Cuộc mưu sinh cơ cực của người dân bên kênh rạch Sài Gòn:

Bắt trùn chỉ mưu sinh từ bùn nhơ

Thứ Năm, 27/09/2012, 10:21
Trầm mình dưới nước kênh ô nhiễm, tay trần vốc những nắm bùn đen nhớp, bắt trùn chỉ có lẽ là nghề cùng cực và lầm lũi nhất để mưu sinh của dân lao động Sài Gòn. Nhưng không ai chịu bỏ nghề, vì cực nhưng đủ xài…

Một căn nhà 40m2 và một chiếc ao nuôi rộng rãi được gây dựng lên bằng cái nghề độc nhất vô nhị này, anh Vũ Văn Duy- một thợ trùn ở bến Phú Định, phường 15, quận 8, TP HCM đã sinh nghề tử nghiệp trong hơn 15 năm bỏ quê vào Nam bắt trùn chỉ trên những kênh rạch Sài Gòn cho rằng, nghề này cực lắm, nhưng ráng vẫn đủ sống.

Sinh nghề…

Một ngày thảnh thơi của một thợ trùn như anh Duy quả là hiếm có. Xóm trùn chỉ phường 15 được hình thành ở Sài Gòn từ 30 năm trước, người làm nghề lâu năm nhất đã gần 70 tuổi, cỡ như anh Duy 15 năm thuộc vào hạng thợ lành nghề. Nghề bắt trùn chỉ được bắt đầu từ những người dân thổ cư vùng kênh rạch Sài Gòn nhưng điều kì lạ là thợ trùn bây giờ hầu hết là người Bắc nhập cư. Năm mất mùa, anh Duy dắt vợ con từ Hải Phòng vào Nam, ban đầu đi phụ hồ và rồi được chỉ đi bắt trùn vì nhiều tiền hơn. 

Quận 8, TP HCM tập trung rất đông người lao động sống dưới những gầm cầu, xung quanh các kênh rạch. Người ta lầm lũi mưu sinh bằng đủ mọi nghề. Không có việc làm, anh Duy theo ghe bắt trùn chỉ phụ việc và trở thành thợ lành nghề lúc nào không hay. Ngày trước mỗi một lon trùn chỉ bán được một ngàn rưỡi; ngày bắt được ít thì ba, bốn chục lon; đến mùa trùn sinh sản có ngày đánh được hai, ba trăm lon trùn. Dù cơ cực, nhưng đó dần là nghề mưu sinh giúp gia đình anh sống ổn định.

Đãi trùn - móc bùn nhơ tìm cuộc sống

Công việc của các ghe trùn thường bắt đầu lúc 11h30 sáng. Sau bữa cơm trưa, thợ trùn mang vợt, chậu nhựa, lưới đãi và những lon sữa bò dung để đong trùn đi nhập sỉ. Mất một giờ đồng hồ chèo ghe đến bãi trùn, mò 3 - 4 tiếng, đến cuối chiều là xong. Nhiều nhất là bãi trùn ở bến Chợ Đệm, kênh Lý Văn Mạnh (Bình Chánh), dọc kênh Tàu Hũ hoặc có khi tận những kênh rạch thuộc Long An.

Bãi trùn thường xuất hiện khi nước triều xuống, nên thợ trùn phải chạy đua với con nước, không lẹ là trùn chết. Anh Duy chạy ghe hết bãi này sang bãi khác theo dòng nước chảy. Ghe dừng lại, đâm sào xuống đáy sông nơi con nước cạn, nếu thấy bùn dính những sợi màu hồng đỏ bám vào sào thì đó là bãi trùn lý tưởng.

Thợ trùn buộc dây những chậu đựng trùn đeo vào cổ; từ xa cảm giác như chỉ có những chiếc chậu nổi bập bềnh. Vục chiếc vợt xuống lòng nước, khom người, tay trần vốc từng nắm bùn đen nhớp rồi đãi mạnh trong nước đen, lắc cho bùn trôi bớt và những con trùn chỉ màu hồng nhạt hiện ra. Chiếc chậu đựng cả bùn lẫn trùn chỉ ngày một nặng, sợi dây móc vào cổ ngày một thít mạnh hơn.

Phải ngụp lặn trong dòng nước kênh đen, có khi chỉ chừa sống mũi để thở, đời thợ đãi trùn cũng lắm khi chua chát. Kênh giờ ngập tràn phế thải, nhiều lúc ớn lạnh vì đủ thứ rác trôi qua mặt. Ghe tàu thì qua lại liên tục, có khi làm sóng mạnh, làm chiếc thau nặng đựng trùn chỉ lật úp, đi tong cả chiều mò mẫm ngụp lặn. Tối trở về nhà, cùng với những lon trùn au đỏ, là đôi tay bợt trắng hôi hám tưởng muốn bung tróc từng mảng da.

