Bay cùng cánh chim biển Kim Sơn

Thứ Năm, 23/04/2015, 11:00
Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình nổi tiếng có rượu quê, bọt to trong vắt, được trưng cất loại men ta gồm 36 vị thuốc bắc, uống cực êm. Vậy nên khi về gặp họa sĩ Trần Hòa Bình, người chuyên vẽ chân dung Bác Hồ, ở trung tâm thị trấn tôi liền hỏi về loại rượu này. Ông cười và lôi ngay ra một vò đầy cho tôi thưởng thức.

Tôi uống đến chén thứ hai mà hồn đã lâng lâng như muốn bay theo cánh chim đã xao xác trên con sông Ân. Đôi mắt của họa sĩ Trần Hòa Bình cười tít và nói đủ thứ chuyện về miền biển quê ông.

Người làm nên cái tên Kim Sơn (núi vàng)

Nói hình ảnh núi vàng để biểu tượng cho một mảnh đất luôn luôn mới lạ, trẻ trung và phì nhiêu của miệt biển phía cực nam thuộc tỉnh Ninh Bình. Bởi lẽ vùng đất biển này hằng năm lấn ra biển trung bình từ 80 đến 100m, do sự bồi đắp phù sa. Người đặt cho cái tên đầy lãng mạn không ai khác là nhà thơ Nguyễn Công Trứ, người Hà Tĩnh và là một mệnh quan triều Nguyễn từ năm 1819, khi đã ở tuổi 41. 

Ông được coi là Tổ Thành Hoàng khai sinh cả vùng đất Kim Sơn này, vì đã dẫn dắt người dân khai sơn lập địa, quai đê lấn biển tạo nên vùng đất mới từ năm 1829. Thậm chí dân Kim Sơn tôn sùng đã lập đền thờ sống ông (Sinh Từ), từ năm 1852, tại xã Quang Thiện, trung tâm thị trấn Phát Diệm, để mở hội mừng thọ ông hằng năm.

Nhà thờ đá. 

Sau khi Nguyễn Công Trứ mất, năm 1882, ngôi đền được sửa sang nâng cấp, và mở hội chính vào 14 tháng 11 âm lịch, để tưởng nhớ đến công ơn ngài đã dẫn dắt dân khai hoang lấn biển, tạo nên một vùng đất rộng lớn cho đến ngày nay. Chính con sông Ân, chạy từ đầu tới cuối huyện Kim Sơn, cũng nằm trong công trình dẫn nước ngọt; từ các con sông Vạc, sông Càn và sông Đáy, dành cho việc canh tác lúa từ các vùng đất mới của Nguyễn Công Trứ.

Họa sĩ Trần Hòa Bình say sưa nói, chính con sông Ân và hệ thống kênh rạch dài tới 100km, đã tạo nên hương vị của giống lúa thuộc vùng đất đã được thay chua rửa mặn, mà làm nên hương vị độc đáo của rượu Kim Sơn. Chả thế ông còn cho biết mới đây, rượu Kim Sơn còn được đề cử kỷ lục được chọn trong Top 10 loại rượu ngon nhất Việt Nam. 

Nói rồi ông lại rót cho tôi chén thứ ba, để cho mềm môi và ông hát mấy câu thơ trong ca khúc ả đào của nhà thơ Nguyễn Trung Trực. Tôi nghe ngờ ngợ và thấy quen quen, như trong bài ca trù “Nợ tang bồng”. Đúng vậy, lời ca sảng khoái và ngạo nghễ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. 

Tay người họa sĩ như làn sóng gõ nhịp thời gian, theo tiếng phách của điệu ca trù, vang vang trong làn gió thổi từ biển khơi. Những sắc màu ông vẽ mỗi buổi sáng, giờ đây cũng tươi sắc, với những ký ức năm tháng của miền đất tươi trẻ này. Câu ca của Nguyễn Công Trứ vẫn vần vũ đâu đây trong sóng biển: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.

Nói về nhà thơ Nguyễn Công Trứ thì nhiều giai thoại hết sức thú vị, thực ra ông còn là một tướng tài cũng cầm quân đánh trận và được thăng quan tiến chức vinh hiển, tới ngôi vị thượng thư và tổng đốc. Nhưng ông lại trực tính và ngông ngạo làm nhiều việc khá ngẫu hứng nên nhiều lần bị giáng chức. 

