Bầy khỉ

Thứ Năm, 10/09/2015, 15:30
Có lẽ vì người đi núi đông vui cũng khiến cho bầy khỉ trên núi vui lây! Chiều nào những chú khỉ cũng rủ nhau tụ tập ở khu vực quanh mấy quán giải khát, quà vặt phục vụ người đi bộ. Khỉ lớn khỉ bé, khỉ già khỉ trẻ, khỉ đang mang bầu cũng như khỉ nuôi con mọn, tất thảy đều nhanh nhẹn, tinh quái, chẳng thua gì đám lâu la đệ tử của Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không trong phim...

Mình đi bộ thể dục lên núi từ nhiều năm nay. Lúc đầu chỉ gặp toàn những người có tuổi, sau này mới thêm đám thanh niên, rồi lắm hôm thấy cả trẻ con cũng hăm hở theo chân bố mẹ. Người đi bộ đông dần lên qua từng năm. Có người đi lúc sáng sớm, nhưng phần lớn đi vào buổi chiều. Đi ngày thường, đi cả thứ bảy, chủ nhật hay những ngày nghỉ lễ. Chiều chiều dân đi bộ phóng xe máy, xe hơi đến gửi ở những điểm gửi xe dưới chân núi, rồi cứ thế rồng rắn, dung dăng dung dẻ nối đuôi nhau lên núi. Hôm nào mắc công chuyện, buổi chiều có lên núi muộn muộn một chút thì khi về cũng chẳng ngại phải một mình thui thủi trên đường…

Có lẽ vì người đi núi đông vui cũng khiến cho bầy khỉ trên núi vui lây! Chiều nào những chú khỉ cũng rủ nhau tụ tập ở khu vực quanh mấy quán giải khát, quà vặt phục vụ người đi bộ. Khỉ lớn khỉ bé, khỉ già khỉ trẻ, khỉ đang mang bầu cũng như khỉ nuôi con mọn, tất thảy đều nhanh nhẹn, tinh quái, chẳng thua gì đám lâu la đệ tử của Mỹ Hầu Vương Tôn Ngộ Không trong phim.

Khỉ là loài thông minh, giỏi bắt chước (ảnh chỉ có tính minh họa).

Khách dừng chân ở quán, uống ly nước mía, điểm tâm quả trứng luộc, tiện tay chia cho khỉ quả chuối, miếng xoài. Lâu dần người quen khỉ, khỉ quen người, chiều chiều đến giờ người lên núi thì khỉ xuống núi, gặp gỡ nhau ở mấy quán nước. Những nơi ấy đã trở nên quá quen thuộc, dân đi bộ đặt cho tên là quán khỉ, chùa khỉ. Nhiều cặp nam thanh nữ tú chẳng tha thiết gì lắm với môn đi bộ, chiều đến cũng cặp kè đèo nhau bằng xe máy lên núi hóng mát, xem khỉ và cho khỉ ăn.

Khỉ là loài vật cực kỳ thông minh, chắc chỉ đứng sau con người. Mình có cảm giác lũ khỉ có thể đoán biết được suy nghĩ của người, lường trước những hành động của người. Và nhớ rất dai. Có một chuyện như thế này: Một gã thanh niên đi núi, không hiểu hôm đó bực bội chuyện gì, hay đơn giản chỉ là nghịch ác, tiện tay nhặt hòn đá chọi một con khỉ cái. Con khỉ cái còn đang ôm đứa con nhỏ dưới bụng, thất kinh nhảy tót lên bụi cây.

Cách cả tuần sau, vào buổi chiều gã thanh niên vừa ra khỏi nhà thì bị một con khỉ đực bất ngờ tấn công. Con khỉ đực phục sẵn ở bụi cây bên kia đường. Thấy gã, nó vọt xuống và chỉ ba bước, đã đu cả người lên cổ gã. Một vả, một cắn chí tử. Gã trai chưa kịp trở tay thì cổ và vai đã rách toạc. Con khỉ đực, chắc là "người nhà" của con khỉ cái bị chọi đá hôm nọ, tìm đến đúng "tổ con chuồn chuồn" để trả thù. Mà từ ngôi nhà của gã đến nơi bầy khỉ vẫn thường tụ tập phải cách nhau gần ba cây số.