 Anh Duy nói vui mà nghe rất chát: Làm cái nghề trùn chỉ này thành ra được vào bệnh viện thường xuyên. Không vì giẫm phải mẻ chai, vật sắc nhọn dưới đáy sông thì cũng vì bị ghẻ lở, ngứa loét, lúc nào thuốc mỡ tra ngứa cũng phải thủ sẵn. Có lẽ vì anh lấy vợ trước khi đến với nghề trùn chỉ nên có phần dễ dàng, chứ như mấy cậu thanh niên chưa vợ làm nghề này khó có gái mê. Con gái thấy là đã chạy xa vì cái mùi đặc trưng của thợ trùn suốt ngày lặn ngụp khắp kênh rạch ô nhiễm.

Tử nghiệp…

Tồn tại suốt 30 năm, xóm trùn chỉ cũng nổi nênh như nước triều lên xuống của những dòng kênh. Có những người phất lên nhờ nghề trùn chỉ và cũng có những thợ trùn thiệt mạng. Năm 1998, hai thợ trùn bị chính chiếc chậu đựng trùn quấn ở cổ lật nhào kéo xuống dòng nước không kịp trở tay và chết ngạt.

Muôn vàn cùng cực, nhưng anh Duy nói, không học hành và cũng chẳng có đất mưu sinh, dù sao ở thành phố gạo châu củi quế thì nghề trùn chỉ vẫn giúp gia đình họ sống được. Thế nên biết cực mà vẫn ráng. Như biết bao nghề khác, chầu chực hiểm nguy, mà người ta vẫn dấn thân…

Nghề bắt trùn theo mùa nước, không phải mùa nào cũng có nhiều trùn để bắt. ''Những tháng mùa khô trùn chẳng có, nên mưu sinh một mùa mưa để bù 6 tháng khô hanh" - anh Duy nói. Vào mùa, mỗi ngày anh Duy thu nhập khoảng 400 ngàn. Đến nay sau 15 năm mưu sinh bằng nghề trùn chỉ, anh đã có một ngôi nhà nho nhỏ cho 4 con người, một vạt ao trước nhà để nuôi cá và làm dịch vụ câu cá giải trí.

Một lý do nữa là làm nghề trùn chỉ mang lại cho anh Duy hay hầu hết thợ trùn ở bến Phú Định một tinh thần sảng khoái tự do tự tại, không phải gò ép trong cuộc sống mưu sinh làm thuê làm mướn vừa vất vả vừa có một chút bị chủ coi thường... Anh Duy nói, được như vậy là mình mang ơn nghề trùn chỉ nên dù có ra sao đi nữa anh cũng không tính tới việc bỏ nghề.

Xóm trùn chỉ ở Sài Gòn có cả ở khu vực Cầu Đò, phường 15, quận Bình Thạnh hầu hết là dân Bến Tre và Long An trôi dạt về. Xóm trùn là những căn nhà tạm bợ, sàn gỗ, vách tôn, nhỏ chỉ chừng 9 - 10m2 thòi thọt ra phía những con kênh, che chở cho nhau trong cuộc sống mưu sinh. Xóm có khoảng 30 đàn ông thì đã gần 20 người làm nghề đãi trùn. Bất kể ngày đêm, chỉ chờ khi nước bắt đầu cạn, với bộ đồ nghề chỉ là cái vợt lưới và chiếc thau to, trên những chiếc xuồng con, họ chèo ra cửa sông, bắt đầu công việc của mình.

Trùn chỉ hay còn gọi là giun đỏ là động vật đáy thuộc nhóm giun ít tơ (Oligochaeta), sống ở nơi có dòng chảy, nhiều chất hữu cơ dơ bẩn. Thân có hình ống, màu đỏ, dài 1,5 - 3cm, đường kính 0,1 - 0,3mm, chúng sống bằng cách vùi một phần dưới đáy bùn và phần lớn cơ thể hướng thẳng lên và uốn lượn như gợn sóng. Chỉ cần một dấu hiệu nguy hiểm nhỏ, chúng sẽ rút vào đáy bùn, sau đó lại thò ra để lấy ít oxy trong nước bẩn. Trùn chỉ là loại thức ăn ưa thích của tất cả các loài cá cảnh và cá giống. Đặc biệt cá con rất cần nguồn thức ăn tươi này.

Các nhà nuôi trồng thuỷ canh đều biết rõ tác dụng của nguồn thức ăn tươi trùn chỉ. Trên thị trường, giá trùn chỉ tươi không đắt lắm. Nhưng không may là các nguồn trùn chỉ này mang theo rất nhiều mầm bệnh, gần như là 100%. Do môi trường sống tự nhiên của chúng chính là đáy bùn của những dòng kênh ô nhiễm chất hữu cơ. Việc rửa sạch bùn đất cho trùn chỉ không làm sạch mầm bệnh được.

Cẩm Huyền
.
.
.