Có lần ông còn bị giáng một lúc tới bốn cấp, thậm chí vào năm 1841 còn bị xử án trảm, rồi lại được tha. Đến hai năm sau thì bị đánh tuột xuống lính trơn. Nhưng rồi ông vẫn ngoi lên với những thành tựu không thể ngăn cản. Khi về hưu năm 1847, ông giữ chức Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Những bước thăng trầm thật không giống ai, phần nào nói lên tính cách trung thực, ngang tàng của một tài năng xuất chúng. 

Ông thuộc diện tài lắm tật nhiều. Ông say hát ả đào như điếu đổ. Nhiều bài hát ca trù của ông thuộc vào loại kinh điển, hơn 150 năm qua vẫn còn được hát cho đến ngày nay như: “Sầu tình”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, “Bài ca ngất ngưởng”, hay như “Trong trần mấy mặt làng chơi”, hoặc “Nợ tang bồng”...

Chuyện ngông của ông còn thể hiện cả trong tình duyên và thói đời ung dung tự tại, một mình chơi một kiểu. Đến tuổi 73 ông còn đi hỏi vợ. Cô gái kia chợt hỏi tuổi ông, thì ngay lập tức ông hóm hỉnh trả lời bằng một câu thơ: “Năm mươi năm trước anh hai ba”. Phục tài và yêu tính cách ông, cô gái kia hãnh diện đi cùng ông trên chiếc xe bò rong chơi, khắp nơi và trở thành vợ chồng. 

Tính cách nghệ sĩ xen lẫn bản lĩnh chính khách đầy khí phách trong một thi nhân như Nguyễn Công Trứ quả là hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử triều Nguyễn. Ông để lại nhiều tác phẩm với nhiều câu thơ trác tuyệt, và tự nhận mình: “Trong triều ai ngất ngưởng được như ông”. Và chính chí khí nợ tang bồng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”, đã làm nên danh xưng Nguyễn Công Trứ, một quan lớn văn võ song toàn dưới triều Nguyễn. 

Chả thế đến năm 80 tuổi ông vẫn còn dâng sớ xin cầm quân đánh Pháp xâm lược. Không được chấp nhận, vì tuổi già yếu nhưng điều đó nói lên khí phách của một anh hùng thời đại và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.

Một nhà thờ độc đáo nhất thế giới

Đó là nhà thờ Phát Diệm, tại thị trấn Phát Diệm, thủ phủ của huyện Kim Sơn. Nó có một nét độc đáo đến kỳ dị khi kết hợp hai khuynh hướng kiến trúc, giữa nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Tây nhưng lại được phủ lên một hình ảnh mái chùa quen thuộc ở mọi làng quê Việt Nam. 

Có nhà nghiên cứu về kiến trúc còn đưa ra kết luận, trên thế giới không hề có được sự sáng tạo và kết hợp khéo léo đến thế. Một sự hòa nhập hai nền văn hóa thật sự làm mê hoặc mọi du khách đến chiêm ngưỡng nơi đây. 

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm.

Hơn nữa, đây là một nhà thờ lớn được xây dựng toàn bằng đá và gỗ, trong hàng chục năm. Nó được hoàn thiện dần từng bước với nhiều công sức và đóng góp của toàn dân huyện Kim Sơn. Mái của nhà thờ Phát Diệm không cao vút, kiểu ngọn tháp quen thuộc, mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa ở mọi làng quê.

Nếu tính từ những ngày khởi thủy nhà thờ Phát Diệm được xây dựng từ năm 1865, dưới sự chỉ đạo của linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu), thì để hoàn thiện khu nhà thờ đá như hiện nay, ròng rã tới 34 năm, cho đến khi cụ mất năm 1899. Và, chính cụ là cha đẻ ra hình hài nhà thờ Phát Diệm, cũng là người chỉ huy xây dựng bản vẽ của mình. 

Cụ Sáu có mong muốn trong tâm niệm rằng, cần hòa nhập và sự hội tụ giữa đạo công giáo với nền văn hóa kiến trúc dân tộc, thể hiện sự hòa hợp giữa công giáo và các tôn giáo khác ở Việt Nam. Đó là tình đoàn kết của con người trên khắp thế gian này. Quả không dễ gì lại có một ý tưởng phá cách đến như vậy về tôn giáo trên mảnh đất Kim Sơn còn non trẻ ngày ấy. 

