụng để khiến nạn nhân nghi ngờ về nhận thức của chính mình, từ đấy nghi ngờ bản thân, lo lắng bối rối mà dằn vặt giữa đúng sai. Nạn nhân rơi vào tình trạng mơ hồ, không thể nhận thức rõ ràng, để kẻ sử dụng thao túng tinh thần, dễ dàng chi phối, lừa dối.

Tên gọi của trò thao túng này bắt đầu từ một vở kịch nổi tiếng cùng tên Gaslighting, sau đó được chuyển thể thành phim. Nội dung chính xoay quanh việc người chồng tìm cách thuyết phục tất cả mọi người, và cả chính người vợ, rằng cô bị điên bằng cách thay đổi vị trí đồ đạc trong nhà khiến người vợ hoài nghi trí nhớ của chính mình. Đỉnh điểm của trò thao túng là khi người vợ nhận thấy cái đèn sáng mờ, chuẩn bị hết gas, và người chồng tiếp tục không công nhận thực tế đó, tiếp tục thao túng và khẳng định vợ mình hoang tưởng.

Tương tự cô vợ trong vở kịch nổi tiếng, bạn tôi liên tục hoang mang, tự giày vò khi cô bắt được được đoạn tin nhắn, trò chuyện giữa chồng và những cô gái lạ. Chồng bạn tôi liên tục khẳng định vợ đang tưởng tượng ra mọi chuyện, bạn tôi đang quá nhạy cảm, nghi ngờ vô căn cứ, rằng anh ta chỉ nói đùa, ai cũng bông đùa như thế cả. Bạn tôi sống trong hoang mang, tự dằn vặt trong suốt bảy năm hôn nhân, cho tới khi bước ra khỏi hôn nhân, xác định rõ được sự phản bội, lừa dối nhiều năm của chồng. Cô mất thêm ba năm sau đó mới gọi tên được hình thức bạo hành tinh thần chồng cũ dành cho mình qua một tài liệu tìm đọc được trên mạng.

Năm ngoái, tin tức về một cậu nam sinh lao ra khỏi ôtô, nhảy xuống cầu tự vẫn, bỏ mặc bà mẹ vừa lao theo phía sau, đổ sụp xuống tuyệt vọng, đã lan khắp mạng xã hội. Nhiều người đã không thở nổi khi xem đoạn clip dài vài chục giấy ấy dù đây là câu chuyện xảy ra ở nước ngoài. Hoá ra một cuộc cãi vã có thể giết chết một đứa trẻ nhanh như thế. Hoá ra lời lẽ có tính sát thương lớn như thế. Hay là sự xung đột đã biến thành bạo hành bằng lời lẽ mà ngay cả người mẹ cũng không nhận ra?

Có bao nhiêu người trong chúng ta giật mình sau những cơn giận, sau những lời lẽ khủng khiếp dành cho người thân và nhận thức được đấy là bước đầu của bạo hành gia đình? Bao nhiêu người trong chúng ta từng nhân danh tình yêu, sự quan tâm, mong muốn dạy dỗ, nhưng thực chất là mong muốn chi phối chính những người thân yêu nhất của mình?

Yêu thương nào cũng cần dựa trên sự tôn trọng, mâu thuẫn nào cũng cần được giải quyết bằng đối thoại. Phải chăng, để gia đình thực sự là gia đình, luật pháp cần nghiêm khắc hơn, mỗi chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn, để không còn phải đọc, phải nghe những câu chuyện buồn nhất thế gian về đủ loại cách thức những người thân có thể làm đau nhau nữa.

An Hạ
.
.
.