Hàng ngày mình đi qua mấy quán khỉ, chùa khỉ, vẫn thấy có những chú khỉ ranh ma lén lút chạy theo các bà các cô, lừa giật túi trái cây hay túi bánh trên tay họ. Chị em bị giật đồ hoảng hồn nhưng lại ré lên cười. Mình không ăn vặt, uống vặt nên đi tay không. Lũ khỉ bên đường thấy mình đi qua không thèm nhúc nhích, không thèm nhìn, khinh người ra mặt.

Gần người mãi, khỉ bắt đầu học được ở con người những… trò khỉ! Đơn giản như chìa tay ăn xin, ném đá, nhổ bọt. Ma cô hơn, biết trêu gái bằng những cử chỉ khiến chị em phải quay mặt, bỏ của chạy lấy người. Thấy ai ngồi ăn cũng đến chầu bên cạnh. Được ăn ké thì ngoan ngoãn cho bắt tay, xoa đầu. Không được ăn thì chổng đít, gãi mông, tót lên cây khẹc khẹc mấy tiếng như chửi thề, văng tục.

Một lần mình dừng lại, xem chú khỉ nhỏ cầm mấy tờ tiền lon ton tới đưa cho chị chủ quán, rồi nhận lấy gói thuốc lá "ba số", đem về đặt lên bàn trước mặt một ông khách. Ông khách bóc bao thuốc, rút một điếu châm lửa. Tưởng như mọi lần, chờ chú khỉ chìa tay ra xin thì khách mới dúi cho chiếc kẹo. Nhưng không. Chú khỉ này vẫn đứng im, nhăn mặt, xua xua khói, ý như muốn bảo: "Đây không ăn xin, nhá! Đây bỏ sức lao động ra hẳn hoi! Phải trả công cho đàng hoàng". Cuối cùng, ông khách đành phải lấy chùm bòn bon chín mọng trong quán đưa biếu chú. Thú vị chẳng kém xem xiếc thú trong rạp xiếc. Khán giả xung quanh vỗ tay rào rào.

Một chuyện khác, còn thú vị hơn, nhưng kể ra có khi chẳng ai tin. Không  tận mắt chứng kiến, không tin đã đành. Nhưng ngay cả khi nhìn rõ mười mươi, chưa chắc đã muốn tin. Thôi thì mình cứ kể, thật hay bịa đã có… khỉ chứng giám!

Vẫn là chuyện xảy ra ở quán nước dọc đường đi bộ lên núi. Hôm ấy có mấy chị ngồi nghỉ chân uống sinh tố. Chị say sưa chụp ảnh tự sướng. Chị sành điệu phì phèo điếu thuốc thơm. Chị ung dung nhấm nháp gói snack. Chị ăn snack thỉnh thoảng lại ném một miếng ra rõ xa cho mấy chú khỉ tranh nhau…

Có một chú không tham gia trò tranh giành. Chú ngồi im. Chờ cho chị kia ăn xong, tiện tay vứt cái vỏ bịch ra đường, chú mới chạy theo nhặt lên. Chú dốc ngược cái vỏ bịch, rũ rũ. Quả thật sạch sành sanh, không còn một vụn snack nào. Mấy chị chàng trong quán nhìn cái vẻ chưng hửng của chú khỉ, phá lên cười khoái trá. Nhưng hình như chú bỏ ngoài tai tiếng cười giễu cợt của họ. Chú giữ nguyên vỏ bịch trên tay, khệnh khạng đi bằng hai chân sau, đến thẳng cái thùng rác ngoài cửa quán, bỏ vào đó.

Rõ ràng chú khỉ này đã từng được người ta dạy cho cách bỏ rác vào thùng rác. Và chú thực hiện thật hoàn hảo. Nhưng lúc ấy không còn ai cười. Không ai vỗ tay. Chị chàng vừa ném cái vỏ bịch snack ra đường hơi thộn mặt.

Cùng một bài học, nhưng chẳng ai muốn tin khỉ lại thuộc trước người!

Nhà văn Trần Đức Tiến
.
.
.