Hiện trong khu nhà thờ còn lưu giữ ngôi mộ bằng đá của cụ Sáu, để ghi nhớ công ơn người kiến trúc sư của quần thể khu nhà thờ rộng 117,6m và dài 242,9m này. Ngay từ đầu năm 1988, quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm đã được Bộ Văn hóa xếp hàng di tích Lịch sử-Văn hóa. 

Ngoài nét độc đáo trong kiến trúc, hiện nhà thờ Phát Diệm còn lưu giữ được một quả chuông đồng cổ đúc năm 1890, với chiều cao 1,4m, đường kính 1,1m. Chiếc chuông này được những người thợ đúc với công nghệ độc đáo và bí ẩn, nên tiếng chuông ngân, vang xa đến nhiều vùng dân cả ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đều nghe thấy. 

Đặc biệt, khi nói đến quần thể nhà thờ Phát Diệm, không thể nhắc đến ngôi nhà thờ đá, được xây từ năm 1883, trước cả ngôi nhà thờ chính. Tên gọi là nhà thờ đá, vì tất cả từ nền, tường, cột, chấn song cửa... đều làm bằng đá. Đặc biệt phía trong còn được khắc chạm nhiều bức phù điêu đẹp như bức chạm tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai hoặc những nét khắc họa hình sư tử, hay công, phượng hết sức sống động. Đây chính là một nhà thờ có một không hai ở nước ta với vẻ đẹp kỳ lạ. 

Dẫn tôi đi dạo quanh khu nhà thờ, họa sĩ Trần Hòa Bình chỉ về phía giữa Phương đình (cổng) và hồ nước, là nơi thường trình diễn các tiết mục ca mừng Giáng sinh, phục vụ nhân dân và du khách. Giáng sinh cũng là lúc bên trong thánh đường, mọi người cùng nhau nguyện cầu cho cuộc sống hòa bình, con người an lạc và hạnh phúc. Bên ngoài, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noel, cùng gia đình, bạn bè rủ nhau vào hội hằng năm.

Hướng về phía biển

Cuối cùng, những bước chân giang hồ đã dẫn tôi tới thị trấn Cồn nổi, nơi được coi là đô thị du lịch biển đảo của Kim Sơn. Những đám mây bay cuồn cuộn từ biển khơi. Nơi đây, người ta vừa kỷ niệm 185 hình thành vùng đất lấn biển này. Một con đê quai đang được hình thành để giành được một khu đất còn tươi non với những cây sú, cây vẹt. Mai đây nó sẽ là mảnh đất phì nhiêu với những cánh đồng lúa xanh ngút ngát. 

Riêng vùng Bãi Ngang là nơi cứ trú của 200 loài chim và có nhiều loại quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới như: Cò Thìa, Mòng Bể, Cò Trắng Bắc... Cùng với Cồn nổi - Kim Sơn rạo rực một miền sóng, những cánh chim luôn luôn trở về. Hằng ngày chúng bay đi kiếm ăn rồi lại về ngôi nhà Cồn nổi, bãi Ngang. Có chú chim chợt đậu lên mũi xe chúng tôi. Nó hót lên một điệu ca thanh bình và vỗ cánh bay về phía biển. 

Họa sĩ Trần Hòa Bình vội ký họa lên những trang giấy với vẻ xúc động lạ lùng. Ông nói mình chưa bao giờ vẽ trước biển như vậy náo nức như thế này. Những cánh chim bay về đâu? Lang thang vô định như những kẻ giang hồ đi tìm miền cảm xúc mới lạ. 

Tôi chợt hình dung tới vóc dáng thư sinh Nguyễn Công Trứ đang sắn quần cùng với dân Kim Sơn, khênh những tảng đá xây con đê giữ đất ngày nào. Rồi còn đó, ngỡ như ông đang đi xe ngựa và cùng với chiếc quạt mo phe phẩy, dạo quanh miệt biển rong chơi, với những câu thơ: “Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi”. Có lẽ chính vì những bước chân lãng tử, với tình yêu đất nước, con người mà ông đã dựng nên mảnh đất Kim Sơn, luôn luôn tươi mới với thời gian.

Chung Tử
.
.
.